Tại sao bạn không nên làm việc quá nhiều giờ?
Bạn đã bao giờ tự hỏi về ảnh hưởng của thời gian làm việc dài đối với sức khỏe, sự giàu có, các mối quan hệ và hạnh phúc của bạn chưa? Không có gì ngạc nhiên khi làm việc chăm chỉ đã được “thần tượng hóa” như một thứ giúp bạn đạt được tất cả những thành công mà bạn mong muốn. Thật không may, những gì mà hầu hết xã hội nghĩ về “làm việc chăm chỉ” là thời gian làm việc dài.
Sự giáo dục mà chúng ta nhận được khiến chúng ta nghĩ rằng thời gian làm việc dài thể hiện sự cống hiến, cam kết và kiên trì. Thế nhưng, khi nhu cầu làm việc bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc cá nhân và hoạt động xã hội, nó sẽ trở thành một gánh nặng đối với chúng ta.
Dễ hiểu khi những người thành công và nổi tiếng khoe khoang về thói quen làm việc nhiều giờ, chúng ta sẽ làm theo sự dẫn dắt của họ. Chúng ta tin rằng điều này cũng đúng đối với chúng ta. Khi một người như Elon Musk, Giám đốc điều hành của Tesla Motors và là người sáng lập SpaceX, tự hào tuyên bố rằng làm việc 100 giờ một tuần giúp nâng cao khả năng thành công, người ta có thể nghĩ rằng đó là cách chắc chắn để thành công.
Nhưng có một điều đã được chứng minh – những tác động tiêu cực dài hạn vượt xa những lợi ích ngắn hạn đến từ thói quen “làm việc nhiều giờ”.
Nghiên cứu nói gì về làm việc nhiều giờ? Hãy cùng tìm hiểu:
- Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy những người làm việc nhiều giờ dễ bị trầm cảm hơn, giảm chất lượng giấc ngủ và trải qua các triệu chứng lo âu [1].
- Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy rằng thời gian làm việc dài không có nghĩa là năng suất cao hơn. Thực tế hoàn toàn ngược lại [2].
- Một nghiên cứu năm 2019 đã chỉ ra rằng những quốc gia làm việc nhiều nhất không phải là những quốc gia có năng suất cao nhất [3].
- Một nghiên cứu năm 2020 chỉ ra rằng trong thời kỳ đại dịch, mọi người thậm chí còn làm việc nhiều giờ hơn trước, dẫn đến kiệt sức [4].
Với tất cả những điều này, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều quốc gia đang xem xét cắt giảm ngày làm việc và giờ làm việc để gia tăng năng suất [5].
Các công ty làm việc 4 ngày trên tuần đã nhận thấy rằng điều đó giúp tăng năng suất vì nhân viên bớt căng thẳng và cải thiện được sự tập trung [6].
Tại sao mọi người làm việc nhiều giờ?
Có 3 lý do chính khiến mọi người làm việc nhiều giờ: tiền bạc, áp lực và nguồn lực.
- Tiền bạc: Cho dù bạn đang làm việc cho bản thân hay công ty, tiền là động lực lớn nhất. Mức lương gấp đôi trong thời gian làm thêm là một động lực tuyệt vời để ở lại công ty và làm việc lâu hơn một chút. Khi bạn tự làm chủ, bạn thường tin rằng làm việc nhiều hơn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Đó cũng là một phần trách nhiệm duy trì hoạt động kinh doanh của bạn.
- Áp lực: Nếu đồng nghiệp của bạn làm việc muộn còn bạn về sớm hoặc đúng giờ, bạn thường bị soi mói. Những người làm việc ngoài giờ thường được trao phần thưởng – và sự công nhận này gây ấn tượng không tốt cho các nhân viên khác.
- Nguồn lực (hoặc sự thiếu hụt): Có những lúc nhân viên phải giải quyết khối lượng công việc gấp đôi. Sự kết hợp của thời hạn gấp gáp và việc thiếu nhân lực là một công thức chính xác dẫn đến thời gian làm việc kéo dài.
4 lý do để ngừng làm việc trong thời gian quá dài
Bạn có nghĩ rằng làm việc trong thời gian quá dài sẽ có những ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống của bạn không? Kích động, mệt mỏi, kiệt sức chỉ là những tổn thương bề mặt.
