Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Sài Gòn có thể ngập tới 2/3 vào năm 2050 nếu không hành động kịp thời

Nghiên cứu của McKinsey cảnh báo Sài Gòn của Việt Nam sẽ ngập hơn 2/3 diện tích, thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm và đối mặt nguy cơ về một sự kiện thiên tai cực đoan có thể tàn phá trên diện rộng.

Viện Toàn cầu McKinsey đưa ra kịch bản ngập lụt của Sài Gòn dựa trên mô phỏng thủy văn, bản đồ sử dụng đất, các dữ liệu về cơ sở hạ tầng và các đô thị. Mckinsey cảnh báo chính phủ Việt Nam cần có những hành động khắc phục, phòng chống kiểm soát tình trạng ngập lụt của Sài Gòn trong tương lai.

Mức độ thiệt hại do ngập lụt ngày càng tăng

Thiệt hại do ngập lụt sẽ tỉ lệ thuận với với tốc độ phát triển của Sài Gòn. Cùng một trận lũ nhưng sau 30 năm thiệt hại nó gây ra sẽ gấp ba lần hiện nay và có tác động dây chuyền gấp 20 lần.

Hệ thống giao thông của thành phố sẽ bị tê liệt khi hệ thống tàu điện ngầm, các sân bay, cảng và một nửa đường xá bị ảnh hưởng. Theo dự báo của McKinsey 60% các ga tàu sẽ ngừng hoạt động.

Cuộc sống của người dân sẽ bị đảo lộn một tháng hoặc hơn do các nhà máy điện, các trạm điện lớn đứng trước nguy cơ bị phá hủy vì ngập lụt. Ngành bất động sản sẽ bị bay hơn $18 tỷ.

Cộng hưởng với biến đổi khí hậu không thể kiểm soát được, mực nước biển sẽ dâng cao 180 cm vào cuối thế kỷ, tần suất cơn lũ lụt xảy ra bất thường với xác suất “một thế kỷ một lần”, Sài Gòn có nguy cơ bị ngập tới 2/3 diện tích trở thành một hòn đảo.

Dù vậy các nhà nghiên cứu nói rằng, báo cáo không có ý định gieo rắc nỗi sợ.

Nhà nghiên cứu cấp cao của viện Toàn cầu McKinsey, bà Mekala Krishman cho biết:

“Mục tiêu của nghiên cứu không phải gây nên nỗi sợ hãi, mà cho các quốc gia, tổ chức có bức tranh tổng quát về thiệt hại và tác động đến kinh tế xã hội, từ đó tìm ra biện pháp khắc phục.”

Bê tông hóa khiến ngập lụt ngày càng tồi tệ

Vị trí địa lý của Sài Gòn gần sông và biển, giúp thành phố trở thành đầu tàu kinh tế của Việt Nam, đi đôi với điều đó là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.

Thêm vào đó, đặc điểm khí hậu Sài Gòn mưa theo mùa và hơn 40% diện tích không cao hơn 1m so với mực nước biển. Tất cả sẽ khiến tình trạng ngập lụt trở nên tồi tệ.

Melissa Merryweather, Giám đốc Green Consult-Asia, công ty tư vấn có trụ sở ở Việt Nam, chuyên về tòa nhà xanh, cho biết:

“Tốc độ phát triển liên tục khiến đất tự nhiên bị bê tông hóa không ngừng. Nếu thiếu tầm nhìn trong tương lai, việc ngập lụt sẽ vượt kiểm soát để rồi thực hiện mở rộng đường cống.”

Biến đổi khí hậu sẽ làm cho các vấn đề tệ đi, lượng mưa sẽ tăng, nước biển sẽ dâng. Đài CNA (Singapore) cho hay Việt Nam đang phản ứng chậm với biến đổi khí hậu.

Mức cam kết giảm phát thải của Việt Nam theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là 8% vào năm 2030.

Khôi phục thiên nhiên là giải pháp tốt nhất

Sài Gòn cam kết chi $4.4 tỷ trong 5 năm để đầu tư hệ thống chống lũ. Tuy nhiên các chuyên gia của McKinsey cho rằng ngân sách đó là không đủ, khi dẫn chứng chính phủ Singapore đã dành $72 tỷ để ứng phó với nước biển dâng, Jakarta sẽ tốn khoảng $40 tỷ để bảo vệ bờ biển.

Các nhà nghiên cứu của Mckinsey cho biết chính phủ Việt Nam nên điều chỉnh quy định xây dựng, hơn thế nữa là tập trung vào việc khôi phục thiên nhiên, đặc biệt là hệ thống rừng ngập mặn, để ngăn chặn lũ lụt trong tương lai.

Bà Merryweather của Green Consult-Asia nói:

“Chúng tôi tin rằng những cải tiến nhỏ của các nhà đầu tư sẽ tạo nên sự khác biệt trên các khu đất. Chính phủ các nước hãy lên kế hoạch chống ngập lụt.”

Mckinsey cho rằng Sài Gòn đã có những kết quả đáng kể trong việc trồng lại rừng ngập mặn trong ba thập kỷ qua. Cứ mỗi 100m rừng ngập mặn có thể giảm độ cao của lũ quét tới 20% hoặc hơn.

Tuy biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh, nhưng vẫn còn cơ hội cho Sài Gòn, khi một nửa cơ sở hạ tầng mà Sài Gòn từ này cho đến 2050 đã hoàn thành. (VPN)