Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tại sao người VN phản ứng trái ngược trước vắc-xin TQ và phương Tây?

Nguồn: Hoàng Thị Hà, “A Tale of Two Vaccines in Vietnam”, Fulcrum, 12/07/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Hai sự kiện tương tự nhau nhưng phản ứng của người dân lại hoàn toàn khác nhau. Ngày 7/7, Việt Nam tiến hành tiếp nhận 97,000 liều vắc-xin Pfizer được chuyển về nước. Thứ trưởng Y tế Việt Nam và Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ đã chủ trì buổi lễ chuyển giao. Số lượng khiêm tốn này là lô đầu tiên trong số 31 triệu liều vắc-xin mà chính phủ Việt Nam đặt hàng từ Pfizer-BioNTech, một công ty liên kết giữa Mỹ và Đức. Chỉ hai tuần trước đó, một buổi lễ tương tự đã được tổ chức để tiếp nhận 500,000 liều vắc-xin Sinopharm do Trung Quốc tài trợ. Bộ trưởng Y tế Việt Nam và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam cũng tham dự buổi lễ.

Nhìn chung, có sự cân bằng trong cấp độ lễ tân và ý nghĩa chính trị mà chính phủ Việt Nam dành cho cả hai sự kiện. Tuy nhiên, phản ứng của công chúng trên cả phương tiện truyền thông chính thống và mạng xã hội cho thấy thái độ đa phần tiêu cực đối với vắc-xin Trung Quốc, trái ngược với sự đón nhận nhiệt tình của họ đối với vắc-xin phương Tây.

Điều này cũng phản ánh tinh thần chung ở Việt Nam. Nhìn chung, người dân Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ tuổi, có thái độ ưu ái hơn đối với Hoa Kỳ vào thời điểm quan hệ song phương đang trên đà phát triển. Ngược lại, thái độ phổ biến đối với nước láng giềng phía Bắc của Việt Nam ít mặn mà hơn, một phần là do tranh chấp Biển Đông đang sôi sục.

Các ý kiến trong mục bình luận ​​của độc giả trên các trang báo nổi tiếng nhất của Việt Nam – trang tuoitre.vn và vnexpress.net – có thể cho thấy điều này. Trong hai bài báo của vnexpress.net và tuoitre.vn có tiêu đề tương tự “Việt Nam phê duyệt vắc xin Covid-19 của Sinopharm” vào ngày 4/6, rất ít ý kiến ​​bày tỏ sự ủng hộ đối với vắc-xin Sinopharm. Đa số nói rằng họ thà chờ đợi và trả thêm tiền để có được những lựa chọn hàng đầu – như vắc xin Pfizer và Moderna do Mỹ sản xuất. Ngoài ra cũng có nhiều ngươi chấp nhận vắc-xin Astra Zeneca, Sputnik của Nga và các vắc-xin do Việt Nam tự sản xuất trong tương lai. Chất lượng vắc-xin xét về mặt hiệu quả và an toàn được dẫn là lý do chính lý giải cho quan điểm này. Nhiều độc giả đã bác bỏ hoàn toàn vắc-xin Sinopharm, do thái độ bài Trung Quốc cố hữu hoặc sự mất lòng tin quá lớn vào các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Chỉ một số ít đưa ra những lý do dựa trên thông tin và có cân nhắc, chẳng hạn như việc vắc-xin Trung Quốc thiếu các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, hiệu quả thấp hơn so với vắc-xin Pfizer và Moderna, hay sự gia tăng ca nhiễm Covid-19 ở các quốc gia đã tiêm vắc xin Trung Quốc như Bahrain, Seychelles, Uruguay và Chile.

Dù bày tỏ sự ngần ngại đối với vắc-xin Trung Quốc, nhiều người Việt Nam ủng hộ tuyên bố của chính phủ là chỉ tiêm vắc-xin Sinopharm cho những nhóm liên quan đến Trung Quốc, cụ thể là người Việt Nam sống ở khu vực biên giới với Trung Quốc hoặc tham gia các hoạt động thương mại và dịch vụ với Trung Quốc, hay các công dân Trung Quốc đang cư trú tại Việt Nam. Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, kế hoạch này là một phần của thỏa thuận song phương dẫn tới việc Trung Quốc tặng lô vắc-xin Sinopharm này cho Việt Nam.

