Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Sáng kiến “Mạng lưới điểm xanh” do Mỹ khởi xướng đấu với “Vành đai, con đường” gặp vướng

Dự án “Mạng lưới điểm xanh” được Mỹ công bố nhằm cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc đã bị đình trị do đại dịch Covid-19.

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ tại một cuộc gặp bên lề G20 ở Oska, Nhật Bản tháng 6/2019 (Ảnh: Reuters)

Trong bài viết đăng tải trên trang Geopolitical Monitor, nhà báo, nhà nghiên cứu người Mỹ James Borton nhận định rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và các căng thẳng Chiến tranh Lạnh leo thang giữa Bắc Kinh và Washington, sáng kiến “Mạng lưới điểm xanh” do Mỹ khởi xướng đang bị đình trệ.

Sáng kiến trên được xem là nỗ lực của Mỹ nhằm đối trọng với sáng kiến “Vanh đai, con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc. Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đã nhất trí một thỏa thuận nhằm xây dựng các dự án hạ tầng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 hồi năm ngoái.

“Mạng lưới điểm xanh” là một dự án đa phương, ủng hộ việc kết nối các chính phủ, lĩnh vực tư nhân và xã hội dân sự để đảm bảo các tiêu chuẩn cao, tin cậy cho cơ sở hạ tầng toàn cầu trong một khung mở và toàn diện

“Thông qua Mạng lưới điểm xanh, Mỹ tự hào kết nối các đối tác chủ chốt để tăng cường sức mạnh của cơ sở hạ tầng chất lượng nhằm thúc đẩy các cơ hội, sự tiến bộ và ổn định chưa từng có”, Geopolitical Monitor dẫn lời ông David Bohigian, cựu quyền chủ tịch và giám đốc điều hành tập đoàn đầu tư tư nhân ở nước ngoài của Mỹ (OPIC), mà gần đây đã sáp nhập với Tập đoàn tài chính phát triển quốc tế Mỹ (US DFC) và tăng gấp đôi khả năng đầu tư từ 30 tỷ USD lên 60 tỷ USD.

Trong bối cảnh các mâu thuẫn thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói rõ rằng Mỹ “muốn một hệ thống minh bạch, cạnh tranh và theo thị trường”, cùng có lợi cho tất cả các bên tham gia. Bình luận của ông Pompeo là sự chỉ trích thẳng thắn nhằm vào sáng kiến “Vanh đai, con đường” của Trung Quốc, vốn bị chỉ trích là tham nhũng và thiếu minh bạch.

Dù chương trình chính ngoại giao giao đầy tham vọng của Bắc Kinh đang vươn ra môi trường kinh tế hàng nghìn tỷ USD toàn cầu, một số nước đang phát triển đang nói không với các khoản tài chính từ “Vành đai, con đường”. Một số quốc gia ASEAN như Myanmar hay Malaysia cũng lo ngại về các khoản chi phí cao từ các dự án của Trung Quốc, bên cạnh việc lo ngại về sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh và các lợi ích chủ quyền.

Nhiều tổ chức, các chính trị gia và các nhà nghiên cứu tại Mỹ và châu Âu đã cho rằng các quốc gia tham gia dự án “Vành đai, con đường” sẽ càng bị phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế và chính trị, vì họ có thể trở thành các con nợ của Trung Quốc, thậm chí mất các tài nguyên và có nguy cơ bị Trung Quốc do thám. Đối với một số người tại Washington, mục đích chính của Mạng lưới điểm xanh là trở thành một phần của kế hoạch truyền tải thông điệp lớn hơn của Mỹ nhằm thuyết phục các quốc gia đang phát triển tại châu Á không dựa vào các nguồn cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Theo ông James Borton, mạng lưới điểm xanh nên được xem là một sáng kiến địa chính trị lớn nhằm đối trọng với sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng “Mạng lưới điểm xanh” không thể cạnh tranh với những khoản tiền lớn mà Trung Quốc sẵn sàng chi cho các cơ sở hạ tầng.

Theo Hội đồng quan hệ đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu chính sách tại New York, tham vọng chung của Trung Quốc đối với “Vành đai, con đường” vẫn đang gia tăng. Cho tới nay, hơn 60 quốc gia – chiếm 2/3 dân số thế giới, đã ký kết các dự án hoặc bày tỏ sự quan tâm đến việc này. Ngân hàng Morgan Stanley dự đoán, tổng chi của Trung Quốc cho sáng kiến “Vành đai, con đường” có thể lên tới 1,2-1,3 nghìn tỷ USD đến năm 2027.

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với suy thoái do đại dịch, kinh tế sụt giảm và cuộc khủng hoảng vay mượn, sẽ là cần thiết để Đông Nam Á tham khảo một câu của cố Tổng thống Mỹ Benjamin Franklin: “Thà đi ngủ mà không ăn tối còn hơn là thức dậy ngập trong nợ nần”.

Sáng kiến “Mạng lưới điểm xanh” được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross lần đầu công bố bên lề hội nghị cấp cao ASEAN ngày 4/11/2019 tại Thái Lan. Đây là dự án do Mỹ dẫn đầu nhằm thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Dự án nhằm cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến “Vành đai, Con đường” mà Trung Quốc đang đẩy mạnh trên toàn cầu. (VBF)