Sunday, November 24, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tại sao phương Tây nghi ngờ vắc-xin Tàu và Nga?

Nguyễn Văn Tuấn

Dư luận trong nước có vẻ rất quan tâm đến vắc-xin của Tàu. Có người viết thẳng là ‘Nói không với vắc-xin Tàu’! Dù những người quan tâm đó không biết nhiều về vắc-xin và khoa học, nhưng mối quan tâm của họ có lí do. Cái note này sẽ giải thích tại sao vắc-xin Tàu và Nga không được đánh giá cao.

Sự hoài nghi vắc-xin của Nga và Tàu

Tại sao người Việt nghi ngờ vắc-xin của Tàu? Một bài viết của tác giả PĐT, ‘Nói không với vắc-xin Sinopharm, Sinovac China’, nêu lên vài lý do chánh trị hơn là khoa học. Người ta đánh đồng hàng hoá của Tàu thường dỏm, và vắc-xin chắc cũng vậy (dù chưa có bằng chứng). Vả lại, người Việt không tin những kẻ cầm quyền ở phương Bắc vì họ thường có dã tâm xâm chiếm Việt Nam và tiêu diệt dân tộc Việt.

Tóm lại, người Việt không tin vắc-xin Tàu là vì lý do chánh trị, lịch sử, và … cảm tính.

Nhưng không phải chỉ người Việt Nam, ở phương Tây người dân cũng nghi ngờ vắc-xin của Nga và Tàu. Một điều tra của YouGov gần đây hỏi 19.000 người từ 17 quốc gia cho thấy vắc-xin của các nước Nga, Tàu, Ấn Độ, và Iran được điểm âm (tức không thích hay nghi ngờ), nhưng họ thấy ‘thoải mái’ với vắc-xin sản xuất từ Đức, Canada, Anh, Úc, Pháp, và Mỹ [1].

Kết quả thăm dò ý kiến của người dân từ các nước như Ấn Độ, Mễ Tây Cơ, Nam Dương, Singapore, Tây Ban Nha, v.v. (cộ) về niềm tin vào vắc-xin do các nước sản xuất (dòng). Những ô màu xanh thể hiện sự tin tưởng của người dân. Ví dụ như người Ấn Độ (cột 1) tin tưởng vào vắc-xin từ Ấn Độ, Đức, Canada, Mĩ, Úc, Pháp, Anh, v.v. Những ô màu hồng có nghĩa là kém tin tưởng. Ví dụ như người Đức (cột sau cùng) rất không tin vào vắc-xin từ Nga, Ấn Độ, Tàu và Iran.

Điều thú vị là ngay cả người Nga cũng miễn cưỡng với vắc-xin do Nga sản xuất. Theo một nguồn tin, khi giới chức Nga tuyên bố rằng họ sẽ tiêm vắc-xin Nga (gọi là ‘Sputnik V’) ở một trung tâm y tế địa phương, chỉ có 28% người Nga chịu tiêm vắc-xin [2].

Nhưng ở Mỹ có một tờ báo ủng hộ vắc-xin của Nga: đó là tờ New York Time. (Các bạn có lẽ còn nhớ đây cũng là tờ báo chống Trump một cách điên dại và bẩn thỉu nhứt). Họ chạy một tựa đề rất khẳng định: ‘It’s Time to Trust China’s and Russia’s Vắc-xins’ (Đã đến lúc tin tưởng vào vắc-xin của Tàu và Nga) [3]. Theo New York Time thì các thử nghiệm vắc-xin Tàu ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập, Nam Mỹ cho thấy hiệu quả Sinovac (vắc-xin của Tàu) cũng cao như vắc-xin ở các nước phương Tây. Nhưng dĩ nhiên, New York Time không có chuyên gia và thì giờ để phân tích sự hợp lý của những con số hiệu quả đó.

Lý do khoa học

Theo dõi những nghiên cứu từ Nga và Tàu liên quan đến vắc-xin Covid-19, tôi thấy giới khoa học phương Tây không ‘mặn mà’ với vắc-xin từ 2 nước này là do 2 yếu tố:

• phương pháp khoa học

• minh bạch dữ liệu

Chính 2 yếu tố này làm cho giới khoa học phương Tây dè dặt với những nghiên cứu đến từ Nga, và một phần nào đó, từ Tàu.

Về phương pháp khoa học, các bạn ngoài khoa học nghĩ rằng nghiên cứu ở đâu cũng phải tuân thủ theo các nguyên tắc và phương pháp khoa học. Nhưng trong thực tế thì không phải như vậy. Rất rất nhiều nghiên cứu dù mang tiếng là ‘khoa học’, nhưng thật ra chẳng có giá trị khoa học gì cả, vì họ làm sai hay không đúng quy trình.

Ví dụ như nghiên cứu về vắc-xin (hay bất cứ thuốc nào) đều phải đi từ nghiên cứu cơ bản, thử nghiệm trên chuột, thử nghiệm trên người giai đoạn I, II và III. Mỗi nghiên cứu phải tuân theo các phương pháp chọn đối tượng, ngẫu nhiên hoá, đo lường, phân tích dữ liệu, v.v. Nhưng các nghiên cứu về vắc-xin từ Nga đều có vấn đề về phương pháp. Chẳng ai biết họ theo dõi bệnh nhân như thế nào, nên những kết quả họ báo cáo rất khó diễn giải.

Chẳng hạn như cách họ chọn mẫu và số lượng cỡ mẫu quá thấp để có thể đánh giá đầy đủ về hiệu quả của vắc-xin ở giai đoạn I và II. Ngay cả dữ liệu ở giai đoạn III cũng không nhứt quán và nêu lên nhiều câu hỏi hơn là cho ra những câu trả lời. Các bạn có thể đọc những bình luận của 37 nhà khoa học chất vấn dữ liệu của Nga để thấy vấn đề [4-6]. Những phân tích thống kê của họ càng nêu lên nhiều câu hỏi về ảnh hưởng tương tác [5].