Mọi thứ của cơ thể chúng ta đều liên kết với nhau – một thay đổi sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống. Nếu bạn thiếu ngủ, bạn sẽ làm việc kém năng suất hơn, mắc nhiều lỗi hơn và chất lượng công việc giảm sút.
Để giúp bạn ngừng làm việc nhiều giờ, trước tiên chúng ta hãy xem xét tác động của nó đến cuộc sống, công việc và hạnh phúc tổng thể của chúng ta. Đây là 4 điểm đáng để bạn quan tâm.
1. Sức khỏe thể chất của bạn
Bạn không cần một chuyên gia nói với bạn rằng thời gian làm việc kéo dài đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn. Cơ thể của bạn giống như một cỗ máy – nó không thể hoạt động nếu không được tiếp thêm nhiên liệu bằng thức ăn, nghỉ ngơi, ngủ và tập thể dục. Khi bạn làm việc nhiều giờ, bạn sẽ không có thời gian để nạp năng lượng cho cơ thể đủ để nó đạt hiệu suất tối ưu.
Một nghiên cứu mới với hơn 143.000 người tham gia cho thấy, những người làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày trong ít nhất 50 ngày mỗi năm có nguy cơ đột quỵ cao hơn 29% đối với cả nam và nữ [7].
Cũng đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy mối tương quan trực tiếp giữa thời gian làm việc dài và các vấn đề về tim. Một nghiên cứu khác cho thấy những nhân viên làm việc 40 – 55 giờ mỗi tuần có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với những người làm việc 35 – 40 giờ mỗi tuần [8].
Ngoài đột quỵ, còn có nhiều hệ lụy khác đối với sức khỏe nếu bạn không dành thời gian để nghỉ ngơi và nạp năng lượng cho cơ thể. Chúng bao gồm thiếu ngủ, tiểu đường, bệnh tim và béo phì.
Nhưng không chỉ có thời gian làm việc dài. Rõ ràng, giờ làm việc không đều đặn và làm việc theo ca có liên quan đến những tác động tiêu cực đến sức khỏe bao gồm: gián đoạn nhịp sinh học, gián đoạn giấc ngủ, tỷ lệ tai nạn cao, sức khỏe tinh thần suy giảm và tăng nguy cơ đau tim [9].
Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng những nỗi lo về sức khỏe này khiến các doanh nghiệp tiêu tốn 300 tỷ đô la do năng suất lao động thấp, tình trạng vắng mặt và chi phí chăm sóc sức khỏe thực tế [10].
Bằng chứng cũng cho thấy rằng thời gian làm việc dài có liên quan đến nguy cơ chấn thương và tai nạn [11].
2. Sức khỏe tinh thần của bạn
Tâm trí của bạn đang làm việc chăm chỉ mỗi ngày. Điều này có nghĩa là nó cũng cần được nghỉ ngơi. Thời gian làm việc kéo dài đồng nghĩa với việc bạn sẽ chịu nhiều áp lực hơn và ít thời gian hơn để nghỉ ngơi.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện trong nhiều năm đã chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa thời gian làm việc kéo dài và sự gia tăng căng thẳng, phàn nàn, mất ngủ, trầm cảm và ăn uống quá nhiều. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng [12].
Với thời gian làm việc dài, các mối quan hệ của bạn cũng dễ bị ảnh hưởng. Quá bận rộn trong công việc làm mất đi thời gian mà bạn có thể dành cho gia đình và bạn bè. Điều này dẫn đến giảm khả năng tập trung và do đó, làm giảm năng suất lao động. Dù bạn có ngồi lỳ hàng tiếng trên bàn làm việc thì kết quả công tác cũng không cao.
Ngoài ra, thời gian làm việc kéo dài cũng ảnh hưởng không tốt tới con cái của bạn – bọn trẻ có thể học tập và hành xử kém hơn nếu như bạn không dành thời gian cho chúng.
3. Hạnh phúc tổng thể của bạn
Thường xuyên làm việc nhiều giờ dẫn đến mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, không chỉ dẫn đến hiệu suất công việc giảm mà còn làm giảm mức độ hài lòng của bạn đối với cuộc sống và các mối quan hệ [13].
Thời gian làm việc nhiều hơn đồng nghĩa với việc ít thời gian dành cho bản thân, gia đình, các kết nối xã hội – vốn là những nguồn hỗ trợ tinh thần to lớn.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng thời gian làm việc dài làm giảm hạnh phúc, động lực và sự hài lòng trong cuộc sống [14].
