Sunday, January 12, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ông cụ gốc Việt bị đánh ở Mỹ: ‘Kỳ thị đối với tôi là bất công’

Hung thủ, cụ Tạ và cụ Ngọc Phạm, từ trái qua phải, trong ảnh chụp màn hình của Yahoo News
Hung thủ, cụ Tạ và cụ Ngọc Phạm, từ trái qua phải, trong ảnh chụp màn hình của Yahoo News

Nạn nhân người Việt bị một người da trắng đánh trên đường phố ở San Francisco nói việc kỳ thị nhắm vào một người đã ‘hoàn thành bổn phận với nước Mỹ là bất công’ và kêu gọi đồng hương người Việt ‘đề cao cảnh giác khi ra đường ở Mỹ’.

Ông Ngọc Phạm, 83 tuổi, là một trong hai nạn nhân bị hành hung cùng một lúc hôm 17/3 tại một con đường tấp nập ở thành phố San Francisco. Nạn nhân còn lại là bà cụ gốc Hoa 75 tuổi Tạ Tiêu Trân (Xiao Zhen Xie). Hình ảnh camera quay lại cho thấy bà Tạ đã phản đòn khiến kẻ tấn công bị thương.

Hung thủ tên là Steven Jenkins, một người đàn ông da trắng 39 tuổi, ngay sau đó đã bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi có hành vi tấn công vô cớ với tình tiết tăng nặng, cảnh sát San Francisco cho biết.

Trung tâm Giới trẻ Cộng đồng San Francisco (CYCSF) đã tổ chức gây quỹ trên trang GoFundMe để hỗ trợ chi phí điều trị cho ông Ngọc Phạm. Hiện giờ số tiền quyên góp được đã lên tới trên 200,000 đô la trong khi mục tiêu ban đầu chỉ là 25,000 đô la.

Ông Ngọc Phạm sau khi bị tấn công và phải nhập viện. (Hình: GoFundMe)
Cụ ông gốc Việt bị tấn công ở Mỹ: Tình người giữa làn sóng kỳ thị  - ảnh 1

‘Bị đánh bất ngờ’

Ông Ngọc hiện đã được xuất viện và cho về nhà. Trao đổi với VOA qua điện thoại từ San Francisco, cho biết ông ‘đã ăn ngủ được’ và ‘chỉ còn đau nhức chút đỉnh’.

Về thương tích, ông nói ông bị ‘gãy sống mũi, trật cần cổ và vết bầm trên đầu’. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, bác sĩ nói rằng đầu ông ‘không bị chấn thương sọ não’ trong khi ‘vết thương ở cổ chỉ có một đốt cổ bị rạn nứt chứ không bị lệch làm ảnh hưởng đến dây thần kinh’.

Ông mô tả vụ việc xảy ra với ông vào hôm đó ‘rất là bất ngờ’ nên ông ‘không có sự đề phòng gì’. Khi đó, ông đang đi mua đồ ở chợ Farmers’ Market, nơi nông dân đem hàng hóa tươi đến bán nên rất được dân châu Á ưa chuộng.

“Tôi cũng cảnh giác lắm (sau một loạt các vụ kỳ thị người châu Á xảy ra ở San Francisco),” ông cho biết. “Bình thường tôi đi ra chợ mua đồ gì là mua rẹt rẹt rồi về. Nhưng bữa đó gặp người bạn cũng từng làm cảnh sát, cũng ở tù cải tạo với nhau, cũng qua Mỹ theo diện HO nên mới đứng lại nói chuyện thì tai nạn xảy ra.”

Ông Ngọc từng làm cảnh sát đặc biệt dưới thời Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975. Ông từng bị nhà cầm quyền cộng sản đưa vào trại cải tạo suốt 17 năm, sau qua Mỹ theo diện HO vào năm 1993.

Bà Xiao Zhen Xie chườm nước đá sau khi đánh trả lại nghi can Steven Jenkins. (Hình: Twitter Dennis O’Donnell)

“Tôi rất là bất ngờ. Đang đứng nói chuyện với người bạn thì nó quýnh một cú như trời giáng. Mặt tôi máu me tùm lum rồi té xuống đập đầu xuống đất nên đâu có chống cự lại nó được. Thành ra phản ứng không kịp,” ông giải thích tại sao mình không chống lại như bà cụ Tạ.

Theo lời ông nói thì sau khi đánh ông té ngã, tên hung thủ ‘tiếp tục tới đánh bà xẩm’. Ông nói sau khi bị thoi thì bà cụ ‘chỉ bị té ngồi xuống đất chứ không đập đầu như tôi’. Tuy nhiên, ông ‘rất ngưỡng mộ’ hành động của bà cụ gốc Hoa mà ông gọi là ‘rất anh hùng’.

