Phát hiện Cá cầu vồng tuyệt đẹp, có khả năng phát sáng nơi tối tăm
Một loài cá với màu sắc đẹp mắt như cầu vồng đã được phát hiện tại một vùng biển ngoài khơi Maldives. Điều đặc biệt là màu sắc trên cơ thể của cá có khả năng tự phát sáng.
Trong điều kiện gần như không có ánh sáng, nhiều loài cá đã phát triển cơ thể nhiều màu sắc và có thể phát sáng để thuận tiện khi di chuyển dưới đại dương. Cá cầu vồng mới được phát hiện này là một trong số đó.
Tên khoa học của loài cá cầu vồng là Cirrhilabrus finifenmaa. Từ “finifenmaa” có nghĩa là “hoa hồng” trong tiếng địa phương.
Loài cá này gây ấn tượng với phần đầu có màu hồng sặc sỡ, một loại màu tương đối hiếm trong thế giới động vật.
Theo Daily Mail, loài cá này được tìm thấy ở độ sâu từ 40 đến 70m.
Ông Ahmed Najeeb, nhà sinh vật học tại Viện nghiên cứu biển Maldives, tác giả của công trình, là người đầu tiên mô tả phân loài cho cá cầu vồng mới.
Trong khi ông Ahmed Najeeb và các cộng sự thực hiện một dự án tìm kiếm và nghiên cứu những loài cá đặc biệt ở địa phương, họ mới phát hiện thêm một loài cá cầu vồng hoàn toàn mới này.
Ông Ahmed Najeeb cho rằng thế giới đại dương vẫn còn nhiều điều bí ẩn cùng vô số loài mới chưa được phát hiện. Mô tả và phân loại các loài mới rất quan trọng đối với việc bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học.
Cho đến nay số lượt bắt gặp Cirrhilabrus finifenmaa ngoài tự nhiên chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu ở khu vực biển cách Maldives 1,000km về phía nam.
Ông cho biết cách đây khoảng 30 năm, người ta đã thấy một con cá cầu vồng Cirrhilabrus finifenmaa nhưng lại tưởng chúng là một loài cá khác tên Cirrhilabrus rubrisquamis.
Đối với loài cá cầu vồng, con đực trưởng thành thường đủ các màu như đỏ tươi, hồng đào, hồng đậm, cam và tía sẫm. Theo nhóm nghiên cứu, một số vùng biển độ sâu từ 35-70m ở Maldives vô cùng tối tăm. Màu sắc trên cơ thể của cá có khả năng tự phát sáng và thuộc loại hiếm trong thế giới động vật. (T/H, NTD)