Qantas: Hành khách phải chích ngừa mới được bay
Ông sếp của hãng hàng không Úc Qantas nói với BBC “chính phủ các nước sẽ kiên quyết đòi khách du lịch quốc tế phải chích ngừa.”
Vắc-xin chống virus corona được xem là rất quan trọng cho việc hồi sinh một ngành công nghệ mà số hành khách trên toàn thế giới giảm 75.6% vào năm ngoái.
CEO Alan Joyce nói nhiều chính phủ đã đề cập đến việc tiêm chủng như “một điều kiện để được cho vào nước”.
Ngay cả trong trường hợp các chính phủ không làm như vậy, ông cũng nghĩ rằng hãng hàng không nên thực thi chính sách của riêng mình.
Ông Joyce nói: “Chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc hành khách và phi hành đoàn của mình, để có thể tuyên bố là mọi người trên chiếc máy bay đó được an toàn.”
Ông Joyce tin rằng điều đó sẽ biện minh cho việc các điều khoản và điều kiện đặt vé phải thay đổi.
Ông cũng cho rằng hành khách sẽ sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi này. “Đại đa số khách hàng của chúng tôi cho rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời – 90% người mà chúng tôi đã khảo sát nghĩ rằng mọi người phải được chủng ngừa trước khi đi du lịch quốc tế.”
Nhưng một số người không đồng ý cũng có tiếng nói mạnh mẽ, trong đó gồm quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Giám đốc sức khỏe và đổi mới kỹ thuật số của WHO, ông Bernardo Mariano, nói với BBC: “Chúng tôi không chấp thuận thực tế rằng hộ chiếu tiêm chủng phải là điều kiện để đi du lịch.”
Ông nói thêm rằng – bất kể các hãng tư nhân muốn gì – sẽ cần một cách tiếp cận thống nhất của các chính phủ để một thay đổi như vậy có hiệu quả.
Quản lý sự lây lan của virus
Hàng không đóng vai trò sống còn cho nền kinh tế toàn cầu. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (Iata) ước tính rằng ngành này mang đến 1.8 nghìn tỷ đôla cho hoạt động kinh tế toàn cầu.
Nhưng những hạn chế của chính phủ các nước và lo ngại về lây nhiễm virus corona đã dẫn đến sự sụt giảm chưa từng cho số lượng hành khách trong ngành công nghiệp đã di chuyển 4,5 tỷ du khách năm 2019.
Chính phủ Úc đã đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài và cũng thường xuyên đóng cửa biên giới trong nước giữa các bang.
Ngay cả với vắc-xin, ông Joyce cho rằng “một khi chúng ta mở cửa biên giới quốc tế, virus sẽ lại lưu hành”.
“Và đó sẽ là một thay đổi lớn đối rất lớn, khó chấp nhận với nước Úc,” ông nói. “Chúng ta cần hiểu rằng không thể đạt mức hoàn toàn không có nguy cơ trước loại virus này. Chúng ta quản lý rủi ro bằng nhiều cách khác nhau đối với các phần khác của cuộc sống.”
Tổn thất do đại dịch
Việc không có hành khách có nghĩa là trong sáu tháng cuối năm 2020, Qantas bị lỗ 800 triệu đôla, so với mức lời 596 triệu đôla trong cùng kỳ năm 2019. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc 8,500 nhân viên, trong số 29,000 nhân viên trước đại dịch, bị mất việc làm.
Và hàng ngàn người khác đang nghỉ làm tạm thời, và sống nhờ sự giúp đỡ cũa chính phủ Úc. Những hãng hàng không quốc tế khác cũng phải chịu số phận tương tự.
Để thích ứng với hoàn cảnh, các hãng hàng không đã cắt giảm năng suất, đưa một số lượng lớn máy bay vào bảo quản. Với Qantas, con số này chiếm khoảng 2/3 trong số 314 máy bay của hãng.
Trong số máy bay đang được Qantas bảo quản có đội máy bay Airbus A380 hai tầng khổng lồ của hãng, một trong số này đang được tân trang khi đại dịch bùng phát.
Thường thì, khi nguồn cung giảm đi, giá sẽ tăng lên để đáp ứng với nhu cầu. Tuy nhiên, ông Joyce không nghĩ rằng kết hợp của ít ghế hơn và việc nới lỏng các hạn chế giãn cách xã hội sẽ dẫn đến việc giá cao hơn.
“Trong một số trường hợp, chúng tôi nghĩ rằng giá vé máy bay có thể rẻ bằng một nửa so với trước Covid. “Và phải làm như thế để kích cầu,” ông nói.
“Trên bình diện quốc tế, sẽ mất một thời gian để phục hồi về mức năm 2019, CEO của hãng nói.
Khi các chuyến bay có hoạt động trở lại, ưu tiên sẽ là mang thêm tiền vào và bất kỳ sự gia tăng nào về nhu cầu đều có thể được giải quyết bằng cách đưa thêm máy bay vào phục vụ.
“Vì vậy, chúng tôi rất tự tin rằng giá vé máy bay sẽ không cao hơn”, ông Joyce nhấn mạnh. (BBC)