Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thế giới ghi nhận hơn 80 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 12g00 trưa ngày 27/12 (giờ Úc), toàn thế giới đã ghi nhận 80,675,736 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Mỹ vẫn là nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất với hơn 19.4 triệu ca, trong đó có 339,757 người đã tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với  hơn 10.188 triệu ca và 147,659 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 với hơn 7.465 triệu ca nhiễm và 190.815 ca tử vong.

Bên cạnh đó, có 5 nước có số ca nhiễm trên 2 triệu (gồm Nga, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy). Tây Ban Nha, Đức, Argentina, Colombia, Mexico, Ba Lan, Iran, Ukraine và Peru đều có số ca nhiễm hơn 1 triệu.

Ngày 27/12,  giới chức y tế tỉnh Ontario, tỉnh đông dân nhất Canada, đã xác nhận có 2 trường hợp sống ở khu vực Durham là 2 trường hợp đầu tiên tại Canada nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Biến thể mới này được cho là lây lan dễ dàng và nhanh hơn so với phiên bản gốc nhưng không gây chết người nhiều hơn.

Chính quyền sở tại cho biết hiện không có bằng chứng cho thấy các loại vắc-xin được Bộ Y tế Canada phê duyệt sẽ kém hiệu quả hơn với biến thể mới của virus SARC-CoV-2.

Như vậy sau Đan Mạch, Bỉ, Úc, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Pháp, Lebanon, Nhật Bản có các ca nhiễm COVID-19 biến thể mới lần đầu tiên được xác định ở Anh (ngày 14/12) thì đến nay, loại virus này đã xuất hiện ở Canada.

Trong diễn biến mới liên quan đến dịch COVID-19, ngày 26/12, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã cảnh báo về “làn sóng lây nhiễm thứ 3” trên toàn châu Âu trong quý I/2021 với số ca lây nhiễm tăng mạnh và tình hình có thể sẽ trở lại bình thường vào mùa hè 2021.

Tại Áo, từ ngày 26/12, chính phủ Áo đã siết chặt trở lại các quy định về phòng chống COVID-19 sau thời gian nới lỏng ngắn, theo đó người dân chỉ có thể được rời khỏi nơi ở khi có lý do phù hợp. Các quy định hạn chế tiếp xúc và đi lại này sẽ được áp dụng trong 3 tuần, cho tới ít nhất ngày 17/1/2021.

Trong khi đó, cùng ngày 26/12, một số nước châu Âu đã bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sớm 1 ngày trước khi toàn Liên minh châu Âu (EU) chính thức triển khai chiến dịch tiêm phòng vào ngày 27/12.

Hungaria, Slovakia và Đức cũng là các nước đã triển khai tiêm những mũi vắc-xin đầu tiên trong ngày 26/12.

Theo thông báo của Chính phủ Hungaria, các bác sĩ và điều dưỡng viên tại một bệnh viện ở thủ đô Budapest đã được tiêm chủng vắc-xin do Pfizer/BioNTech hợp tác sản xuất. Việc tiêm vắc-xin được thực hiện ngay sau khi Hungaria nhận được lô vắc-xin đầu tiên để có thể tiêm phòng cho 4,875 người thuộc diện ưu tiên số một.

Ở Slovakia, bác sĩ y khoa và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Vladimir Krcmery là người đầu tiên được tiêm chủng vào tối 26/12. Trong khi tại Đức, cụ bà 101 tuổi Edith Kwoizalla ở thành phố Halberstadt, bang Sachsen-Anhalt, là người đầu tiên ở nước này được tiêm phòng COVID-19. Khoảng 40 cư dân và 10 nhân viên y tế sẽ là những người đầu tiên ở bang Sachsen-Anhalt được tiêm phòng. Việc tiêm phòng ở Đức thực hiện miễn phí và tự nguyện. (BCP)