Những vụ lừa đảo người thuê nhà tăng mạnh trong đại dịch COVID-19
Các vụ lừa đảo nhắm vào người thuê nhà đã tăng 76%, với tổng số tiền mà nạn nhân mất cho những kẻ lừa đảo đã lên tới hơn $300,000.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, ủy ban theo dõi Scamwatch đã nhận được 560 báo cáo về các vụ lừa đảo tiền thuê nhà, trong đó rất nhiều vụ đã sử dụng các chiêu lừa đảo liên quan đến đại dịch COVID-19.
Những điểm chính:
- Các vụ lừa đảo người thuê nhà đã tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Theo ACCC, chiêu lừa đảo phổ biến là lấy lý do đại dịch COVID-19 nên đã chào mời mức giá thuê thấp và không cho xem nhà trực tiếp.
- Nhiều người đã chuyển tiền cọc hoặc bị lấy cắp thông tin cá nhân do được yêu cầu điền thông tin người thuê nhà.
Do đại dịch COVID-19 nên chỉ cho xem nhà trực tuyến, và ngôi nhà đó thực ra không hề tồn tại
Những vụ lừa đảo này nhắm vào những người đang tìm nhà để thuê, bằng cách chào mời họ những ngôi nhà cho thuê “giả” để thuyết phục nạn nhân chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân.
“Chiêu thức lừa đảo là mời chào nhà cho thuê với mức giá thấp do COVID-19, và lợi dụng các quy định hạn chế của chính phủ để lừa người đi thuê chuyển tiền cho chúng mà không đi xem nhà,” Phó ủy viên của ACCC, Delia Rickard, giải thích.
Kẻ lừa đảo sẽ cho đăng quảng cáo trên trang real estate hoặc những trang mạng chuyên về mua bán nhà, hoặc liên lạc những người có đăng tải trên mạng xã hội rằng đang tìm phòng cho thuê.
Sau khi nạn nhân trả lời, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển tiền cọc để giữ chỗ hoặc lừa lấy thông tin cá nhân bằng cách yêu cầu điền “tờ đăng ký người thuê nhà” (tenant application form), đồng thời hứa hẹn sẽ giao chìa khóa sau khi hoàn tất thanh toán hoặc cung cấp thông tin.
Kẻ lừa đảo sau đó có thể đưa những lý do bắt trả thêm tiền và nạn nhân chỉ nhận ra họ bị lừa khi không nhận được chìa khóa và “người chủ nhà” bỗng dưng biến mất.
Một số kẻ lừa đảo sẽ thậm chí giả dạng là chuyên viên môi giới địa ốc và tổ chức các cuộc xem nhà “giả”, nạn nhân sẽ đến và phát hiện ra ngôi nhà đó không hề tồn tại hoặc đã có người ở.
“Lừa đảo để lấy thông tin cá nhân đang trở nên rất phổ biến, bằng cách yêu cầu nạn nhân gửi bản sao các giấy tờ cá nhân như passport, sao kê ngân hàng, hoặc giấy trả lương,” bà Rikard cho biết.
Một khi bọn chúng có thông tin cá nhân, khi đó bạn sẽ có nguy cơ trở thành đối tượng của các vụ lừa đảo tiếp theo hoặc bị ăn cắp thông tin cá nhân.
“Nhiều người đã gặp phải khó khăn tài chính do đại dịch, cộng thêm trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, thì lại càng trở nên khốn đốn hơn,” bà Rickard nói.
Tìm kiếm thông tin về ngôi nhà, hoặc người môi giới địa ốc trước khi chuyển bất kỳ khoản tiền nào
Những người trong độ tuổi từ 25 – 34 là đối tượng bị lừa tiền thuê nhà nhiều nhất trong năm 2020, và hầu hết các báo cáo lừa đảo đến từ NSW, VIC và ACT.
Một hoạt động lừa đảo tiền thuê nhà phổ biến nhất ở Canberra là kẻ lừa đảo đã giả dạng là một bác sĩ sống ở Thụy Điển, ông này chỉ có thê cho xem nhà trực tuyến sau đó yêu cầu chuyển tiền cọc.
“Cố gắng đến xem nhà trực tiếp trước khi trả bất kỳ khoản tiền nào cho chủ nhà hoặc chuyên viên môi giới địa ốc,” bà Rikard nói.
“Đối với tiểu bang Victoria trong giai đoạn phong tỏa cấp độ 4, thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng bạn vẫn có thể tự bảo vệ mình bằng cách tìm kiếm thông tin trên mạng xem ngôi nhà đó có thực sự tồn tại hay không, và nếu phải làm việc với chuyên viên môi giới địa ốc, thì hãy kiểm tra xem người chuyên viên đó có bằng hành nghề hay không.
“Những kẻ lừa đảo thường chỉ trao đổi thông tin qua email để tránh tiết lộ thân phận, do đó hãy thử tìm số điện thọai của công ty để nói chuyện với người quản lý địa ốc, hoặc hẹn gặp trực tiếp.
“Trước khi trả bất cứ khoản tiền nào, phải bảo đảm rằng bạn đang làm việc với một chuyên viên có bằng hành nghề. Nếu kẻ lừa đảo có thông tin của bạn chúng có thể giả dạng là một chuyên viên địa ốc và cố gắng yêu cầu bạn chuyển tiền sau khi xem nhà.”
Những người đang tìm nhà để thuê có thể liên lạc với các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để có thông tin về quyền lợi của người thuê nhà và các yêu cầu về tiền cọc.
Để biết thêm thông tin về các vụ lừa đảo, hãy xem thêm trên trang mạng Scamwatch, trong đó có hướng dẫn cách gửi báo cáo và những nơi khi cần giúp đỡ. (SBS)