Sinh viên Trung Quốc dính bẫy ‘bắt cóc ảo’ tại Australia
Nghĩ rằng con gái đang học tại Australia bị bắt cóc, cha mẹ của nữ sinh đã chuyển 213.000 USD cho kẻ lừa đảo.
Theo thông tin từ truyền thông Australia, vụ “bắt cóc ảo” được lên kế hoạch kỹ nhằm lừa nạn nhân. Kẻ lừa đảo đã giả danh quan chức chính phủ Trung Quốc đe dọa nữ sinh 18 tuổi, đòi tiền chuộc từ gia đình.
Ngày 8/9, bạn của nạn nhân báo cảnh sát về việc nữ sinh mất tích. Đến ngày 15/9, cảnh sát tìm thấy cô ở khu vực Pyrmont, gần khu phố Tàu của Sydney.
Cảnh sát địa phương cho biết gia đình nữ sinh nhận được video và hình ảnh con gái bị giam giữ. Sau đó, một người tự xưng là cảnh sát Trung Quốc đã liên lạc, đòi tiền chuộc. Gia đình cô đã chuyển 213.000 USD vào tài khoản để cứu con gái.
Nữ sinh cho biết, trong 8 ngày mất tích, cô sống tại nhà của một nam thanh niên 22 tuổi. Người tự xưng là cảnh sát Trung Quốc liên lạc với nam thanh niên này, nói nữ sinh trên là nhân chứng quan trọng của một vụ án hình sự, yêu cầu anh bảo vệ cô mọi lúc, mọi nơi.
Nam thanh niên đã đưa nữ sinh về căn hộ của mình ở phía Bắc Sydney. Trong lúc nam thanh niên đi học, nữ sinh bị yêu cầu tạo hiện trường bắt cóc giả, chụp ảnh, quay video để nhóm lừa đảo gửi cho gia đình.
Truyền thông Australia nêu cả hai nạn nhân đều không biết mình bị lừa cho đến khi được cảnh sát liên hệ. Ông Darren Bennett, cảnh sát bang New South Wales, thông tin những kẻ lừa đảo thường nhắm đến du học sinh trẻ tuổi, ít kinh nghiệm.
Những kẻ lừa đảo đóng giả là nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc hoặc người của các cơ quan, tổ chức, gọi điện cho sinh viên, thông báo dính líu vụ án hình sự, có nguy cơ bị bắt giữ.
Chúng nói tiếng địa phương, sau đó yêu cầu sinh viên phải trả một loạt phí để tránh bị bắt hoặc trục xuất khỏi Australia.
Kẻ lừa đảo thường ép nạn nhân chụp ảnh, quay video, tạo hiện trường bắt cóc giả, sau đó gửi về gia đình để đòi tiền chuộc.
Theo BBC, tính đến tháng 7, Australia có 8 vụ “bắt cóc ảo”, trong đó có một vụ đòi tiền chuộc lên đến 1,43 triệu USD.
Tháng 4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia đã ban hành văn bản, nhắc nhở công dân Trung Quốc cảnh giác với các trò lừa đảo, “bắt cóc ảo” tại quốc gia này. (Z/N)