Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tại sao căng thẳng Nga-Ukraine đẩy giá dầu lên gần 100 USD/thùng?


Mối lo ngại về khả năng Nga tấn công Ukraine đã làm ‘rung chuyển’ thị trường năng lượng, khiến giá dầu bị đẩy lên gần 100 USD/thùng.

Khi các nền kinh tế dần phục hồi sau thời kỳ suy thoái vì đại dịch COVID-19, nhu cầu dầu đã vượt xa tốc độ tăng trưởng. Thị trường chỉ còn một “vùng đệm” tương đối nhỏ để giảm thiểu cú sốc thiếu dầu. Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới. Nếu một xung đột ở Ukraine làm giảm đáng kể dòng chảy dầu từ Nga ra thị trường, sự cân bằng chặt chẽ giữa cung và cầu sẽ khó đứng vững.

Theo các nhà phân tích, với những lo ngại này, các giao dịch trong những ngày gần đây đã được định giá với rủi ro địa chính trị khá lớn. Giá dầu thô, chưa bao giờ vượt mức 100 USD/thùng kể từ năm 2014, đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm hôm 11/2.

Giám đốc sáng lập Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, Jason Bordoff nhận xét: “Chúng ta đang chuẩn bị cho một thời kỳ hỗn loạn. Mối đe dọa rõ ràng hơn khi thị trường năng lượng trở nên căng thẳng”.

Những lo ngại về khả năng Nga tấn công Ukraine cũng khiến thị trường chứng khoán biến động, khi lo ngại lạm phát tăng và lợi suất trái phiếu tăng. Các nhà phân tích và tư vấn cho biết thêm, Nga cũng là nước xuất khẩu lớn đối với một số mặt hàng khác, như lúa mì, và điều này có thể ảnh hưởng đến giá cả trong trường hợp xung đột quân sự.

Hình minh họa.

Điều gì sẽ xảy ra?

Hiện tại, theo giới phân tích, kịch bản có gián đoạn lớn với thị trường năng lượng vẫn khó xảy ra. Một mặt, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa báo hiệu về việc sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại ngành năng lượng của Nga. Mặt khác, Nga phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, nên nước này khó có thể dùng việc “khóa vòi” để trả đũa.

Nhưng Nhà Trắng cho biết không loại trừ biện pháp trừng phạt nào, và khả năng xung đột quân sự có thể dẫn đến những kết quả khó lường. Tính đến 11/2, Mỹ vẫn cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine. Còn Moskva phủ nhận ý định đem quân xung đột với láng giềng, dù đã điều khoảng 130,000 binh sĩ đến khu vực dọc biên giới.

Khi đó, những nguy cơ phần còn lại của thế giới phải đối mặt là rất lớn. Giá khí đốt và dầu tự nhiên tăng mạnh có thể tác động lên giá xăng và nhiều mặt hàng tiêu dùng, khiến lạm phát tăng cao hơn.

Nga đóng vai trò lớn trong thị trường hàng hóa toàn cầu. Theo ngân hàng đầu tư Cowen, nước này xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 12% kim ngạch thương mại toàn cầu. Nga cũng xuất khẩu khoảng 2.5 triệu thùng/ngày các sản phẩm dầu mỏ, chiếm khoảng 10% kim ngạch thương mại toàn cầu. Khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu của Nga đến châu Âu và 30% khác đến Trung Quốc.

Lo ngại xung đột Nga-Ukraine có thể làm gián đoạn thị trường năng lượng ngày càng cao.

Căng thẳng về Ukraine diễn ra khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (bao gồm Nga), được gọi chung là OPEC+, cam kết thận trọng đưa thêm nhiều thùng dầu trở lại thị trường, phục vụ nhu cầu gia tăng trở lại. Nhưng họ đã không đạt được mục tiêu sản xuất dầu cần thiết.

Năm ngoái, nhóm đồng ý nâng sản lượng sản xuất thêm 400,000 thùng/ngày mỗi tháng. Tuy nhiên theo nhà phân tích Andy Lipow – Chủ tịch Lipow Oil Associates ở Houston – cho đến nay, họ còn thiếu hơn 1 triệu thùng/ngày so với mục tiêu.

Ông Lipow nói: “Thị trường đang đặt câu hỏi về khả năng khôi phục sản xuất về mức trước đại dịch của OPEC +”.

Ông cho biết thêm, Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là hai nhà sản xuất OPEC + có khả năng sản xuất dự phòng lớn.

Nguy cơ thiếu hụt kéo dài

IHS Markit dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng từ 3.8 triệu thùng đến 4 triệu thùng/ngày từ tháng 1 đến tháng 12/2022. Một đợt tăng mạnh khác dự kiến diễn ra sau khi làn sóng biến thể Omicron suy giảm.

Dù các nhà khai thác Mỹ đang điều động nhiều giàn khoan hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường, để sản lượng dầu của họ tăng đáng kể sẽ phải mất nhiều tháng nữa. Trong khi đó, một số công ty cam kết hạn chế tăng sản xuất và trả lại nhiều tiền hơn cho cổ đông, làm gia tăng nguy cơ tình trạng thiếu nguồn cung kéo dài.

Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie tuần trước dự báo sản lượng dầu từ khu vực Hoa Kỳ lục địa sẽ tăng 240,000 thùng/ngày vào cuối năm 2022. Còn hiện tại, theo các nhà phân tích, khả năng gián đoạn nhiều nhất sẽ là đối với hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga.

Theo Cowen, sản lượng xuất khẩu khí đốt mỗi ngày của Nga chiếm khoảng 25% thương mại toàn cầu và 85% lượng khí đốt đó đến châu Âu. Dòng khí đốt tự nhiên của Nga đến châu Âu thông qua mạng lưới đường ống ở Ukraine có thể bị gián đoạn nếu xung đột xảy ra. Hiện mạng lưới vận chuyển khí đốt đến châu Âu đã hoạt động ở mức chỉ còn 50% thông thường.

Đặt một đoạn ống dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ở biển Baltic, năm 2018. Hình NY Times

Nếu Nga giảm thêm dòng khí đốt tự nhiên đến châu Âu hoặc các lệnh trừng phạt của Mỹ tác động đến nguồn cung này, các công ty châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn thay thế. Giá khí đốt của châu Âu gần đây cũng đã đạt mức kỷ lục. Thị trường đang hướng phần lớn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng dự phòng cho châu Âu.

Ngay cả khi Mỹ không nhắm vào ngành năng lượng Nga, các lệnh trừng phạt khác vẫn có thể có tác động trực tiếp đến thị trường. Matthew Reed, nhà phân tích của công ty tư vấn Foreign Reports tại Washington, nhận định các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính có thể khiến việc cấp vốn cho hoạt động năng lượng trở nên khó khăn hơn. (T/H, VTC, The Wall Street Journal)