Tuesday, January 21, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Phụ nữ Úc đi cấp cứu sau khi uống 4 lít nước mỗi ngày chữa cảm


Người phụ nữ Úc 41 tuổi phải nhập viện cấp cứu sau khi uống quá nhiều nước khiến lượng natri trong máu xuống mức nguy hiểm.

Cô cũng đã dùng nhiều loại thuốc khác nhau sau khi đến gặp nhiều bác sĩ về các triệu chứng của mình. Hình iStock

Nina Munro, 41 tuổi, đã uống khoảng 4 lít nước mỗi ngày để chữa cảm lạnh. Hậu quả, người phụ nữ bị co giật do ngộ độc nước.

Ngộ độc nước xảy ra khi cơ thể không thể xử lý lượng nước uống vào quá nhanh, dẫn đến giảm natri và các chất dinh dưỡng thiết yếu xuống mức nguy hiểm.

Người phụ nữ sống ở Queensland (Úc) phải nhập viện cấp cứu, nằm 5 ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ nhận định, sự sống sót của cô là phép màu.

“Vài ngày đầu ở phòng chăm sóc đặc biệt, tôi không thể uống bất cứ thứ gì và khi rời bệnh viện, tôi phải tuân theo chế độ uống hạn chế 1.5 lít nước mỗi ngày”, Nina kể.

Cô Nina Munro và chồng. Hình Nina Munro

Theo Daily Record, 6 tuần trước khi nhập viện, Nina bắt đầu ho nhẹ và cảm thấy không được khỏe. Sau đó, cô bị đau tai và đau họng nên đi khám liên tục.

Cô đã gặp tới 5 bác sĩ, mua nhiều loại thuốc và được khuyên uống thêm nước. “Tôi đã dùng 3 đợt steroid, 3 đợt kháng sinh, thuốc xịt mũi và 1 loại thuốc hạ sốt làm giảm natri. Đó là các yếu tố góp phần làm giảm natri máu của tôi”, Nina cho biết.

Dù mệt mỏi, Nina vẫn không dành thời gian nghỉ ngơi vì luôn bận rộn chăm sóc con cái và lo cho công việc. Cô thậm chí vẫn tới phòng tập nhưng đuối sức nên phải về nhà.

Người phụ nữ từng đến bệnh viện nhưng được khuyên “uống nhiều nước”. Sau 3 ngày nôn mửa liên tục, Nina uống 4 lít nước/ngày mà không ăn gì. Tình trạng của cô ngày càng xấu đi. “Tôi cứ nghĩ mình cần uống nhiều nước để tống hết bệnh ra ngoài”, Nina kể.

Khi cô bắt đầu cảm thấy thực sự không khỏe, chồng cô đã gọi xe cấp cứu. Hình SWNS

Chồng của Nina đã gọi xe cứu thương đưa vợ vào bệnh viện trong đêm 15/6. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ natri của cô lúc đó là 100 mEq/L – thấp hơn đáng kể so với mức bình thường (từ 135 đến 145 mEq/L).

Các bác sĩ giải thích nồng độ natri trong máu thấp do Nina uống quá nhiều nước kết hợp với các loại thuốc cô đã dùng để điều trị cảm lạnh nhẹ gần đây, cũng như nhiễm khuẩn mycoplasma (gây ho kéo dài).

Ký ức của Nina về thời gian ở khu hồi sức cấp cứu có phần mơ hồ nhưng cô biết mình may mắn như thế nào khi đã qua khỏi.

Sau một thời gian theo dõi, Nina hồi phục hoàn toàn và hiện đã khỏe mạnh trở lại. Dù vậy, cô không được phép lái xe trong 6 tháng.

Bây giờ cô ấy chỉ uống 1.5 lít nước mỗi ngày. Hình SWNS

Tác hại khi uống quá nhiều nước

Dù thiếu nước gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe nhưng uống quá nhiều nước cũng có thể gây ra vấn đề.

Thừa nước có nghĩa là khi uống nhiều nước hơn mức cơ thể cần. Bên cạnh đó, uống nhiều nước còn khiến cơ thể phải liên tục thải nước, làm mất đi các chất điện giải như natri, kali,… Về lâu dài sẽ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Việc uống nhiều nước quá mức, có thể bị ngộ độc nước, rối loạn chức năng não. Khi có quá nhiều nước trong tế bào chúng sẽ bị phù lên, gây ra áp lực trong não (phù não) khiến con người bắt đầu rơi vào trạng thái như lú lẫn, buồn ngủ và đau đầu. Nếu áp lực này tăng lên, nó có thể gây ra các tình trạng như tăng huyết áp và nhịp tim chậm.

Natri là chất điện giải bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thừa nước, dẫn đến tình trạng hạ natri máu. Là một nguyên tố quan trọng giúp giữ cân bằng chất lỏng trong và ngoài tế bào, khi mức độ natri giảm xuống do lượng nước trong cơ thể cao, chất lỏng sẽ xâm nhập vào bên trong các tế bào. Sau đó, các tế bào phù lên tăng nguy cơ bị co giật, hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày chúng ta cần cung cấp khoảng 40ml/kg cơ thể. Tổng lượng nước cơ thể cần uống là khoảng 2-2,5 lít mỗi ngày, nhưng nên chia thành 8-10 cốc nước. Lượng nước này bao gồm tất cả các loại nước như nước lọc, nước canh, nước ép trái cây, trà…

Tuy nhiên, đối với người có cường độ vận động nặng (như người lao động chân tay, làm việc ngoài trời, người đổ mồ hôi nhiều, vận động viên…) có thể cần bổ sung nước nhiều hơn. Bên cạnh đó, lượng nước cơ thể cần còn phụ thuộc giới tính, độ tuổi.

Bạn cần uống nước thường xuyên ngay cả khi không khát và chia làm nhiều lần trong mỗi ngày. Việc chia đều lượng nước bổ sung trong ngày sẽ đảm bảo sự cân bằng cho chức năng hoạt động của cơ thể.

Bạn nên uống nước trong tư thế ngồi, uống từng ngụm nhỏ để nước từ từ được thẩm thấu đều đến các cơ quan, giúp cơ quan hấp thu các dưỡng chất hiệu quả; không uống nhiều nước trước khi đi ngủ. (T/H, VNN)