Wednesday, January 8, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Sinner rồi Swiatek, doping gây bão thế giới quần vợt


Án phạt vừa được đưa ra đối với Iga Swiatek sau khi phát hiện dương tính với chất cấm. Tuy nhiên tương tự Jannik Sinner, hình phạt là quá nhẹ, tạo nên mối lo ngại về việc sử dụng doping sẽ càng nhiều hơn trong giới quần vợt.

Jannik Sinner rồi Iga Swiatek, doping gây bão thế giới quần vợt.

Cơ quan liêm chính quần vợt quốc tế (ITIA) vừa đưa ra phán quyết, rằng Iga Swiatek sẽ bị cấm thi đấu một tháng vì kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm trimetazidine (TMZ) hồi tháng 8.

Như đã biết, TMZ bị coi là “chất điều hòa hormone và chuyển hóa”, nằm trong danh mục thuốc mà vận động viên không được phép sử dụng. Vụ 23 vận động viên bơi lội Trung Quốc dương tính với xét nghiệm doping liên quan đến TMZ, đồng thời chất này cũng khiến vận động viên trượt băng nghệ thuật tuổi teen người Nga Kamila Valieva bị cấm thi đấu 4 năm.

Vì vậy, rất nhiều người đã ngạc nhiên khi án phạt dành cho Swiatek quá nhẹ. Chưa kể vụ việc không được công khai, dù mẫu xét nghiệm được lấy từ ngày 12/8, tức ba ngày trước trận đấu đầu tiên của tay vợt người Ba Lan tại Cincinnati Open. Một tháng sau, ngày 12/9, Swiatek được thông báo về kết quả dương tính. Đến ngày 22/9, lệnh đình chỉ tạm thời được đưa ra.

Iga Swiatek dương tính với xét nghiệm doping liên quan đến TMZ.

Tuy nhiên trừ những người liên quan, không ai hay biết về vụ việc. Trong một video đăng tải trên Instagram, Swiatek giải thích việc bỏ lỡ Korea Open, China Open và Wuhan Open vì “mệt mỏi”, “vấn đề cá nhân” và “chia tay HLV”. Sau ba tuần, Swiatek kháng cáo thành công lệnh đình chỉ tạm thời và thi đấu tại WTA Finals ở Riyadh, Billie Jean King Cup Finals ở Malaga.

Cho đến ngày 28/11, phán quyết cuối cùng mới được đưa ra và thông báo rộng rãi. Tuy nhiên án phạt cấm thi đấu một tháng bao gồm khoảng thời gian ba tuần đình chỉ tạm thời mà Swiatek đã chấp hành. Điều này có nghĩa cô sẽ trở lại thi đấu từ ngày 4/12. Vì mùa giải WTA đã khép lại và tái khởi động vào ngày 27/12, về cơ bản, lịch trình của tay vợt người Ba Lan không bị ảnh hưởng.

Trong giải trình của Swiatek với ITIA, kết quả dương tính đến từ việc cô sử dụng melatonin, loại thuốc điều trị chứng mất ngủ vì chênh lệch múi giờ. ITIA chấp nhận lời giải thích này và kết luận sai phạm của Swiatek ở “mức thấp nhất” và “không cố ý”.

Jannik Sinner cũng dương tính với clostebol, một loại steroid đồng hóa bị cấm.

Cách đây không lâu, Jannik Sinner cũng dương tính với clostebol, một loại steroid đồng hóa bị cấm. Sau đó ITIA kết luận tay vợt người Italia “không có lỗi”, bởi chất cấm thâm nhập vào cơ thể Sinner từ bác sĩ vật lý trị liệu, người đã sử dụng loại thuốc xịt có chứa clostebol để điều trị vết thương trên ngón tay.

Không phải chịu án phạt nào, Sinner đã tới US Open 2024, đánh bại Taylor Fritz ở trận chung kết và trở thành tay vợt người Italia đầu tiên đăng quang, cũng là tay vợt nhất từng giành được cả hai giải đấu lớn trên sân cứng (trước đó là Australia Open) trong cùng một năm.

Nhưng Sinner vẫn đối mặt với nguy cơ nhận án, sau khi Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA) kháng cáo phán quyết của ITIA lên Toàn án Thể thao quốc tế (CAS), đồng thời đề nghị lệnh cấm thi đấu “từ một đến hai năm”.

Không chỉ WADA, nhiều người khác cũng nhận thấy sự thiếu nhất quán của ITIA. Ví dụ, vào tháng 11 năm ngoái, Stefano Battaglino, một tay vợt khác người Italia đã bị cấm thi đấu 4 năm sau khi dương tính với clostebol, đồng thời cũng đưa ra lý do về lỗi vô ý liên quan đến nhân viên vật lý trị liệu.

Ngoài ra, tay vợt nữ Tara Moore cũng từng bị treo vợt 19 tháng vì cơ thể chứa nandrolone và boldenone, mà cô giải thích rằng nó có thể bắt nguồn từ việc ăn thịt gia súc được tiêm steroid. Nikola Bartunkova hồi tháng 5 hay Martina Hingis năm 2007, Maria Sharapova năm 2016 và Simona Halep năm 2022 là những trường hợp khác, với án phạt nghiêm khắc hơn nhiều.

Phải chăng Sinner và Swiatek được xử nhẹ vì cả hai đều là tay vợt số một thế giới vào thời điểm phát hiện dùng chất cấm? Dù sao thì cả hai vẫn sẽ thi đấu, trong sự hoài nghi và danh tiếng bị hoen ố. (T/H, TPO)