Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thêm nỗi đau cho người vay: RBA tăng lãi suất lần thứ 11 trong 1 năm


Ngân hàng Dự trữ Úc (Ngân hàng trung ương -RBA) đã công bố quyết định tăng lãi suất từ 3.6% lên 3.85%, đánh dấu đợt tăng lãi suất lần thứ 11 của ngân hàng này trong vòng 1 năm.

Ngân hàng Dự trữ Úc tăng lãi suất lần thứ 11 trong vòng 1 năm.

Động thái trên đã khiến hầu hết các nhà giao dịch bất ngờ vì trước đó các thị trường tài chính đều dự đoán khả năng RBA tăng lãi suất thấp, chỉ khoảng 13%.

Trước cuộc họp của RBA, phần lớn các nhà kinh tế tại các ngân hàng lớn cũng cho rằng lãi suất có thể sẽ được giữ nguyên trong tháng 5 này, trong khi một số chuyên gia dự báo lãi suất có thể đã đạt đỉnh là 3.6% trong chu kỳ tăng lần này.

Với quyết định lãi suất mới của RBA, một người đang sở hữu khoản vay mua nhà trị giá 500,000 AUD (tương đương 335,470 USD) có thể phải chi thêm 78 AUD/tháng để trả khoản vay của mình.

Nếu tính trong vòng 1 năm kể từ khi RBA bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 5/2022, số tiền trả nợ của người này đã tăng thêm 1,058 AUD/tháng.

Theo Thống đốc RBA Philip Lowe, trong tháng 4 vừa qua, Hội đồng quản trị RBA quyết định ngừng tăng lãi suất để đánh giá tác động của các đợt tăng lãi suất trước đó đối với nền kinh tế.

Dữ liệu khả quan về việc làm và lạm phát vừa qua đồng nghĩa với việc Úc còn nhiều điều phải làm để kiềm chế đà tăng của lạm phát.

Tuyên bố sau cuộc họp của RBA, Thống đốc Philip Lowe nêu rõ: “Mặc dù lạm phát đã qua mức đỉnh, song 7% vẫn là quá cao và Úc sẽ cần thời gian để đưa lạm phát trở về mức mục tiêu đặt ra”.

Ông Lowe cho rằng chi phí hàng hóa nhập khẩu vào Úc đang giảm do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã được cải thiện, nhưng chi phí dịch vụ trong nước đang tăng nhanh hơn. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy lạm phát có thể kéo dài.

Thống đốc RBA nhấn mạnh “Có thể cần phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để bảo đảm lạm phát trở lại mục tiêu trong một khung thời gian hợp lý. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào diễn biến tình hình kinh tế và diễn biến lạm phát”./. (T/H, B/N)