Thư viện Đan Mạch: Ở đây bạn không mượn sách, bạn “mượn” người!
Gặp gỡ một người hay cũng giống như được đọc một quyển sách thú vị, có lẽ vì thế mà thư viện này không phải là nơi mượn sách, mà là nơi “mượn” người: mượn một người dân tị nạn, một người chuyển giới, một người vô gia cư… để lắng nghe câu chuyện của họ.
Đến thư viện độc đáo này, bạn không mượn sách mà “mượn” người
Mô hình này lần đầu xuất hiện ở Đan Mạch vào năm 2000 với tên gọi The Human Library. Sau đó, dự án đã được nhân rộng ra các nước khác như Nam Phi, Sudan, Chile, Israel. Vào năm 2016, lần đầu tiên, Việt Nam cũng đã tổ chức dự án The Human Library tại Hà Nội.
Những tình nguyện viên với vai trò “đầu sách” sẽ chia sẻ trải nghiệm của mình cho mọi người cùng biết, thường là về những vấn đề tế nhị mà ai cũng ngại nói ra. Nếu có thắc mắc, các “độc giả” có thể đặt câu hỏi thật thoải mái, và họ sẽ nhận được những câu trả lời tận tình từ “đầu sách” họ chọn. Quả là một ý tưởng táo bạo.
Vậy bạn có thể mượn những loại đầu sách như thế nào?
Mượn đầu sách là người mắc bệnh tự kỷ
Ngày nay, cứ 68 đứa trẻ thì có 1 trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ. Những người mắc chứng bệnh tự kỉ thường sẽ có những suy nghĩ và hành động khác thường. Vậy còn cách nào tốt hơn để tìm hiểu về căn bệnh bằng việc giao lưu với một người mắc hội chứng này?
Mượn đầu sách là người xỏ khuyên, xăm trổ
Đã bao giờ bạn từng đoán già đoán non về lý do một người lại có nhiều hình xăm trên người hay xỏ khuyên chỗ này chỗ nọ? Như việc không thể đánh giá quyển sách qua trang bìa, khi bạn trò chuyện với những “đầu sách” này, bạn sẽ có cái nhìn khác và hiểu hơn về cuộc đời họ.
Mượn đầu sách là người tị nạn
Chắc hẳn bạn đã từng nghe tin tức về những người Syria tị nạn trong cuộc khủng hoảng nội chiến. Hãy đến thư viện, tạm gác đi những định kiến mà truyền thông đã thêu dệt về những con người tị nạn và thật sự trò chuyện với họ. Từ đó, bạn sẽ hiểu hơn về bản chất của họ.
Mượn đầu sách là người chuyển giới
Ngoài những nỗi đau đớn về thể xác, những người chuyển giới còn phải đối diện với định kiến từ xã hội, gia đình, bạn bè như thế nào? Và mất bao lâu để họ dám đi đến quyết định đầy táo bạo ấy? Có lẽ, chúng ta luôn có vô vàn những thắc mắc về cuộc sống của người chuyển giới. Vì lẽ đó, thư viện “sách sống” sẽ là nơi thích hợp để bạn gặp gỡ, trò chuyện với họ.
Mượn đầu sách là người vô gia cư
Những định kiến cho rằng, cuộc sống của những người vô gia cư là do chính họ tự tạo nên, là vì lỗi của họ khi làm mất nhà cửa, khi lạm dụng chất kích thích, bia rượu. Phải chăng họ có nỗi khổ riêng nào khác mà bạn chưa từng biết đến?
Mượn đầu sách là người bị khiếm thị, khiếm thính
Hơn phân nửa số người bị khiếm thị và khiếm thính được chẩn đoán mắc triệu chứng Usher, một bệnh di truyền làm họ bị khiếm khuyết từ khi vừa sinh ra hoặc khi về già. Nhiều lúc, những mảnh đời kém may mắn này thậm chí không đón được xe taxi chỉ vì tài xế không cho phép chó dẫn đường vào xe. Nhưng thay vì căm ghét cả thế giới, họ lại rất vui vẻ sống và sẵn sàng chia sẻ cho chúng ta nghe những câu chuyện thú vị dưới lăng kính của họ.
