Wednesday, April 16, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tập Cận Bình Đến Việt Nam, Tập Trung Hợp Tác Kinh Tế Đối Phó Với Mỹ


HÀ NỘI – Ngày 14 Tháng Tư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du cấp Nhà nước đến Việt Nam – điểm dừng chân đầu tiên trong vòng công du ba nước Đông Nam Á từ ngày 14 đến 18 Tháng Tư. Trọng tâm chương trình nghị sự là thúc đẩy hợp tác thương mại, chuỗi cung ứng và công nghệ mới nổi trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ tiếp tục leo thang.

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm “Ngày giải phóng” miền Nam, và cũng trong căng thẳng “Ngày Giải phóng” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt cuộc chiến tranh thương mại. Hình Getty

Theo hãng tin AP, đây là chuyến thăm Việt Nam thứ hai của ông Tập trong vòng chưa đầy 18 tháng. Chuyến đi diễn ra khi Hoa Kỳ đã áp mức thuế nhập khẩu lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, và Việt Nam đang tìm cách đàm phán để tránh mức thuế 46% có thể được áp dụng vào tháng 7 tới nếu không đạt được thỏa thuận với Washington.

Trước chuyến thăm, Chủ tịch Tập đã đăng bài viết trên báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam – kêu gọi hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực từ thương mại, sản xuất, chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo (AI) đến nền kinh tế xanh. Trung Quốc cũng đang tìm cách chào bán máy bay dân dụng C909 do hãng COMAC phát triển.

Phía Việt Nam, Tô Lâm cho biết Hà Nội mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh và cơ sở hạ tầng – đặc biệt là phát triển các tuyến đường sắt nối liền hai nước. Tuy Việt Nam đã đồng ý sử dụng vốn vay từ Trung Quốc cho các dự án đường sắt mới, song hiện chưa có thỏa thuận vay chính thức được công bố.

Một số điểm đáng chú ý trong tuyên bố chung này có thể kể đến như: nhất trí cần kiên định thúc đẩy sự nghiệp hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định cần kiên định ủng hộ lẫn nhau trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Hãng tin Reuters dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng chuyến công du lần này thể hiện nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thắt chặt quan hệ với các đối tác then chốt trong khu vực, đồng thời giảm thiểu tác động từ chính sách bảo hộ của Mỹ. Chủ tịch Tập lên án chủ nghĩa bảo hộ là “không dẫn đến đâu” và khẳng định “không ai chiến thắng trong cuộc chiến thương mại.”

Tuy nhiên, quan hệ Việt – Trung vẫn đối mặt nhiều thách thức. Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc, đồng thời tuyên bố kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa để đảm bảo đúng tiêu chuẩn “Made in Vietnam” khi xuất khẩu sang Mỹ.

Một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc có thể không hài lòng với động thái gần đây của Việt Nam như cho phép triển khai mạng vệ tinh Starlink – động thái được coi là nhượng bộ Hoa Kỳ trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay.

Ông Tô Lâm (trái) và ông Tập Cận Bình xem triển lãm 45 văn bản hợp tác giữa hai nước được trưng bày tại trụ sở Trung ương đảng CSVN ngày 14 Tháng Tư 2025. Hình AFP/Getty

Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước sẽ ký kết khoảng 40 văn kiện hợp tác, bao gồm các lĩnh vực then chốt như hạ tầng giao thông, nông nghiệp, kỹ thuật số, và năng lượng tái tạo.

Sau Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc sẽ tiếp tục công du Malaysia và Campuchia. Theo các nhà phân tích, Đông Nam Á – với vai trò là khách hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2024 – đang được Bắc Kinh xem là trọng tâm trong chiến lược ổn định chuỗi cung ứng và thúc đẩy công nghệ giữa bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Washington ngày càng gay gắt. (T/H, D/V)