Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Phát minh thuốc xịt mũi chống Covid-19, xịt 1 lần bảo vệ 8 tiếng

Chỉ cần 2 lần xịt vào mỗi lỗ mũi, loại thuốc mới có thể bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ nhiễm Covid-19 trong suốt 8 tiếng. Loại thuốc xịt mới này được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ hiệu quả hơn nhóm người có nguy cơ cao. Loại thuốc xịt này có tên là pHOXWELL, do công ty Raphael Labs của Anh phát triển. Thuốc đã được thử nghiệm trên hơn 600 nhân viên y tế chưa được tiêm vắc xin ở Ấn Độ, theo Daily Mail.

Trong khoảng thời gian 45 ngày thử nghiệm, những nhân viên y tế sử dụng thuốc xịt pHOXWELL có nguy cơ nhiễm Covid-19 thấp hơn đáng kể so với những đồng nghiệp chỉ xịt giả dược.

Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy thuốc pHOXWELL có thể tiêu diệt một số loại virus. Cụ thể, hợp chất trong thuốc tiêu diệt virus SARS-CoV-2 chỉ trong vòng 30 giây và tiêu diệt virus gây bệnh cúm trong 5 phút.

Thuốc pHOXWELL được kỳ vọng sẽ là phương pháp bổ sung giúp nâng cao hiệu quả phòng dịch, bên cạnh các phương pháp khác như tiêm vắc xin và mang đồ bảo hộ y tế.

Thuốc pHOXWELL hoạt động bằng cách ức chế virus SARS-CoV-2 khi chúng xâm nhập vào màn nhầy của mũi.“Chúng ta hiện đã có thêm một công cụ hữu ích nữa để chống lại đại dịch, thứ mà trước đây chúng ta còn thiếu”, Giáo sư Rakesh Uppal, chủ tịch Raphael Labs, cho biết.

“Với loại thuốc xịt mới, mọi người có thể cảm thấy an toàn hơn khi họp mặt nhau trong các không gian kín. Trong tương lai, bạn có thể thấy việc để bình xịt này trong túi xách sẽ phổ biến như mang theo một viên paracetamol phòng nhức đầu”, Giáo sư Angela Russell, chuyên gia hóa học tại Đại học Oxford (Anh) và là một trong những người phát triển pHOXWELL, giải thích.

Thuốc xịt pHOXWELL được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ hàng triệu người ở các nước đang phát triển vẫn chưa có vắc xin để tiêm. Thuốc đựng trong một bình xịt nhỏ, dễ vận chuyển và bảo quản tốt ở nhiệt độ phòng.

Thuốc pHOXWELL cũng có ích với những người người đã tiêm đầy đủ vắc xin phòng Covid-19 vì trên thực tế, vắc xin vẫn không thể phòng ngừa 100% nguy cơ nhiễm bệnh, theo Daily Mail. (T/H)