Mượn đầu sách là người bị béo phì
Xã hội luôn đặt con người vào từng hạng mục khác nhau. Hãy vượt qua giới hạn để thấy được bức tranh toàn cảnh. Thay vì buông lời chê bai, chế nhạo những người béo phì, tại sao không hỏi trực tiếp họ những gì bạn đang thắc mắc và lắng nghe vấn đề của họ.
Không dừng lại ở những “đầu sách” ấy
Ngoài ra, bạn có thể mượn một viên cảnh sát, một cựu quân nhân mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý, một góa phụ, một giáo viên, một người Hồi Giáo, một người yêu theo kiểu đa ái, một người từng trong băng đảng hay thậm chí là một người bán dâm. Danh sách ấy còn kéo dài nhiều hơn thế.
Đây chính là điều mà nhà sáng lập Ronni Abergel mong muốn bấy lâu kể từ khi thư viện sách sống được hình thành vào năm 2000. Trong vòng 4 ngày thử nghiệm ở lễ hội Roskilde ở Copenhagen, các nhà tổ chức và người tham dự lễ hội đã phải kinh ngạc trước sự ảnh hưởng tích cực của sự kiện này.
Ronni chia sẻ trên trang web của thư viện sách sống: “Viên sĩ quan cảnh sát đang ngồi đó và đàm thoại với một nghệ sĩ vẽ tranh đường phố graffiti. Một chính trị gia đang thảo luận với một nhà cách mạng trẻ tuổi và một cổ động viên bóng đá đang có một cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa với một người ủng hộ nữ quyền. Từ trước đến nay những cuộc trò chuyện này luôn là tình huống có lợi cho đôi bên.”
Với ông, khu vực này có nghĩa là một không gian an toàn để hỏi những điều khó nói và không bị đánh giá bởi người khác. Bạn luôn nghĩ rằng, bạn hiểu rõ tường tận cuộc sống của một ai đó và cách bạn đánh giá họ là đúng, nhưng thật ra bạn chẳng hiểu gì về cuộc sống của họ cả.
Trả lời trang Upworthy về câu hỏi “Điều gì đã thay đổi kể từ khi những sự kiện này bắt đầu?”, Ronni đáp rằng: “Thế giới đã thay đổi để luôn sẵn sàng cho những điều tồi tệ hơn thế”. Ở đâu đó ngoài kia, nhiều nơi vẫn kỳ thị người chuyển giới, vẫn còn nạn phân biệt chủng tộc hoặc thậm chí cấm cả một tôn giáo gia nhập đất nước.
Bằng hình thức thư viện độc đáo này, chúng ta có cơ hội hiểu hơn về nhau. Thay vì chỉ đánh giá chủ quan, ta có thể tôn trọng sự đa dạng của thế giới này. Kể từ đó, ta sẽ có dịp sống trong hòa bình và cảm thấy hạnh phúc hơn trong thế giới này.
Khi gặp những đầu sách tại Human Library, không cần biết bạn là ai, bạn từ đâu đến hay bạn sẽ chọn “đầu sách” nào, điều quan trọng nhất bạn sẽ nhận ra chính là: chúng ta là những cá thể khác biệt, chúng ta nhìn nhận mọi thứ ở góc nhìn khác nhau và sống một cuộc đời riêng biệt. Nhưng chúng ta hãy cùng chia sẻ những điểm tương đồng hơn là tạo ra sự xa lánh, kỳ thị, xung đột giữa con người với nhau. Human Library hay thư viện sách sống sẽ là một giải pháp hiệu quả để kết nối mọi người từ nhiều cộng đồng đến gần với nhau hơn. (K14)