Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Phí cách ly quá cao ngăn hành khách nhập cảnh Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam – Chuyến bay thương mại tăng tính chủ động cho hành khách nhưng phí cách ly “ngút trời.” Trong khi đó chuyến bay “giải cứu” lại phải lệ thuộc vào đại sứ quán Việt Nam tại ngoại quốc đã ngăn cản nhiều người Việt hồi hương.

Nhập cảnh Việt Nam bằng các chuyến bay “giải cứu” bất lợi ở chỗ hành khách không được chủ động mua vé, mà phải chờ Đại Sứ Quán CSVN ở ngoại quốc phân bổ suất bay, và phần lớn phải chi thêm một khoản tiền “không tên” kha khá để được ưu tiên sếp lịch bay.

Chi phí cách ly, giá vé máy bay bị coi là đắt hơn bình thường đã khiến nhiều người Việt e ngại khi về Việt Nam. (Hình: Zing)

Song, khi về đến Việt Nam bù lại là được cho đi cách ly tập trung ở các doanh trại quân đội với mức phí chỉ 1.68 triệu đồng ($72.55) cho 14 ngày, mặc dù phải “ăn ở như lính.” Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng cho những người có Passport (sổ thông hành) Việt Nam còn hiệu lực.

Trong khi đó theo báo Người Lao Động, hiện nay khi nghe đến bay “thương mại” nhiều hành khách, nhất là người Việt ở hải ngoại có nhu cầu về Việt Nam rất ngán ngẩm, vì bị buộc phải cách ly tại khách sạn với chi phí khá lớn, mà không phải ai cũng có đủ khả năng đáp ứng.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhà chức trách CSVN tạm dừng triển khai các chuyến bay thương mại quốc tế về Việt Nam “để thống nhất lại phương án cách ly người nhập cảnh.”

“28 triệu đồng? Bằng 1,000 bảng Anh á? Đắt!”, T., một du học sinh tại Anh bày tỏ với báo Zing, khi biết số tiền một người Việt tại Seoul (Nam Hàn) phải trả cho khách sạn để được mua vé chuyến bay thương mại về Việt Nam hồi cuối Tháng Chín vừa qua.

Trong chuyến bay thương mại đầu tiên từ Seoul về Hà Nội hôm 25 Tháng Mười, hành khách buộc phải kết nối trước với khách sạn nơi sẽ ở khi cách ly tại Việt Nam, thậm chí phải thanh toán trước 28 triệu đồng ($1,209) cho khách sạn mới được mua vé về Việt Nam.

Theo báo Zing, rào cản này là lý do khiến Vietnam Airlines bán hết 300 vé của chuyến thương mại đầu tiên từ Seoul về Hà Nội, nhưng đến sát giờ bay chỉ chốt được hơn 100 khách. Nhiều hành khách phải trả lại vé vì “chưa thống nhất được với phía khách sạn.”

Hành khách khai báo y tế trước khi nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) (Hình QUANG ĐỊNH)

Do quy trình “không hợp lý” đã khiến hãng hàng không kẹt ở giữa, và chịu lãng phí khi một chuyến bay 300 chỗ chỉ chở được hơn 100 hành khách.

Năm ngày sau chuyến bay thương mại đầu tiên, hãng VietJet thực hiện chuyến bay thứ 2 về Sài Gòn, và rồi gặp phải rắc rối khi hành khách phản đối chi phí cách ly tại khách sạn quá lớn. Họ đòi được cách ly tập trung tại doanh trại quân đội vì nhiều người không đủ khả năng tài chính.

Nói về mức chi phí bị coi là đắt hơn bình thường, một chủ khách sạn tại Sài Gòn lý giải: “Mức giá này cao so với tiêu chuẩn thông thường. Tuy nhiên, chúng tôi phải làm nhiều việc hơn như đo thân nhiệt khách 2 lần một ngày, phun khử trùng ngày 3 lần, phục vụ ăn ngày 3 bữa, khử khuẩn trước và sau khi khách lưu trú, nhân viên phục vụ ăn ở tại khách sạn được trang bị đồ bảo hộ…”

Theo một số khách sạn, làm điểm cách ly có thu phí không chỉ khách mà cả khách sạn cũng áp lực bởi phải lường cả những tình huống rủi ro. Nếu khách dương tính với virus SAR-CoV-2, thì nhân viên cũng trở thành F1( người tiếp xúc gần) và phải cách ly tập trung nhưng khách sạn vẫn sẽ phải trả lương, phụ cấp thêm cho nhân viên trong giai đoạn này…

Với nhiều vấn đề nảy sinh, các chuyến bay quốc tế về Việt Nam đã bị tạm dừng để chờ giới hữu trách “họp bàn, thống nhất quy trình cách ly người nhập cảnh cho toàn quốc.”

Theo báo Người Lao Động, ngày 8 Tháng Mười, ông Ngô Văn Quý, phó chủ tịch thành phố Hà Nội, đã đề nghị Sở Du Lịch thành phố này “rà soát, bổ sung thêm các khách sạn bình dân, có giá thành hợp lý” để đón công dân nhập cảnh.

Nhiều người nhập cảnh làm đơn xin được cách ly ở tại khu quân đội do chi phí thấp. (Hình: Minh Đức/ VTV News)

“Nếu cách ly hết ở khu quân đội thì không đủ chỗ nhưng cách ly ở khách sạn thì lại khó khăn kinh tế cho người dân. Sở Du Lịch cần xem xét rà soát thêm các khu khách sạn bình dân với giá thành hợp lý,” ông Quý phân tích.

Trong khi đó theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, phó giám đốc Sở Du Lịch ở Sài Gòn, hiện sở này và Sở Y Tế thành phố “đang tiếp tục vận động thêm nhiều khách sạn tham gia làm điểm cách ly có thu phí, trong đó có cả khách sạn 1, 2, 3 sao để có thêm sự lựa chọn cho nhiều đối tượng về Việt Nam trong thời gian tới.” (N/V)