Sau COVID-19, cúm gia cầm có thể bùng phát thành ‘đại dịch’
Một nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Úc tuyên bố đại dịch tiếp theo có thể sắp xảy ra và cúm gia cầm nổi lên như một “ứng cử viên sáng giá”.
Bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm đưa ra bình luận vào ngày 23/5, sau khi trường hợp cúm gia cầm H5N1 ở người đầu tiên của Úc được công bố và H7N3 được phát hiện tại một trang trại gia cầm ở vùng tiểu bang Victoria.
Phó Giáo sư Y khoa Sanjaya Senanayake cho rằng đại dịch có thể sẽ xảy ra sớm và có khả năng là cúm gia cầm.
“Bất chấp việc chúng ta đang ‘kiệt sức vì COVID’ và không muốn nghe từ ‘đại dịch’ nữa, nhưng đại dịch tiếp theo có thể sắp xảy ra, và một chủng cúm gia cầm có thể là ứng cử viên sáng giá”, tiến sĩ Senanayake nói.
“Không giống như những ngày đầu của COVID, ít nhất với H5N1, đã có vaccine và thuốc kháng virus cho người”.
Tiến sĩ Senanayake cho biết việc phát hiện cúm gia cầm tại một trang trại trứng ở Victoria là “tin không vui”. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải trang bị đầy đủ nguồn lực cho một Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh mới tại Úc.
“Từ góc độ sức khỏe, việc chấm dứt đợt bùng phát H7N3 này càng sớm càng tốt là điều cần thiết, nếu không, việc có nhiều ca nhiễm mới sẽ tạo thêm cơ hội cho virus đột biến”, ông nói.
“Sự lây nhiễm từ gia cầm sang lợn là mối lo ngại đặc biệt, vì lợn có thể đóng vai trò như một ‘nồi trộn’ hoàn hảo giữa virus cúm gia cầm và cúm người, dẫn đến một chủng cúm có thể dễ dàng lây lan giữa người với người”.
Trong khi đó, Giáo sư Raina MacIntyre, Trưởng khoa An ninh sinh học tại Viện Kirby, mô tả tin tức về cúm gia cầm là “đáng lo ngại”.
Mặc dù bà cho biết virus cúm gia cầm không dễ lây truyền ở người vì chúng thích nghi với chim, nhưng chúng có thể đột biến để thích nghi với đường hô hấp của người.
“Đó là điều chúng tôi lo ngại”, bà bổ sung.
May mắn thay, bà MacIntyre nói, “chúng tôi đã được chuẩn bị tốt” các loại vaccine ở người và vắc-xin có thể được sản xuất trong vòng sáu tuần.
“Nếu đại dịch xuất hiện, sau khi trình tự bộ gen được biết đến, vắc-xin có thể được sản xuất trong 6 tuần bằng công nghệ mRNA và 4 tháng bằng phương pháp trứng như cũ”, bà nói.
“Úc may mắn có năng lực sản xuất vắc-xin cúm và mRNA trong nước, điều mà nhiều quốc gia không có. Quá trình phê duyệt có thể mất nhiều thời gian hơn, nhưng chúng tôi có thể mong đợi có vắc-xin sớm hơn so với COVID-19”.
Giáo sư này nói thêm rằng nguy cơ đại dịch cúm ở người cao nhất ở Hoa Kỳ, Châu Mỹ và Châu Âu, những nơi bà mô tả là “các điểm nóng toàn cầu về H5N1”.
Ứng cử viên tiềm năng cho ‘Đại dịch tiếp theo’
Trong khi đó, nhà virus học Vinod Balasubramaniam thuộc Trường Y khoa Đại học Monash cho biết “một số yếu tố” khiến cúm gia cầm trở thành ứng cử viên tiềm năng cho “đại dịch tiếp theo”.
Những yếu tố này bao gồm phạm vi vật chủ rộng, tỷ lệ đột biến cao, tái tổ hợp di truyền và tỷ lệ tử vong cao.
Ông nói rằng sự tái tổ hợp di truyền “có thể tạo ra các chủng độc lực cao có khả năng gây ra đại dịch”. Hơn nữa, ông lưu ý rằng một số phân nhóm của cúm gia cầm như H5N1 có tỷ lệ tử vong cao ở người. (T/H, NTD)