Thức ăn thừa nên bảo quản trong tủ lạnh bao lâu là an toàn?
SAN FRANCISCO, California – Khi ăn không hết, bạn thường đông lạnh thức ăn thừa để ăn dần trong thời gian dài. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể bảo quản và đông lạnh thức ăn đúng cách, và điều này dễ khiến bạn phải ăn những thức ăn thừa trong tủ lạnh đã quá thời hạn sử dụng.
Các yếu tố như loại thực phẩm, cách chuẩn bị và cách bảo quản thích hợp đều ảnh hưởng đến thời gian sử dụng thức ăn thừa của bạn, theo trang mạng Healthline.
Theo Mayo Clinic, thức ăn thừa thường có thể để được từ ba đến bốn ngày trong tủ lạnh trước khi nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng lên.
Ngoài ra, bạn nên chú ý một điều nữa là trước khi thưởng thức món hải sản đã để trong tủ lạnh cả tuần, hãy nhớ rằng động vật có vỏ dễ chứa vi khuẩn khiến bạn dễ bệnh. Theo Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC), một số loại thực phẩm sẽ dễ khiến bạn bị ngộ độc hơn so với các thực phẩm khác.
1. Trái cây và rau quả
Trái cây và rau quả sau khi được rửa sạch thì nên bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 40 độ F (4 độ C) trở xuống, theo Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA).
Đối với khoai tây đã nấu chín và các loại rau khác thì có thể bỏ vào tủ lạnh và vẫn có thể dùng an toàn từ ba đến bốn ngày.
Tuy nhiên, bạn nên lưu ý đừng để rau gần một số loại trái cây thải ra khí ethylene, có thể khiến cho các thực phẩm khác kế bên hư hỏng nhanh hơn. Và ở đây chính là táo. Bạn nên bỏ táo ở một chỗ riêng và không gần các thực phẩm khác.
Ngoài ra, để giữ được độ tươi và hương vị tối đa, bạn chỉ nên ăn trái cây để lạnh trong vòng từ một đến ba ngày.
2. Trứng và sữa
Trứng sống có thể bảo quản an toàn từ ba đến năm tuần kể từ khi cho vào tủ lạnh. Còn đối trứng luộc chín thì chỉ có thể bảo quản trong vòng một tuần. Và bạn nên nhớ giữ trứng ở nhiệt độ 40 độ F hoặc thấp hơn.
Trong khi đó, các sản phẩm từ sữa có thời gian sử dụng khác nhau và tùy thuộc vào loại sản phẩm, chẳng hạn:
-Sữa chua có thể bảo quản từ một đến hai tuần.
-Các loại phô mai mềm như ricotta hay brie giữ trong vòng một tuần. Còn đối với các loại phô mai cứng như cheddar và parmesan, bạn có thể bảo quản từ ba đến bốn tuần sau khi mở ra.
-Sữa tươi có thể bảo quản trong tủ lạnh trong vòng một tuần.
3. Thịt sống
Theo Bộ Y Tế Hoa Kỳ, thịt đỏ và thịt gia cầm nấu chín hoặc đã qua chế biến như gà viên hay chả chỉ để được từ ba đến bốn ngày.
Trong khi đó, đối với thịt nguội sau khi mở hộp ra thì chỉ có thể để từ ba đến năm ngày.
4. Cá
Cá sau khi đã nấu chín có thể để từ ba đến bốn ngày, trong khi cá xông khói từ có thể đến 14 ngày, theo FDA.
Còn các thức ăn có vỏ như tôm, ốc hay sò chỉ nên bảo quản trong ba ngày.
5. Bánh mì
Bánh mì hay bánh cuộn có thể bảo quản trong tủ lạnh từ một đến hai tuần. Bạn đừng ăn bánh mì có dấu hiệu bị mốc.
6. Cơm
Bạn có thể thưởng thức cơm bằng cách hâm nóng sau khi lấy ra trong tủ lạnh ra từ ba đến bốn ngày. Điều này cũng áp dụng với các món súp và các món hầm.
7. Món tráng miệng
Tuổi thọ của các món tráng miệng trong tủ lạnh khác nhau. Theo Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA), bánh quy mua ở cửa hàng hay bánh quy tự làm có thể để được tới hai tháng trong tủ lạnh. Trong khi đó, các món tráng miệng ẩm như món bánh cheesecake thì chỉ nên dùng trong vòng một tuần.
NHỮNG RỦI RO KHI ĂN THỨC ĂN THỪA BỊ HƯ
Theo Mayo Clinic, ngộ độc thực phẩm là bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Và các triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn mửa, chuột rút, đau bụng, tiêu chảy và thậm chí là bị sốt.
Và những nhóm người có nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm hơn như người lớn từ 65 tuổi trở lên, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ đang mang thai và những người có vấn đề về sức khỏe.
Ngoài ra, bạn cũng nên nhớ rằng một số thực phẩm như thịt chưa nấu chín có nhiều khả năng chứa vi khuẩn có thể gây bệnh hơn. (T/H, N/V)