Tuy nhiên, trong một diễn biến khá kỳ lạ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 24 tháng 6 đã bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Việt Nam đã “thất hứa trong việc ưu tiên cho công dân Trung Quốc” bằng cách lên kế hoạch phân phối vắc-xin Sinopharm cho 9 tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng nặng bởi đợt bùng dịch Covid-19 gần đây. Đại sứ quán Trung Quốc nói thêm rằng công dân Trung Quốc nên được tiêm trước các nhóm khác, phù hợp với chiến dịch “Mầm xuân” (Spring Sprout) của Trung Quốc nhằm tiêm chủng cho công dân Trung Quốc đang sinh sống ở nước ngoài. Ước tính có hơn 500,000 công dân Trung Quốc đang sinh sống tại Việt Nam. Vào ngày 25 tháng 6, Đại sứ quán Trung Quốc thông báo rằng Việt Nam đồng ý rút lại kế hoạch phân phối trước đó sau phàn nàn của Trung Quốc. Các diễn biến này không được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong nước của Việt Nam mà chỉ được đưa tin trên các chương trình Việt ngữ của các kênh truyền thông nước ngoài như BBC, RFA, VOA cũng như tờ Thời báo Hoàn Cầu.

Việc Đại sứ quán Trung Quốc công khai bày tỏ sự bất bình khi lẽ ra việc này có thể được thực hiện kín đáo thông qua đường ngoại giao càng làm xấu đi nhận thức vốn đã tiêu cực của công chúng Việt Nam về Trung Quốc và chương trình ngoại giao vắc-xin của nước này. Họ không coi việc Trung Quốc tặng vắc-xin Sinopharm là một hành động hào phóng mà là một động thái có tính toán phục vụ chương trình nghị sự chính trị của Bắc Kinh đối với công dân Trung Quốc ở nước ngoài, trong khi lợi dụng các hoạt động hậu cần phục vụ tiêm chủng của Việt Nam. Nó cũng thể hiện màn trình diễn quyền lực mềm vụng về của Trung Quốc ở nước ngoài bất chấp chỉ thị gần đây của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình là cần thể hiện một hình ảnh “Trung Quốc đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính trọng” ở nước ngoài.

Ngược lại, bài đăng trên Facebook của Đại sứ quán Hoa Kỳ về việc bàn giao lô vắc-xin Pfizer hôm 7 tháng 7 đã thu hút được hơn 1.500 phản ứng tích cực trong vòng 12 giờ (và còn tiếp tục tăng). Hầu hết khách truy cập trực tuyến đều bày tỏ sự cảm ơn của họ trong các bình luận, bỏ qua thực tế rằng việc bàn giao lô hàng là một phần của một hợp đồng thương mại. Các bình luận trên các bài báo của Vnexpress và Tuoitre cũng rất tích cực. Không có các nhận xét tiêu cực, ngoại trừ một số người bày tỏ lo ngại về việc bảo quản vắc-xin Pfizer. Nhiều người cũng quan tâm đến việc đảm bảo quyền tiếp cận vắc-xin và bàn giao cho các nhóm và địa phương ưu tiên cao. Trong một diễn biến liên quan, 2 triệu liều vắc-xin Moderna do chính phủ Mỹ tặng sẽ sớm về Việt Nam, khi chính quyền Biden tiếp mở rộng chiến dịch ngoại giao vắc-xin của mình trên toàn thế giới.

Nhận thức tiêu cực phổ biến trong công chúng về vắc-xin Trung Quốc so với sự ủng hộ nồng nhiệt của họ đối với các vắc-xin phương Tây, cùng với mối quan tâm thực sự về tính hiệu quả của vắc-xin, phần nào giải thích cho việc Chính phủ Việt Nam ngần ngại mua vắc-xin Trung Quốc, ngoại trừ một số lượng hạn chế được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp do khan hiếm nguồn cung. Điều này diễn ra bất chấp thực tế là Việt Nam đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới nhất và nghiêm trọng nhất đang diễn ra. Chỉ 3.8% trong số 96 triệu người ở Việt Nam đã được tiêm chủng. Đây là tỷ lệ thấp thứ hai trong ASEAN, đưa Việt Nam đứng trước chỉ Myanmar, quốc gia đang tiếp tục phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng chính trị theo sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai.

Xét cho cùng, quyết tâm của Việt Nam không vồ vập đón nhận vắc-xin Trung Quốc cũng xuất phát từ khía cạnh địa chính trị. Như một số nhà quan sát đã ghi nhận, Việt Nam sẽ cố gắng hết sức tránh phải hàm ơn Trung Quốc về cung cấp vắc-xin để giữ sự tự chủ và khả năng hành động bảo vệ lợi ích của mình trong tranh chấp Biển Đông – vấn đề lớn nhất trong quan hệ song phương hiện nay. Tuy nhiên, “thương hiệu Trung Quốc” –cho dù đó là về vắc-xin Covid-19, niềm tin giữa các đồng chí Cộng sản với nhau, hay niềm tin của người tiêu dùng –đều đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn ở nước láng giềng phía Nam Trung Quốc. (NCQT)