Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thực tế ‘sống chung với Covid-19’ nhìn từ Singapore và Israel

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới mỗi ngày đang ở mức kỷ lục tại Singapore và Israel -những quốc gia điển hình cho chiến lược “sống chung với Covid-19”. Xem đây là thực tế tất yếu của kế hoạch, giới chức 2 nước đang thận trọng ứng phó với các ưu tiên nhất định.

Người dân đeo khẩu trang đi tàu tại Singapore, ngày 8/9. (Hình Getty).

Singapore hôm 12/9 thông báo thêm 555 ca nhiễm Covid-19 mới, tương tự một ngày trước đó và cũng là mức cao nhất trong vòng một năm qua mà nước này từng ghi nhận. Số ca bệnh ở Singapore tăng trong những ngày gần đây giữa bối cảnh quốc gia này đang từng bước mở cửa lại, sau khi hơn 80% dân số đã tiêm chủng đầy đủ.

Tương tự, Israel -quốc gia đã tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 của Pfizer cho hơn 60% dân số -đang đối mặt với đợt bùng dịch mới, với hơn 10,000 ca nhiễm mới mỗi ngày vào đầu tháng 9.

Thay vì tái áp đặt các quy định hạn chế nghiêm ngặt khi số ca bệnh tăng nhanh, Singapore chọn cách khởi động chương trình tiêm vắc-xin tăng cường cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi và người có hệ miễn dịch yếu, bắt đầu từ ngày 14/9 tới.

Để giảm sức ép lên các bệnh viện, quốc đảo 5.7 triệu dân cũng sẽ mở rộng chương trình thử nghiệm cho người đã tiêm 2 liều vắc-xin nhưng vẫn nhiễm virus được điều trị và hồi phục tại nhà, cùng với đó là giảm thời gian cách ly cộng đồng từ 14 xuống còn 10 ngày.

Đồng thời, Chính phủ Singapore cũng ưu tiên các nguồn lực để tập trung xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, nhằm ngăn chặn các cụm dịch lớn ở những cơ sở có nguy cơ cao và dễ bị tổn thương.

Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung. (Hình Angela Lim).

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung ngày 10/9 tuyên bố rằng Chính phủ không muốn đảo ngược quan điểm trong cách tiếp cận Covid-19 như một bệnh đặc hữu. “Việc gia tăng số ca nhiễm mới theo ngày mà chúng ta đang thấy ở Singapore là tình trạng chung mà bất kỳ nước nào cũng gặp phải khi tìm cách sống chung với Covid-19”, ông Ong phát biểu trước báo giới, đồng thời cho biết Singapore đang ưu tiên không để số ca tử vong vì Covid-19 tăng cao khi mở cửa trở lại, cũng như tránh gây sức ép quá tải lên hệ thống y tế.

Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi giới chức Israel. Trả lời Jerusalem Post, Salman Zarka -người phụ trách chương trình tiêm chủng Covid-19 của Israel -cho rằng, quan điểm xóa sổ Covid-19 giờ là điều không thể, đồng nghĩa với việc không thể chống dịch bằng việc phong tỏa mãi.

“Tuy nhiên, sống chung với Covid-19 không phải là phớt lờ dịch bệnh. Giờ đây, chiến lược loại bỏ virus phải được thay thế bằng chiến lược quản lý rủi ro. Chẳng hạn trong bối cảnh hiện nay, Israel nếu muốn mở cửa trường học thì đổi lại, phải tạm dừng các sự kiện thể thao hay văn hóa tập trung đông người”, ông Zarka giải thích.

Ngay cả khi không đóng cửa nền kinh tế, số ca nhiễm Covid-19 nghiêm trọng tại Israel hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức trên 1,100 hồi đầu năm năm nay, thời điểm Chính phủ vẫn đang áp đặt lệnh phong tỏa.

Dữ liệu của Bộ Y tế Israel cho thấy, số ca bệnh nặng hôm 29/8 là 752, nhưng đến ngày 2/9 đã giảm xuống 673. Số ca tử vong hàng ngày gần đây ở khoảng 20 – 30, tương đương chưa đến một nửa con số vào tháng 1/2021.

Nhân viên y tế đang chuẩn bị một liều vắc-xin Covid-19, Tel Aviv, Israel, ngày 14/8. (Hình AP)

“Chúng tôi đang ghi nhận hiệu quả bảo vệ tuyệt vời nhờ vắc-xin. Tỷ lệ bệnh nặng ở những người chưa tiêm là gần 300/100,000, trong khi con số này ở những người đã tiêm đủ 2 mũi là 19/100,000 và họ đều trên 60 tuổi” -Giáo sư về bệnh truyền nhiễm Eyal Leshem tại Trung tâm Y tế Sheba của Israel -lưu ý.

Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến ngày 11/9, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong, đồng chủ tịch của nhóm liên Bộ ứng phó Covid-19 của nước này, nhấn mạnh, 2-4 tuần tiếp theo là giai đoạn rất quan trọng với Singapore. Bởi đây sẽ là thời điểm để xem xét hiệu quả của chiến lược tiêm chủng, cũng như phương thức điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện nay của quốc gia này.

Trước những lo ngại về sự suy giảm kháng thể theo thời gian, Israel hiện đang triển khai chương trình tiêm liều vắc-xin thứ 3 cho người dân đủ điều kiện, thay đổi định nghĩa về “tiêm chủng đầy đủ”. Mỹ và nhiều nước khác cũng đã bắt đầu triển khai hoặc lên kế hoạch tiêm liều vắc-xin Covid-19 thứ 3, bất chấp tranh cãi về mặt đạo đức và khoa học.

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo quyết định tiêm mũi tăng cường của các nước giàu sẽ khiến nguồn cung càng khan hiếm với những nước nghèo đang tha thiết cần vắc-xin. Và nếu dữ liệu cuối cùng xác định rằng mũi tiêm thứ 3 là cần thiết, thêm một câu hỏi được đặt ra là liệu con người có cần mũi thứ 4, 5 hoặc thậm chí nhiều hơn hay không để chống lại đại dịch này hay không?

“Một điều chắc chắn rằng khi các biến thể như Delta xuất hiện trong cộng đồng, số ca nhiễm sẽ gia tăng bất chấp tỷ lệ tiêm vắc-xin cao” -Giáo sư Leshem nói -“Trong tình huống đó, sự kết hợp giữa vắc-xin, hệ miễn dịch được tăng cường, thông tin đáng tin cậy từ Chính phủ và trách nhiệm cá nhân trong cộng đồng có thể giúp các nước nối lại hoạt động tương đối bình thường, bất chấp Covid-19”. (KTDT)