Phải làm việc nhiều giờ cũng gây hại cho các mối quan hệ gia đình và xã hội, và có thể làm gia tăng xung đột trong gia đình [15][16].
4. Năng suất của bạn
Thật sai lầm khi cho rằng thời gian làm việc kéo dài sẽ giúp hoàn thành nhiều công việc hơn. Niềm tin chung rằng làm việc nhiều giờ hơn sẽ giúp bạn làm được nhiều việc hơn đã được chứng minh là sai. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế phát hiện ra rằng trong khi nhân viên ở Hy Lạp làm việc 2042 giờ trong năm 2014, thì nhân viên ở Đức chỉ làm việc 1371 giờ một năm nhưng lại làm việc hiệu quả hơn 70% [17]. Một điều thú vị khác là các nhà quản lý không thể phân biệt được những nhân viên đã làm việc 80 giờ mỗi tuần với những người giả vờ [18].
Trong cuốn sách “Imagine: How Creativity Works” của mình, tác giả Jonah Lehrer đã viết: “Nếu bạn là một kỹ sư đang vướng phải một vấn đề về kỹ thuật, và bạn cứ nốc cà phê tại bàn làm việc và khóa mình vào cái máy tính, thì bạn sẽ phải thất vọng. Bạn sẽ lãng phí rất nhiều thời gian. Bạn có thể trông hiệu quả, nhưng thực ra bạn chỉ đang lãng phí thời gian”.
Nếu bạn đang lãnh đạo một nhóm, hiệu suất của bạn cũng sẽ phản ánh trên công việc của họ. Với việc năng suất suy giảm, việc lãnh đạo trở nên khó khăn hơn.
Ron Friedman, trong nghiên cứu về thời gian làm việc kéo dài ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, kết luận rằng các nhà lãnh đạo làm việc quá sức sẽ đưa ra những quyết định kém, những đánh giá kém và khó kiểm soát cảm xúc của họ [19].
Đây là con đường nhanh chóng dẫn đến giảm lợi nhuận, giảm doanh thu và giảm sự hài lòng của khách hàng. Do đó, sẽ không hiệu quả về chi phí nếu làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày.
Làm thế nào để ngừng làm việc nhiều giờ
Dưới đây là một số gợi ý về những gì bạn nên làm để hoàn thành được nhiều việc hơn mà không cần phải làm quá nhiều giờ, và phá bỏ thói quen xấu làm việc nhiều giờ. Mặc dù những thay đổi sẽ không xảy ra trong một ngày, nhưng với những đề xuất này, bạn có thể đảm bảo rằng làm việc trong thời gian dài sẽ không trở thành một “khuôn mẫu” ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của bạn.
1. Lên kế hoạch
Điều quan trọng là dành thời gian để lập một kế hoạch hợp lý. Khi bạn làm việc theo ý thích, bạn không chỉ lãng phí thời gian mà còn phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Dành thời gian để lập kế hoạch cho ngày, tuần và tháng sẽ cung cấp cho bạn một lộ trình rõ ràng để đạt được mục tiêu đề ra.
Hãy tận dụng công nghệ. Có rất nhiều công cụ có thể giúp bạn lập kế hoạch, nhắc nhở và tự động hóa để bạn có thể tổ chức thời gian của mình tốt hơn.
2. Lên lịch cho bản thân trước
Hãy lên lịch cho các hoạt động chăm sóc bản thân thiết yếu để cung cấp cho tâm trí và cơ thể bạn sự nghỉ ngơi cần thiết để nạp năng lượng và tăng năng suất làm việc. Bằng cách áp dụng thói quen này, bạn sẽ sớm nhận ra rằng bạn có thể đạt được nhiều hơn vì bạn tràn đầy năng lượng và có thể tập trung hoàn toàn cho công việc.
3. Xác định các ưu tiên của bạn
Không phải mọi thứ đều quan trọng. Danh sách việc cần làm là một công cụ tuyệt vời để nhắc nhở bản thân về những nhiệm vụ mà bạn cần chú ý, nhưng nó rất dễ vượt quá tầm kiểm soát và khiến bạn cảm thấy thất bại vì công việc dường như không bao giờ kết thúc.
Xác định hai đến ba nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện ngay hôm nay. Đây là những nhiệm vụ cần thiết, còn những việc còn lại có thể chờ đợi.