Sau khi bị đánh, ông kêu cứu nên mọi người chạy lại giúp đỡ. Nhân viên an ninh ở chợ đã gọi cảnh sát và chỉ mấy phút sau cảnh sát đến bắt hung thủ và kêu ba xe cứu thương riêng biệt chở ba người đi. Ông mô tả hung thủ là ‘Mỹ trắng, không phải gốc Latin, tương đối to con’.

Ông Ngọc nói ông không hề quen biết hung thủ: “Trước khi đánh tôi, ở đầu chợ nó đã đánh lộn với người nào đó rồi. Nó bất mãn nó đi nó gặp mình nó táng đại thôi. Không biết nó kỳ thị sao mà nó chỉ gặp người già nó mới đập thôi.”

Nghi can Steven Jenkins nằm trên cáng cứu thương sau khi bị bà Xiao Zhen Xie đánh. (Hình: Twitter Dennis O’Donnell)

‘Tôi không phải gánh nặng’

Gần 30 năm ở Mỹ, ông Ngọc cho biết đây là lần đầu tiên ông bị kỳ thị như vậy. Trước giờ ông cũng nghe tin tức về kỳ thị người châu Á này nọ nhưng ‘không nghĩ rằng có ngày tôi trở thành nạn nhân’.

“Chúng tôi là những nạn nhân của cộng sản. Tôi qua đây được, tôi nghĩ rằng xứ này tự do dân chủ. Tôi làm việc 12 năm đến năm 68 tuổi mới nghỉ hưu thì tôi đã làm tròn bổn phận người công dân đối với xứ sở này. Tôi phải được hưởng sự thanh bình chứ. Sự kỳ thị đối với tôi là bất công,” ông giãi bày với VOA và nhấn mạnh ông không phải ‘gánh nặng’ của xã hội Mỹ.

“Ở San Francisco giờ ghê quá. Nó kỳ thị người châu Á. Nó gặp người già là nó đục thôi chứ đụng người trẻ nó đâu dám,” ông than thở và cho biết hiện giờ nếu có việc gì ra đường ông ‘nhờ con cháu đi’.

Ông nói rằng ông đã từng ‘ở tù cộng sản và không gục ngã’ thì ‘sẽ không gục ngã trước kỳ thị’. Nhưng ông kêu gọi chính quyền trừng trị hung thủ và ‘có biện pháp bảo vệ người châu Á, người Việt Nam và nhất là người già hay bị hiếp đáp’.

“Phải cô lập nó (hung thủ) với xã hội, nếu cho nó ra mai mốt nó đập người khác nữa.”

Ông Ngọc Phạm trong bệnh viện, sau khi bị tấn công. (Hình: Facebook CYCSF)

Ông kêu gọi đồng hương người Việt ‘đề cao cảnh giác khi ra đường’ và lên án hành động kỳ thị để ‘cho thế giới biết nhằm chặn đứng sự kỳ thị đối với người gốc Á và người Việt nói riêng’.

“Cộng đồng xuống đường biểu tình là rất tốt. Nếu tôi mạnh khỏe tôi đã xuống đường ủng hộ,” ông nói về các cuộc xuống đường chống nạn kỳ thị người châu Á ở Mỹ vào cuối tuần qua và cho rằng từ vụ việc này, ông ‘thông cảm cho những người đòi bình đẳng trong phong trào Black Lives Matter’.

Ông Ngọc gửi lời cám ơn những người đã ủng hộ ông về vật chất lẫn tinh thần mà ông nói nhờ đó ‘tinh thần tôi được vững vàng’.

Khi được hỏi về sự phát ngôn và hành động của Tổng thống Joe Biden chống lại sự kỳ thị người châu Á, ông Ngọc nói ông ‘không có ý kiến’. Tuy nhiên, ông cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump gọi virus corona là ‘China virus’ là ‘có quá đáng một chút’.

Hiện giờ, cảnh sát đã tăng cường tuần tra một số khu vực có đông dân gốc Á ở San Francisco. Theo phúc trình của tổ chức Stop AAPI Hate, vốn ghi lại những hành động kỳ thị người gốc Á, trong suốt đại dịch, người gốc Á ở Mỹ đã báo cáo ít nhất 3.795 hành động thù ghét nhắm vào họ.

Hôm 12/3, cụ ông Pak Ho, 75 tuổi, đã qua đời sau khi bị tấn công và bị cướp. Hôm 28/1, cụ ông gốc Thái Vicha Ratanapakdee, 84 tuổi, bị một kẻ tấn công xô xuống đường đến chết. Nhiều người Mỹ gốc Á khác ở Vùng Vịnh bang California cũng bị đánh và bị cướp trong những tuần gần đây. (VOA)