Phạm Đoan Trang, tác giả ‘Chính Trị Bình Dân’ bị phạt 9 năm tù
Với việc tuyên bản án 9 năm tù dành cho nữ blogger và là nhà báo tự do, nhà cầm quyền CSVN cho thấy họ phớt lờ lời kêu gọi trả tự do cho bà này từ các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Hôm 14/12/2021, bà Phạm Đoan Trang, 43 tuổi, cựu phóng viên báo nhà nước và là tác giả cuốn “Chính Trị Bình Dân” bị tuyên phạt 9 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật hình sự CSVN.
Mức án dành cho bà Trang được ghi nhận cao hơn mức Viện Kiểm sát đề nghị là 7, 8 năm tù.
“CSVN sợ hãi những tiếng nói phê phán có ảnh hưởng”
Bà Trang bị bắt từ hơn một năm trước và phiên tòa xử bà đã bị hoãn một lần.
Một ngày trước khi phiên tòa diễn ra, thông cáo do Tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền) cho biết: “Nhà cầm quyền Việt Nam nên hủy bỏ mọi cáo buộc hình sự đối với nhà hoạt động nhân quyền và blogger Phạm Đoan Trang và phóng thích bà ngay lập tức.
“Blogger Phạm Đoan Trang phải đối mặt với đòn trả đũa nặng nề của chính quyền vì những hoạt động ủng hộ tự do biểu đạt, tự do báo chí và nhân quyền của bà trong suốt một thập niên,” ông Phil Robertson, Phó giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết.
“Qua việc truy tố bà Trang, nhà cầm quyền Việt Nam cho thấy họ sợ các tiếng nói phê phán có ảnh hưởng đến thế nào.”
Sau khi rời bỏ các tòa soạn báo đảng, hồi năm 2019, bà Phạm Đoan Trang tham gia sáng lập Nhà Xuất bản Tự Do, nơi phát hành một loạt sách không qua kiểm duyệt của nhà cầm quyền như: “Phản Kháng Phi Bạo Lực”, “Chính Trị Bình Dân”, “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt”, “Cẩm Nang Nuôi Tù”…
Chính quyền coi những ấn phẩm này là nhạy cảm và đã ngăn cấm việc phát hành, chặn bắt người giao sách. Bà Trang đã rời nhà xuất bản vào tháng 7/2020.
“Không chấp nhận là vật để đổi chác với nước ngoài”
Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong những người bào chữa cho bà Trang, chia sẻ về buổi thăm bà Trang trong nhà tù hồi tháng 10/2021: “Bà Trang cho biết trong 10 lần lấy cung, bà đều bị ép nhưng bà từ chối trả lời và yêu cầu phải có luật sư mới khai báo nhưng không được chấp nhận.
Trong suốt quá trình làm việc, bà Trang không hợp tác, không khai nhận và chưa từng nhận tội, thế nên nếu có clip nhận tội được tung ra dưới bất kỳ hình thức nào thì đó có nghĩa là nó bị cắt ghép, không đúng sự thật.
Bà Trang đã từng bị biệt giam nhưng sau đó được giam chung với những thường phạm khác. Cuộc sống trong phòng giam rất khắc nghiệt, bà đã phải đánh nhau bảy lần nhưng bà vui vẻ kể rằng mình đều là người giành chiến thắng, dù là người yếu thế hơn;
Trong một số lần lấy cung, điều tra viên có hỏi: “Nếu như án phạt sắp tới được tuyên rất nhiều năm, bà có nguyện vọng đi định cư ở nước ngoài không?”. Bà trả lời thẳng: “Không! Tôi chưa bao giờ có ý định đó!”. Bà Trang cũng cho biết thêm, bà không chấp nhận là vật để đổi chác với nước ngoài.
Câu cuối trao đổi với tôi, bà Trang nhắc đi nhắc lại rằng: “Bắt giam một người viết đã là một tội ác! Bắt giam một người viết tàn tật là một trọng tội”. Bà Trang không nhận mình là một nhà báo, bà chỉ nhận mình là người viết. Bà nói rằng mình không thể tưởng tượng được tại sao mình lại có thể sống được ngần ấy thời gian đã qua trong trại tạm giam với một cơ thể đầy bệnh tật của mình…”
Với tính cách, tư tưởng và hành động của mình, nếu muốn chọn lựa một cuộc sống bình yên cho bản thân, cho gia đình, chắn chắn bà Phạm Đoan Trang đã không chọn cách quay về Việt Nam sau khi đã có cơ hội sống ở nước ngoài, điều này khiến nhiều đấng mày râu cũng phải cúi đầu. Với tôi, bà Trang là một cây bút thông thái, cần mẫn, chính trực nhưng cũng giống như một số người khác và phần nào đó là chính cả bản thân tôi, có lẽ chúng tôi đã sinh ra nhầm thời.” (D/V)