Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Quan điểm về Trung Quốc của ông Trump và Biden khác nhau như thế nào?

Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump xem xét vấn đề Trung Quốc qua nhiều lăng kính rất khác nhau. Trong khi cả hai phe đều đưa ra chương trình nghị sự chính trị cứng rắn với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì cách xử sự và những bình luận quá khứ vẽ nên một bức tranh rất tương phản.

Chương trình nghị sự trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có một phần đặc biệt với tiêu đề “Hãy chấm dứt sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc,” trong đó liệt kê một số mục tiêu chủ yếu như đưa việc sản xuất từ Trung Quốc trở lại Mỹ và đòi ĐCSTQ có trách nhiệm về việc xử lý khủng hoảng virus corona yếu kém.

Trong khi đó, chiến dịch của ông Biden nhiều lần đề cập đến việc xử trí Trung Quốc bằng kế hoạch “Hãy sản xuất tất cả tại nước Mỹ,” gồm các mục tiêu như đưa chuỗi cung ứng trở lại và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc  bằng cách triển khai các hành động “thực thi pháp luật trong thương mại mạnh mẽ.”

Nhìn nhận của người Mỹ về Trung Quốc nói chung, đặc biệt từ khi xuất hiện đại dịch virus Vũ Hán, về cơ bản là xấu đi. Một khảo sát của Pew Research hồi tháng Bảy cho thấy 73% người Mỹ trưởng thành không có cái nhìn tích cực về Trung Quốc, tăng 25% so với năm 2018. Hầu hết đều cho rằng Trung Quốc đã xử lý sai trong đợt bùng phát dịch lúc ban đầu, khiến COVID-19 sau đó lan rộng khắp thế giới và gây ra những hậu quả thảm khốc. 

How Should Biden Handle China? - The Atlantic

Quan điểm của ông Biden về Trung Quốc

Khi tiến hành chiến dịch tranh cử, ông Biden luôn giảm nhẹ tầm quan trọng về mối đe dọa từ Trung Quốc. Tại một điểm vận động tranh cử ở Iowa hồi tháng Năm vừa qua, ông Biden nói, “Trung Quốc sẽ ăn bữa trưa của chúng ta sao? Thôi nào, các bạn.”

“Ý tôi là, bạn biết đấy, họ không phải là những gã xấu. Nhưng hãy đoán xem, họ không cạnh tranh với chúng ta,” ông nói.

Với tư cách là Thượng Nghị sĩ Mỹ, ông Biden đã ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, đem lại cho họ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Mỹ. 

Ông Biden cũng kịch liệt phản đối lệnh cấm đi lại với Trung Quốc mà ông Trump đã ban hành hồi tháng Một nhằm ngăn chặn virus lan rộng tại Mỹ.

“Đây không phải là thời điểm dành cho chứng cuồng loạn và bài ngoại, bài ngoại một cách cuồng loạn, gây hoang mang,” ông Biden nói hồi tháng Ba về lệnh cấm của ông Trump.

Quan hệ của ông Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng sâu sắc. Họ đã biết nhau khi ông Biden là phó Tổng thống. Năm 2005, ông Biden thừa nhận rằng mình và ông Tập đã có những cuộc thảo luận riêng tư, vượt qua những chủ đề nói chuyện thông thường.

“Tôi đã nói với Chủ tịch [Tập] điều này sau nhiều cuộc gặp của chúng tôi, rằng tôi đã rất ấn tượng với tính ngay thẳng, cương quyết của Chủ tịch và năng lực xử lý những điều ông được kế thừa.”

Tại một cuộc họp bàn tròn năm 2011 ở Bắc Kinh, ông Biden đã nói rằng “Tổng thống Obama và tôi, chúng tôi chào mừng, khuyến khích và nhận thấy những lợi ích tích cực từ đầu tư trực tiếp vào Mỹ của các doanh nhân và thực thể Trung Quốc.”

Các quan chức tình báo Mỹ gần đây đã kết luận rằng Bắc Kinh muốn ông Trump thua cuộc. Ông William Evanina, giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia cho biết họ “đánh giá rằng Trung Quốc không muốn Tổng thống Trump sẽ tái đắc cử.”

Hawkish Trump officials plot national security actions against China - Axios

Quan điểm của ông Trump đối với Trung Quốc

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình, ông Trump đã hứa đối đầu với Trung Quốc về những thực tiễn kinh tế không công bằng của họ.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền TT Trump đã huy động “toàn chính phủ” chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc vào nước Mỹ, một nỗ lực quy mô lớn chưa từng có trong  các chính quyền Mỹ trước đó.

Ông Trump đã trừng phạt các quan chức Trung Quốc trong nhiều trường hợp, bao gồm việc ủng hộ Luật An ninh quốc gia độc tài mới của Trung Quốc ở Hồng Kông và những vi phạm nhân quyền chống người Duy Ngô Nhĩ cùng các nhóm thiểu số khác.

Một loạt các công ty được Trung Quốc hậu thuẫn cũng bị đưa vào danh sách đen của Mỹ về các hành vi vi phạm quyền con người.

Hồi tháng Một, ông Trump đã ký thỏa thuận thương mại Giai đoạn I với Bắc Kinh, nhưng tới tháng Bảy, ông nói quan hệ đã bị “phá hoại nghiêm trọng,” và việc ký một thỏa thuận Giai đoạn II là rất mong manh. Ông Trump cũng nói một “sự đoạn tuyệt hoàn toàn” khỏi Trung Quốc sẽ có thể là một lựa chọn.

Dưới chính quyền ông Trump, việc bắt giữ các gián điệp Trung Quốc đã tăng lên. Trước đó, không ai bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc trong suốt 4 năm gần đây dưới chính quyền cựu Tổng thống Obama. Trong khi đó, chỉ riêng trong năm 2017, chính quyền ông Trump đã truy tố 4 người được cho là gián điệp.

Giám đốc FBI Christopher Wray gần đây đã tiết lộ rằng cơ quan này có hơn 2.000 hoạt động điều tra truy ngược tới tận ĐCSTQ, tăng hơn 1.300% vụ điều tra gián điệp kinh tế có liên quan đến chính quyền Trung Quốc. 

Ông nói cứ mỗi 10 giờ cơ quan lại mở “một cuộc điều tra chống  gián điệp  mới liên quan đến Trung Quốc.”

Những hành động khác chống Trung Quốc đáng chú ý khác của chính quyền TT Trump gồm chấm dứt quan hệ đặc biệt của Mỹ với Hồng Kông, đẩy mạnh việc chống lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về biển Đông, và đóng cửa cơ quan Lãnh sự của Trung Quốc ở Houston. (T/T Theo The Epoch Times)