Phòng, chống buôn người ở Việt Nam
Hải Di Nguyễn
Ngày 30/7 là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người (World Day Against Trafficking in Persons).
Trong bài trước, tôi đã viết về một số người Việt là nạn nhân buôn người ở Campuchia, Jordan, Ả Rập Xê Út.
Cho bài viết này, tôi phỏng vấn TS. Nguyễn Đình Thắng và anh Percy Nguyễn của tổ chức BPSOS về bức tranh toàn cảnh nạn buôn người ở Việt Nam, và cách phòng, chống buôn người của nhà nước Việt Nam.
Nạn buôn người từ Việt Nam thường có những hình thức nào?
TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết:
“Giống như ở các nơi khác, ở Việt Nam có nhiều hình thức buôn người như buôn người làm gái mãi dâm, lao động trẻ em, cưỡng bức lao động, buôn lao động. Mỗi hình thức có thể phân loại là nội địa hoặc xuyên quốc gia.
Chúng tôi phân ra hai dạng. Thứ nhất, buôn người theo dạng nhà nước như cưỡng bức lao động trong nhà tù hoặc trung tâm cải tạo hoặc cai nghiện, hoặc bóc lột lao động trong chương trình xuất khẩu lao động. Dạng này liên quan đến chính sách nhà nước, tạo thu nhập nhiều chục tỉ đô-la hàng năm, và dính líu đến lợi ích nhóm. Nhà nước Việt Nam bằng mọi giá bao che và bảo vệ các đường dây hoạt động theo dạng buôn người này.”
Anh Percy Nguyễn nói “Chính quyền Việt Nam không công nhận những người đi xuất khẩu lao động và bị bóc lột và trở thành nạn nhân nạn buôn người là nạn nhân nạn buôn người, theo pháp luật Việt Nam”.
TS Nguyễn Đình Thắng nói “Thứ hai là buôn người theo dạng cá lẻ như buôn trẻ em vào ổ mãi dâm ở Campuchia; lừa người bán cho các sòng bài ở Campuchia, Philippines hoặc Miến Điện; bán phụ nữ vào ổ mãi dâm ở Malaysia, Singapore, v.v. Dạng này không là sân sau của các ông lớn bà lớn, không ảnh hưởng đến thu nhập quốc gia. Nhà nước Việt Nam sẵn sàng bài trừ dạng buôn người cá lẻ này. Thậm chí họ cho phép một số tổ chức Úc, Hoa Kỳ hoạt động chống buôn người ở Việt Nam nhưng chỉ được tập trung vào buôn người dạng cá lẻ, chớ đụng đến buôn người dạng nhà nước”.
Các ĐSQ Việt Nam thường có hành động, hỗ trợ gì với nạn nhân buôn người?
Theo lời anh Percy Nguyễn “Thường ĐSQ Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt [trong các vụ gần đây nhất] là ĐSQ tại Campuchia và Saudi Arabia, họ hầu như không có hỗ trợ bất kỳ cái gì cho nạn nhân… Họ đều bưng bít thông tin về nạn buôn người ở quốc gia đó, và không cung cấp bất kỳ hỗ trợ gì cho nạn nhân khi họ ở các nước sở tại”.
TS. Nguyễn Đình Thắng nói “Đặc biệt, một số nạn nhân đã phải mua vé ‘chuyến bay giải cứu’ với giá cao ngất ngưởng để hồi hương; chưa một ai được thông báo cho biết về hoàn trả phần chênh lệch giá vé dù họ đã đòi và nhiều chục thủ phạm đã bị tuyên án”.
Chính quyền địa phương ở Việt Nam thường có hành động, hỗ trợ gì với nạn nhân hồi hương?
Anh Percy Nguyễn nói “Chính quyền Việt Nam luôn rêu rao rằng họ giúp những nạn nhân buôn người. Nhưng sau khi Percy nghiên cứu và đọc một bài báo về nạn nhân buôn người thì hầu hết những nạn nhân buôn người được chính quyền Việt Nam giúp đỡ là những phụ nữ bị buôn bán sang Lào hoặc sang miền nam Trung Quốc để làm vợ, hoặc bị bóc lột tình dục, sau đó được giải cứu trở về”.
Theo lời anh, sau khi một phụ nữ bị bóc lột tình dục được giải cứu đưa về Việt Nam, chẳng hạn như từ Trung Quốc, “phía công an sẽ có giấy chứng nhận đây là nạn nhân buôn người. Sau đó Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của địa phương đó sẽ tới làm việc, giúp đỡ, và cung cấp dạy nghề hoặc giúp đỡ những nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân đó. Và nạn nhân đó từ lúc từ Trung Quốc về tới nhà ở Việt Nam, chính phủ Việt Nam trả lại hết mọi chi phí đó”.
Tuy nhiên, nhà nước Việt Nam chỉ tập trung vào những trường hợp này, còn “những nạn nhân bị bóc lột lao động gần như không được giúp đỡ gì cả”.
Việt Nam đã ký Công ước Palermo (United Nations Convention Against Transnational Organised Crime, tức Công ước của LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia).
