Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Phở ăn liền của Việt Nam bị thu hồi vì chứa chất gây ung thư

SÀI GÒN, Việt Nam – Hãng mì ăn liền Acecook Việt Nam, ở quận Tân Phú, cho rằng chất Benzo(a)pyrene gây ung thư có trong sản phẩm phở ăn liền Peacock bị thu hồi ở Nam Hàn “không được cho vào sản phẩm trong lúc sản xuất.”

Sản phẩm phở bò ăn liền Peacock bị thu hồi do có chứa chất Benzo(a)pyrene. (Hình: Asia Today).

Báo Tiền Phong cho hay ngày 29 Tháng Mười Hai, hãng Acecook Việt Nam đã phát thông cáo cho biết vừa hoàn tất việc điều tra nguyên nhân “phát sinh chất Benzo(a)pyrene – một chất gây bệnh ung thư, có trong sản phẩm phở ăn liền hiệu Peacock vừa bị thu hồi ở Nam Hàn.”

Theo đại diện Acecook Việt Nam, sau khi rà soát thì phát giác “chất Benzo(a)pyrene phát sinh từ thảo quả sấy khô, một loại nguyên liệu gia vị thô được sử dụng trong gói dầu của sản phẩm phở ăn liền, chứ hoàn toàn không phát sinh trong bất kỳ công đoạn sản xuất sản phẩm nào của nhà máy Acecook Việt Nam.”

“Benzo(a)pyrene không phải là chất phụ gia, không được dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm công nghiệp nói chung và phở ăn liền Peacook nói riêng. Vì thế, hãng cam kết không cho chất này vào sản phẩm trong quá trình sản xuất tại nhà máy của hãng,” thông cáo nêu.

Phở ăn liền Peacook là sản phẩm mà Acecook Việt Nam gia công theo đơn đặt hàng của Emart Nam Hàn, nên sản phẩm này không lưu hành tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, “Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra các sản phẩm mì và phở nội địa lưu hành tại Việt Nam thông qua công ty giám định độc lập quốc tế – SGS Việt Nam. Kết quả cho thấy các sản phẩm mì và phở ăn liền đang lưu hành nội địa đều an toàn theo tiêu chuẩn của Nam Hàn và EU,” đại diện Acecook Việt Nam khẳng định.

Trước đó, hãng tin Yonhap News của Nam Hàn loan tin Cục An Toàn Thực Phẩm và Dược Phẩm Nam Hàn (KFDA) đã cho phép các cơ quan hữu trách có thẩm quyền “thu hồi và xử lý các lô sản phẩm phở bò ăn liền do Acecook Việt Nam sản xuất, có thời hạn sử dụng đến ngày 3 Tháng Mười Hai, 2021; ngày 5 và 19 Tháng Tư, 2022 , vì phát hiện có chất Benzo(a)pyrene gây ung thư.”

Theo đại diện Acecook Việt Nam, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ KFDA về vấn đề của phở ăn liền Peacook xuất cảng sang thị trường Nam Hàn. Việc thu hồi là “từ sự chủ động của nhà bán lẻ Emart Nam Hàn.”

Trước đó hôm 6 Tháng Tư, 2019, thành phố Osaka, Nhật, ra lệnh thu hồi hơn 18,000 chai tương ớt Chin-su của công ty Masan Việt Nam do chứa phụ gia thực phẩm (Benzoic acid, Sorbic acid…) chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật, vi phạm Luật Vệ Sinh Thực Phẩm của nước này.

Theo trang web City.osaka.lg.jp, lô hàng tương ớt Chin-su này do công ty Javis của Nhật nhập cảng hồi Tháng Mười Hai, 2018, bị viên chức giám sát an toàn thực phẩm của Cục Y Tế và Phúc Lợi thành phố Tokyo kiểm tra vì nghi ngờ vi phạm Luật Vệ Sinh Thực Phẩm và Luật Nhãn Thực Phẩm.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Tạ Đức Minh, tham tán thương mại Đại Sứ Quán Việt Nam tại Nhật, xác nhận tin này và nói thêm: “Benzoic acid (chất phụ gia chống nấm mốc) có trong Chin-su là một loại chất cấm của Nhật.”

Ông cũng đưa ra cảnh báo doanh nghiệp và người dân Việt Nam theo tiêu chuẩn của Ủy Ban Tiêu Chuẩn Thực Phẩm Quốc Tế (Codex), chất này cũng bị cấm ở 185 quốc gia khác.

Tương ớt Chin-su bị Nhật thu hồi vì chứa Benzoic acid, nhưng chất cấm này lại được phép sử dụng ở Việt Nam. (Hình: VietNamNet)

Điều làm cho người dân Việt Nam lo lắng và bất bình là, tất cả những lô hàng bị ngoại quốc từ chối nhập cảng khi bị trả về đều được các cơ quan hữu trách khẳng định vẫn an toàn do “đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam” theo hai thông tư năm 2012 và 2015 của Bộ Y Tế CSVN quy định ở danh mục phụ gia thực phẩm, và thế là doanh nghiệp tự do tung ra bán trong nội địa cho người dân sử dụng.

Dù cho phép sử dụng, nhưng khi xảy ra hậu quả về an toàn thực phẩm, dư luận ầm ĩ thì gần như các cơ quan hữu trách cố ý để sự việc trôi theo thời gian và rồi cho “chìm xuồng.” Mặc báo chí đưa tin, mạng xã hội lan truyền, trên website Bộ Y Tế, website Cục An Toàn Thực Phẩm, hay những cơ quan chịu trách nhiệm về sự việc bất động, làm ngơ để cho các doanh nghiệp tung hàng có “dính độc” bán ra thị trường cho người tiêu thụ. (N/V)