Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

PHẢI BIẾT: Biến thể –biến chủng Coronavirus là gì?

Đại dịch COVID-19 đang được kiểm soát khá tốt ở những quốc gia có tốc độ tiêm vắc-xin nhanh. Tuy nhiên, bức tranh trận địa chống dịch toàn cầu đã có sự thay đổi từ khi một số “biến thể – biến chủng virus” ra đời. Đặc biệt nhiều chuyên gia đã dự đoán biến thể Delta, Delta Plus SARS-CoV-2 đang đe dọa “đảo ngược” thành quả chống dịch của thế giới.

Vậy thế nào là biến thể (variant) và biến chủng (mutant)?

Chúng ta có thể hiểu đơn giản như sau: Những thay đổi về bản chất trên bộ gen được gọi là “biến thể”. Sau khi biến đổi thì có những biểu hiện cụ thể, rõ ràng thì gọi là “biến chủng”. Tức là, một tác nhân vi sinh có những thay đổi trên bộ gen và đã thành một chủng mới khác với chủng ban đầu – lúc đó là biến chủng. Ở giai đoạn thay đổi bản chất trên bộ gen được gọi là biến thể, chưa được gọi là biến chủng, do có thể những biến thể này sẽ còn có những biến đổi nữa trước khi ổn định thành biến chủng mới để được đặt tên mới.

Hiện có 4 biến thể SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng lo ngại được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Cách gọi cũ là thường ghép “biến thể” + “tên quốc gia” là không nên, do nó tạo tâm lý kỳ thị. Vì vậy thống nhất gọi theo ký hiệu bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trong đó, biến thể Delta được coi là nguy hiểm nhất, là chủng lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu, theo cảnh báo mới đây của WHO.

Trong quá trình nhân bản, bộ gen của virus sẽ có những biến đổi, đặc biệt là những virus có bộ gen là RNA. SARS-CoV-2 có bộ gen là RNA và nó cũng có những thay đổi do những sai lầm khi nhân bản. Những thay đổi đa phần không có ý nghĩa khi nó không làm thay đổi mã di truyền của virus. Nhưng chỉ cần thay đổi ít nhất một mã di truyền thì khi ấy đã đủ tiêu chuẩn thành biến thể.

Biến thể Delta đang khiến các chuyên gia y tế đang vô cùng căng thẳng.

Tuy nhiên, có những biến thể làm cho virus lây lan khó hơn hay thậm chí là chết yểu do không thoát nổi khỏi tế bào chủ được. Nhưng những biến thể giúp virus xâm nhập và lây lan nhanh hơn mới là biến thể sẽ tồn tại và dần dần thay thế các chủng virus ban đầu. Và mấy ngày qua nhân loại đã chứng kiến SARS-CoV-2 hoành hành như thế.

SARS-CoV-2 lây lan được là nhờ trên bề mặt có những protein gai (spike protein) giúp virus bám vào đường hô hấp. Sau khi bám, nó sẽ nhảy sang tế bào biểu mô và nhân bản, sau đó thoát ra khỏi tế bào cũ để xâm nhập vào tế bào mới và lây cho cộng đồng qua đường mũi, miệng.

Nếu sự biến đổi gen làm các “xúc tu” protein gai này hút chặt hơn thì tất yếu dẫn tới lây nhiễm nhanh hơn.

Gần đây, Delta có 2 đột biến khiến nó nguy hiểm hơn phần còn lại gồm L452R (giúp virus dễ lây lan từ người sang người hơn) và E484Q (giúp virus tăng khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch, ngay cả người đã mắc COVID-19 cũng có khả năng bị nhiễm biến thể này).

Đến hôm nay, Delta vẫn đang là biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất. Nếu tiếp tục đột biến, chủng này sẽ gây ra mối đe dọa vô cùng lớn, đó là lý do khiến các chuyên gia y tế đang vô cùng căng thẳng. Với khả năng lây nhiễm cao, biến thể Delta có nguy cơ đảo ngược cả những thành quả chống dịch khá ấn tượng tại các quốc gia có độ tiêm chủng nhanh như Mỹ và châu Âu.

Dù tỷ lệ đạt hiệu quả của các loại vắc-xin đang lưu hành còn khác nhau, nhưng cơ bản cho đến nay vẫn vô cùng giá trị trong việc đối phó với dịch bệnh COVID-19. Trong thời điểm hiện tại thì tiêm chủng đúng liều lượng vẫn là giải pháp vô cùng quan trọng, không chỉ để bảo vệ người dân khỏi tử vong và bệnh nặng, mà còn để nâng cao miễn dịch cộng đồng và giảm thiểu lây nhiễm.

Song song quá trình đó cần phải thực hiện tốt khuyến cáo 5K để hạn chế thấp nhất việc lây lan trong cộng đồng. Thông báo ngay cho cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 và tuyệt đối không tự mua thuốc uống điều trị tại nhà.

Mỗi cá nhân tự giác và vận động người thân, bạn bè tự giác sẽ tạo nên một xã hội tự giác chấp hành quy định phòng, chống dịch. (SKDS)