Dữ liệu của mỗi bước nghiên cứu như thế phải được công bố trên các tập san khoa học để đồng nghiệp xem xét và đánh giá. Theo chuẩn mực hiện nay, bất cứ nhà nghiên cứu nào công bố một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đều phải công bố cả dữ liệu gốc (dữ liệu thô) kèm theo những mã máy tính dùng cho phân tích thống kê.

Với dữ liệu và mã máy tính, các nhà khoa học độc lập trên thế giới có thể phân tích lại và xác định kết quả của tác giả đúng hay sai. Các dữ liệu nghiên cứu về vắc-xin của Đức, Mỹ, Anh đều được công bố để giới khoa học có thể xem xét.

Nhưng khi các nhà khoa học yêu cầu nhóm nghiên cứu Nga cung cấp dữ liệu gốc thì họ … từ chối. Họ (nhóm nghiên cứu) nói rằng cần phải qua sự phê chuẩn của bộ phận an ninh nào đó! Sự can thiệp của an ninh vào dữ liệu khoa học là điều rất lạ lùng đối với giới khoa học phương Tây. Sự từ chối của Nga là một tín hiệu cho thấy có thể họ không tự tin về phương pháp khoa học và chất lượng dữ liệu?

Còn vắc-xin của Tàu thì sao? Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của họ. Vào cuối năm 2020, chánh phủ Tàu tuyên bố rằng họ đã phân phối vắc-xin do Tàu sản xuất cho 1 triệu người. Nhưng điều đáng nói là cho đến lúc đó, thế giới hoàn toàn không thấy bất cứ một bài báo khoa học nào từ Tàu về bào chế vắc-xin! Chưa ai được tiếp xúc với dữ liệu về vắc-xin của Tàu.

Tất cả chúng ta biết về vắc-xin Tàu chỉ qua những bài báo phổ thông. Lúc thì họ nói hiệu quả của vắc-xin là 79%, lúc thì 86% (thử nghiệm từ một nhóm 20.000 người Ả Rập), nhưng các nhà phân tích xem xét lại thì chỉ 51% (thử nghiệm ở Ba Tây). Con số 51% cũng rất thú vị, vì nó chỉ trên 50%, và 50% là ngưỡng để Tổ chức Y tế Thế giới phê chuẩn!

Vắc-xin Tàu lúc nào cũng gây nghi ngờ, vì sự kém minh bạch trong nghiên cứu khoa học và bào chế. https://www.abc.net.au/…/why-is-the-west-so…/100026036

Có vẻ Tàu và Nga làm nghiên cứu khoa học theo kiểu … Tàu. Trước đây Nga cũng vậy, họ tuyên bố vắc-xin do họ sản xuất có hiệu quả cao, nhưng chẳng ai thấy dữ liệu ra sao. Hai nước này có khi làm khoa học không theo chuẩn mực khoa học quốc tế.

Tin giả và tuyên truyền

Theo báo cáo của Liên minh Âu châu (EU), Nga và Tàu huy động hệ thống truyền thông quốc doanh tung ra những tin giả liên quan đến ảnh hưởng phụ của vắc-xin các nước phương Tây [2]. Họ giả tạo dữ liệu, nguỵ tạo thông tin để gây nghi ngờ về hiệu quả các vắc-xin do Đức, Mỹ, Anh sản xuất. Họ đặc biệt xoáy vào những ca tử vong sau khi tiêm vắc-xin và lợi dụng sự kém hiểu biết về khoa học của công chúng để gây hoang mang.

Họ dùng các trạm trực tuyến của nhiều ngôn ngữ để ‘nói xấu’ vắc-xin của các nước phương Tây. Rất có thể có cả tiếng Việt vì cũng có vài trạm internet tiếng Việt có cảm tình với Nga.

Nói chung, những người từ các quốc gia đó, kể cả khối XHCN cũ, thường có những lời tuyên bố không nhứt quán với việc làm thực tế. Họ thường ăn nói – nói theo dân miền Nam – là ‘lắt léo’, lươn lẹo, nói vậy mà không phải vậy! Và, cái bệnh lắt léo đó nó lan truyền sang khoa học, và nước bị ảnh hưởng nặng nề là Nga hơn là Tàu.

Quay lại hiện tượng người Việt không thích vắc-xin Tàu, dù có vẻ cảm tính, nhưng hoá ra cảm tính đó khá phù hợp với khoa học. Trong khoa học, phương pháp khoa học và minh bạch dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao niềm tin của đồng nghiệp và công chúng. Cả hai yếu tố này đều, công bằng mà nói, thiếu ở Nga và Tàu. Và, đó chính là lý do mà giới khoa học phương Tây nghi ngờ các vắc-xin từ Nga và Tàu.

Cho đến nay, vắc-xin của hai nước này không được phê chuẩn ở các nước như Mỹ, Anh, EU và Úc, và trong tương lai cũng khó được phê chuẩn vì sự kém minh bạch trong khoa học. Điều này cũng áp dụng cho vắc-xin Việt Nam.

_______

[1] https://yougov.co.uk/…/how-much-difference-does-it-make…

[2] https://www.scmp.com/…/coronavirus-china-and-russia-sow…

[3] https://www.nytimes.com/…/covid-vắc-xins-china-russia.html

[4] https://cattiviscienziati.com/2020/09/07/note-of-concern

[5] https://www.bmj.com/content/372/bmj.n743/rr-1

[6] https://www.nature.com/articles/d41586-020-02619-4

N.V.T.