Anh Percy Nguyễn cho biết, theo chính báo cáo của nhà nước Việt Nam với LHQ, nạn nhân buôn người khi hồi hương nhận được 6 điểm hỗ trợ:
“Thứ nhất là khoản chi phí về đi lại. Thứ hai là chi phí y tế. Thứ ba là khoản chi phí và hỗ trợ về tâm lý. Thứ tư là khoản hỗ trợ về pháp lý. Thứ năm là các khoản hỗ trợ để học và đào tạo nghề. Thứ sáu là các khoản hỗ trợ về khó khăn, chẳng hạn như cho vay vốn. Đó là những cái đáng lẽ họ phải nhận được. Đó là những cái chính quyền Việt Nam cam kết với LHQ là sẽ cung cấp cho nạn nhân buôn người. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, những nạn nhân mình có thông tin đều không được bất kỳ hỗ trợ nào cả”.
TS. Nguyễn Đình Thắng nói “Các bộ ngành ở cấp trung ương cũng chưa hề can thiệp để giúp các nạn nhân đòi công lý, đòi bồi thương thiệt hại từ các thủ phạm, kể cả công ty xuất khẩu lao động và các môi giới”.
Ông nói thêm “Theo tôi nhận xét, các viên chức và giới chức ở các toà đại sứ Việt Nam không được huấn luyện về kiến thức căn bản về phòng, chống buôn người và trách nhiệm của họ”.
Việt Nam có thay đổi gì sau tử vong của em H Xuân Siu năm 2021?
Năm 2021, có một trường hợp rúng động dư luận là em H Xuân Siu, 17 tuổi, tử vong sau hai năm làm việc ở Ả Rập Xê Út. Đáng chú ý là em sinh ngày 30/10/2003 nhưng được làm giả giấy tờ, đổi ngày sinh thành 30/10/1996, để được đi xuất khẩu lao động.
TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết:
“Bộ Ngoại giao Việt Nam triệu hồi ông Nguyễn Quốc Khánh, tuỳ viên lao động ở toà đại sứ Việt Nam ở Ả Rập Xê Út. Chúng tôi có chứng cứ là ông ta hợp tác với nhiều đường dây buôn người ở quốc gia Trung Đông này. Người thay thế được biết là người đàng hoàng và tận tuỵ. Đây là điểm tích cực lẻ loi.
Trong khi đó, công ty VINACO, thủ phạm đưa em H Xuân Siu đi lao động năm 15 tuổi và đẩy em vào chỗ tử vong, thì chỉ bị đóng tiền phạt tượng trưng. Lẽ ra, buôn lao động trẻ vị thành niên là một tội hình sự nặng. VINACO không chỉ thủ ác đối với em H Xuân Siu mà còn nhiều trẻ vị thành niên khác nữa.
Việc bao che cho VINACO thể hiện chính sách đẩy mạnh xuất khẩu lao động của nhà nước. Năm 2022, số người xuất khẩu lao động là 142,779, vượt chỉ tiêu của nhà nước 159%. Riêng 3 tháng đầu năm, số người xuất khẩu lao động tăng 1500% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Nhà nước Việt Nam không ưu tiên truy tố hình sự các thủ phạm buôn người lao động vì ảnh hưởng đến chương trình xuất khẩu lao động”.
Hoa Kỳ đã có những biện pháp chế tài gì sau phúc trình năm 2022?
Theo TS. Nguyễn Đình Thắng:
“Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ở những cấp làm chính sách, không muốn xếp Việt Nam vào Hạng 3. Theo luật, quốc gia nào đã ở trong Hạng 2 – Danh sách Theo dõi 2 năm liền mà vẫn không cải thiện thì tự động phải đưa vào Hạng 3, ngoại trừ trong trường hợp đặc biệt thì Tổng thống có quyền gia hạn thêm 1 năm. Năm 2021 lẽ ra Việt Nam đã phải rơi xuống Hạng 3 nhưng Tổng thống Biden đã gia hạn cho Việt Nam thêm 1 năm mà không có lý do chính đáng.
Đầu năm 2022, BPSOS đã trưng ra nhiều chứng cứ cho thấy tình trạng không hề cải thiện mà còn tệ đi. Không những thế, chính quyền còn bao che cho giới chức ngoại giao dính líu đến buôn người, dung túng cho các công ty xuất khẩu lao động tham gia đường dây buôn người, và đe doạ các nạn nhân lên tiếng cầu cứu. Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về nạn buôn người cũng lên tiếng mạnh mẽ. Điều này góp phần thúc đẩy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam xuống Hạng 3”.
Việt Nam bị đẩy xuống hạng 3 trong bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ về nạn buôn người năm 2022.
TS. Nguyễn Đình Thắng nói “Hoa Kỳ chưa có biện pháp chế tài nào đối với Việt Nam sau khi xếp Việt Nam vào Hạng 3. Thay vào đó, Hoa Kỳ đã mở chương trình huấn luyện, tài trợ thêm cho Việt Nam để tăng năng lực phòng, chống nạn buôn người”.
Vì sao Việt Nam lên hạng về vấn đề buôn người?
Trong bản phúc trình tháng 6/2023, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi nhưng được lên hạng 2 về vấn đề buôn người.
TS. Nguyễn Đình Thắng nói “Tôi cho rằng đây là một quyết định vội vã và thiếu căn cứ. Thiếu căn cứ vì chính quyền Việt Nam chưa làm gì cả đối với trên 100 hồ sơ mà BPSOS đã can thiệp, góp phần giải cứu, và / hoặc giúp hội nhập sau khi hồi hương trong năm 2021 và 2022.
Tôi không hề ngạc nhiên và đoán trước quyết định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì biết rằng họ đang muốn nâng quan hệ đối tác với Việt Nam cho nên ngại ‘mạnh tay’ với Việt Nam”. (Mach Song Media)