4. Biết nói “Không”
Giúp đỡ đồng nghiệp là điều tuyệt vời, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn không cần phải hy sinh bản thân. Nếu việc giúp đỡ đồng nghiệp khiến công việc của bạn gặp khó khăn, hãy giữ vững lập trường của mình và từ chối. Bạn sẽ nhận ra rằng bạn không chỉ đang giúp đỡ bản thân mà còn giúp đồng nghiệp trở nên độc lập hơn.
5. Bám sát thời gian
Một khi bạn đã quyết định bắt đầu và kết thúc công việc vào thời điểm nào, hãy cố gắng tuân thủ nghiêm túc thời gian vì lợi ích của chính bạn. Dậy sớm không phải là điều thú vị, nhưng nó có thể mang lại rất nhiều lợi ích. Hầu hết mọi người đều thấy mình có thể tập trung tốt hơn nhiều vào buổi sáng sớm. Điều đó giúp bạn giải quyết các ưu tiên hàng đầu trước khi mức năng lượng của bạn bắt đầu giảm.
Điều quan trọng là phải rèn luyện cho mình thói quen rời khỏi công ty đúng giờ. Khi đang làm việc, hãy nỗ lực hết mình và bạn sẽ không cảm thấy tội lỗi khi ra về đúng giờ.
6. Loại bỏ chủ nghĩa hoàn hảo
Nỗ lực cho sự hoàn hảo có thể khiến bạn mệt mỏi. Thay vào đó, hãy đón nhận những điểm chưa hoàn hảo của bản thân. Nếu bạn đang làm việc nhiều giờ vì bạn cảm thấy dường như công việc của mình luôn có thể tốt hơn một chút, thì đã đến lúc loại bỏ chủ nghĩa hoàn hảo. Quyết định thời gian hợp lý dành cho một nhiệm vụ và bám sát nó. Hãy cống hiến hết mình trong thời gian này và công việc của bạn nhất định sẽ đủ tốt.
7. Thiết lập chế độ im lặng cho các thông báo
Kiểm tra thông báo là khoảng thời gian lãng phí lớn nhất. Để email mở cả ngày là một thói quen rất xấu khiến bạn mất tập trung. Nghiên cứu cho thấy rằng việc liên tục theo dõi hộp thư đến sẽ khiến bạn gia tăng căng thẳng mà không cải thiện hiệu quả công việc [20]. Các thông báo qua email thường rất “cám dỗ” và khiến bạn phải rời mắt khỏi công việc của mình để kiểm tra những gì đang xảy ra. Điều này buộc bộ não của bạn phải làm việc nhiều hơn khi bạn quay lại công việc trước đó của mình.
8. Tránh đa nhiệm
Mặc dù việc đa nhiệm rất được tôn vinh, nhưng nó rất có hại cho năng suất và sức khỏe tinh thần của bạn. Đa nhiệm thực chất là chuyển đổi công việc. Bạn càng phải chuyển đổi nhiều công việc trong thời gian ngắn, tâm trí của bạn càng trở nên kiệt quệ. Điều này dẫn đến nhiều sai lầm hơn, để lại cho bạn nhiều việc phải làm sau này. The Guardian báo cáo rằng đa nhiệm làm tăng sản xuất cortisol và adrenaline của não [21]. Điều này dẫn đến căng thẳng – nó có thể làm tổn hại đến sức khỏe và năng suất của bạn.
Lời kết
Thời gian làm việc dài có vẻ bình thường đối với những người thực sự đam mê công việc của họ. Nếu bạn yêu thích công việc của mình, bạn hẳn sẽ không ngần ngại dành cho nó nhiều thời gian. Tuy nhiên, bạn vẫn cần cân bằng mọi thứ để thân thể và tâm trí khỏe mạnh.
Làm việc nhiều giờ đôi khi không phải là xấu, đặc biệt là khi bạn có những nhiệm vụ khẩn cấp phải hoàn thành. Vấn đề chỉ xảy ra khi nó lặp đi lặp lại. Sự nghiệp, thành công, tiền bạc và danh vọng có thể quan trọng, nhưng mọi thứ đều có giá của nó.
Thời gian làm việc dài không phải lúc nào cũng chuyển hóa thành năng suất và thành công hơn. Và hậu quả trong dài hạn có thể sẽ “đắt” hơn rất nhiều so với lợi ích trong ngắn hạn. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ giúp bạn gia tăng năng suất làm việc đồng thời khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. (NTD)