Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thượng đỉnh ASEAN: Biển Đông và đối đầu Mỹ-Trung trong chương trình nghị sự

Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 37 chính thức khai mạc tại Hà Nội vào hôm 12/11/2020, vấn đề Biển Đông và quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã lại nổi cộm trong các cuộc thảo luận giữa các lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á. Do việc dịch Covid-19 vẫn hoành hành, hội nghị vẫn diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Thượng đỉnh trực tuyến giữa các lãnh đạo ASEAN, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2020.
Thượng đỉnh trực tuyến giữa các lãnh đạo ASEAN, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2020. (Hình AP)

Theo hãng tin Anh Reuters, trong phát biểu khai mạc Thượng Đỉnh ASEAN, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Việt Nam, nước hiện là chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, đã tỏ ý vui mừng trước sự kiện khối ASEAN chưa bị “cuốn vào các dòng xoáy biến động thế giới và khu vực”, những cạnh tranh đang thách thức hệ thống đa phương quốc tế.

Tuy nhiên, thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh đến các mối đe dọa phát sinh từ cách ứng xử khó lường của các quốc gia, sự cạnh tranh và đối đầu giữa các cường quốc, ám chỉ đến quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như giữa các nước ASEAN với Trung Quốc ở Biển Đông.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ngày 12/11/2020.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ngày 12/11/2020. (Hình Reuters)

Reuters nhắc lại trong một năm gần đây, tàu Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, từ Việt Nam, Indonesia, cho đến Philippines, Malaysia, với mục tiêu rõ rệt là áp đặt yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên các vùng biển đó.

Hoa Kỳ là nước đã lên tiếng bênh vực các nước Đông Nam Á, khẳng đinh tính chất phi pháp của các yêu sách Trung Quốc và thường xuyên điều chiến hạm đến Biển Đông, đồng thời đưa 24 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen, với lý do đã tham gia xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc nắm trong tay ở Biển Đông.Publicité

Theo Reuters, tình hình căng thẳng ở Biển Đông dứt khoát sẽ lại được thảo luận, không chỉ trong nội bộ lãnh đạo các nước ASEAN, mà cả giữa khối Đông Nam Á với các đối tác ngoài khu vực, từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, cho đến Nga, Ấn Độ, Úc…, trong khuôn khổ các Thượng Đỉnh “tay đôi” ASEAN+1, hay trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á bao gồm khối ASEAN, 3 nước Đông Bắc Á, Úc, New Zealand cùng với Ấn Độ, Mỹ và Nga.

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid vẫn hoành hành trong khu vực, đặc biệt là tại hai nước Indonesia, Philippines, hay là tại Miến Điện, Thái Lan, vấn đề phối hợp và trợ giúp chống dịch cũng là một chủ đề thảo luận quan trọng.

Còn trong lãnh vực kinh tế, trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này sẽ là việc các nước  ký kết Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực RCEP, một thỏa thuận tự do mậu dịch rộng lớn mà Trung Quốc muốn thúc đẩy. (RFI)