Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Sài Gòn công bố kế hoạch ‘từng bước nới lỏng’ từ Tháng Mười

SÀI GÒN, Việt Nam – Ngày 30 Tháng Chín, Sài Gòn tổ chức họp báo công bố chỉ thị “Điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch hiệu quả và phục hồi kinh tế, xã hội tại thành phố từ 1 Tháng Mười,” đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái “bình thường mới.”

Ông Lê Hòa Bình, phó chủ tịch ở Sài Gòn, công bố các biện pháp “từng bước nới lỏng giãn cách” từ ngày 1 Tháng Mười.

Theo báo Tuổi Trẻ, tại cuộc họp ông Lê Hòa Bình, phó chủ tịch ở Sài Gòn, đã công bố chỉ thị. Theo đó, từ sau 30 Tháng Chín, “thành phố tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến dịch bệnh.”

“Không phải ngay sau 30 Tháng Chín, thành phố sẽ mở cửa ồ ạt tất cả các hoạt động mà mở cửa từng bước và có lộ trình,” ông Bình nhấn mạnh.

Sau 30 Tháng Chín, thành phố sẽ không cấp giấy đi đường, thay vào đó dùng công nghệ thông tin để kiểm soát người dân. Người dân không tự ý đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa Sài Gòn và các tỉnh thành, khi thật sự cần thiết sẽ có hướng dẫn của Sở Giao Thông Vận Tải.

Các cơ quan đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại phải ghi danh mã QR. Đến 15 Tháng Mười, các cơ quan đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện quét mã QR trên điện thoại, hoặc in trên giấy.

Toàn bộ người dân đã liên hệ công tác, làm việc giao dịch sử dụng ứng dụng của thành phố hoặc ứng dụng PC COVID để kiểm soát và tổ chức hoạt động.

Các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và Văn Phòng Kinh Tế- Văn Hóa ngoại quốc có trụ sở đóng tại thành phố “chủ động quyết định phương thức làm việc phù hợp với đặc thù của tổ chức nhưng phải giảm ít nhất 30% số lượng người làm việc tại trụ sở.”

Sài Gòn cũng sẵn sàng đón công nhân đang ở các tỉnh thành về thành phố làm việc “có tổ chức” bằng xe chung.

Các nhân viên cảnh sát dỡ bỏ rào chắn ở Vũng Tàu, Việt Nam, hôm Thứ Năm, khi thành phố chuẩn bị rút lại các lệnh cấm đóng cửa. (Hình AP)

Ngoài 13 loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ được phép hoạt động trở lại, thì các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động (trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động) được hoạt động tối đa 50% công suất.

Đặc biệt, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, bán hàng rong, vé số dạo… tiếp tục tạm dừng.

Về hoạt động giáo dụng, đào tạo “tiếp tục dạy và học gián tiếp (học online, qua tivi…). Các loại hình đào tạo nhóm 18 tuổi trở lên, đã được chích đủ liều vaccine có thể dạy-học trực tiếp nếu bảo đảm các tiêu chí an toàn theo quy định…”

Từ Tháng Mười, người dân Sài Gòn phải quét mã QR khai báo cho hầu hết các hoạt động của mình. (Hình Tuổi Trẻ)

Theo ông Bình, tình hình dịch ở thành phố “vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Mặt khác, tỷ lệ chích vaccine tại các tỉnh trong “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” còn rất thấp, tỷ lệ chích vaccine mũi nhì của thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng.

Sài Gòn trải qua hơn 160 ngày giãn cách với nhiều cập độ khác nhau. Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát hồi đầu Tháng Năm, tính đến 30 Tháng Chín, thành phố đã ghi nhận hơn 388,659 ca nhiễm (gần 50% tổng ca nhiễm ca nước), đang điều trị khoảng 35,000 bệnh nhân; 14,718 người tử vong vì COVID-19. (N/V)