Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tết khó khăn, nhiều gia đình gồng mình với các khoản chi


“Quỹ lớp thì đóng chung nhé. Toàn 3 triệu/kỳ, dã man phết. Thế rồi là tiền kia thì mình quà riêng thôi, nhưng mà căn bản là ở xã hội Việt Nam này mà mình không có cái gì để người ta nhớ đến mình thì con mình người ta cũng thế. Cho nên là tóm lại mình cũng phải chu đáo với giáo viên một tí”. Đó là lời tâm sự của chị Lê Thanh Hồng, một phụ huynh sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khi nói về các khoản chi “chẳng đặng đừng” dịp Tết. Ba đứa con của chị đều đang theo học tại một trường điểm và chị nhẩm tính số tiền quỹ lớp và tiền quà biếu thầy cô giáo dịp Tết này tổng cộng lên tới khoảng 30 triệu.

Một người bán hàng rong ở Hà Nội dịp giáp Tết. Ảnh chụp từ màn hình

Đây là một khoản chi lớn bên cạnh những khoản không thể tiết kiệm khác trong dịp Tết khiến nhiều người lao động như chị Hồng cảm thấy kiệt quệ vì thu nhập, lương thưởng Tết năm nay rất eo hẹp, không được như mọi năm.

“Bình thường mọi năm thì cứ đến Tết là bọn tôi có được khoản thưởng khoảng 100, 150 triệu thậm chí là 200 triệu tuỳ năm, thì mình chi ra 30 – 50 triệu rất là bình thường. Tuy nhiên, năm nay mình không có cái khoản như thế mà mình toàn phải lấy tiền tiết kiệm ra chi, thì mình thấy ức chế thôi. Không có nguồn thu để bù đắp mà cứ chi như thế thì mình thấy đúng là kinh quá,” chị Hồng than thở.

Chị Đỗ Thị Lan, một người buôn bán nhỏ ở quận Ba Đình, cho biết năm nay việc biếu Tết cho thầy cô của hai đứa nhỏ chị đành phải cắt hết vì thật sự không còn tiền đâu để chi nữa. Suốt gần banăm đại dịch, việc buôn bán của chị gần như ngưng trệ hoàn toàn, tất cả tiền tiết kiệm đều đã đem ra để duy trì cuộc sống gia đình mà còn không đủ. Từ khi mở cửa trở lại, buôn bán cũng không được gì mấy.

Các công nhân tăng ca cả ngày lẫn đêm với tinh thần “chạy nước rút” để kịp khai trương vườn hoa Tết vào ngày 26 tháng Chạp.
Các công nhân tăng ca cả ngày lẫn đêm với tinh thần “chạy nước rút” để kịp khai trương vườn hoa Tết vào ngày 26 tháng Chạp. Hình Kinh Tế & Đô Thị

“Mọi năm thì mình còn bán bưởi, bán bòng, bán ít đồ Tết. Nhưng mà năm nay đến giờ này cũng đã có ai mua bán cái gì đâu. Hàng tạp hoá vẫn im lìm. Chả biết bao giờ thì dân có tiền để mà đi mua bán thì mình cũng không biết. Cái chị bán bưởi hàng năm nhắn tin là năm nay có bán bưởi không em, mà mình còn không dám trả lời. Dân người ta có tiền mà mua đâu. Kể ra công nhân người ta còn làm việc, người ta còn có lương thì người ta còn dư dả ,và cuối năm họ còn nghĩ đến chuyện mua sắm. Chứ bây giờ trong Nam thì cho nghỉ sớm mấy nghìn công nhân trong khi ngoài Bắc này thì cũng cho nghỉ nhiều mà,” chị Lan phân trần. Chị nói Tết năm nay chị sẽ cố gắng gói gọn các khoản chi trong việc cúng giỗ và đón Tết trong phạm vi gia đình, hạn chế thăm hỏi và chúc Tết ngay cả đối với người thân, họ hàng.

Đối với những gia đình về quê ăn Tết thì có phần dễ thở hơn. Phần lớn họ không mua sắm gì nhiều bởi gần Tết là họ lên tàu về với gia đình, vui Tết cậy vào ông bà khi công việc và thu nhập tại thành phố đang trong thời kỳ khó khăn. Tất nhiên gia đình bố mẹ ở quê cũng chẳng dư dả gì nếu không muốn nói là cũng khó khăn,nhưng dù sao thì ăn một cái Tết đạm bạc cũng không tốn kém mấy.

Ngoài hoa, đèn trang trí, linh vật của năm Quý Mão 2023 cũng “lộ diện” với màu sắc tươi sáng và hình thù ngộ nghĩnh. Hình Kinh Tế & Đô Thị

Anh Nguyễn Thành Trung, viên chức làm việc cho một cơ quan nhà nước ở thành phố Hà Đông, cho biết năm nay 2 vợ chồng anh chỉ có khoảng hơn chục triệu về quê ăn Tết cùng bố mẹ. Anh nói may mà con anh học một trường làng ngoại ô nên không phải biếu quà cho thầy cô, nếu không thì khoản tiền còm cõi đó chắc cũng chẳng còn.

“Giáo viên nhưng đồng thời cũng là hàng xóm nhà mình. Cô không nhận của ai cái gì cả, không phải chỉ riêng nhà mình vì hỏi mọi người trong lớp thì đúng là cô không nhận cái gì luôn. Thật ra thì cô cũng sắp về hưu rồi nên cô cũng không cần thiết,” anh Trung tâm sự.

Anh cho biết thêm rằng trong hoàn cảnh chung hiện nay thì vợ chồng anh như vậy là hạnh phúc vì vẫn còn một chút đỉnh mang về biếu ông bà, chứ tay trắng về ăn bám bố mẹ dịp Tết thì có khi anh cũng chẳng dám về mà sẽ ở lại Hà Nội đóng cửa, chờ Tết trôi qua. (T/H, VOA)