Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Những người lo sợ ‘Ngày Tự do’ ở Úc

Những người Úc có nguy cơ cao nhất từ ​​Covid-19 nói rằng họ lo lắng và cảm thấy nguy hiểm trước kế hoạch nới lỏng hạn chế khi đất nước đạt được các mục tiêu tiêm chủng.

“Trong lộ trình đến với tự do, tôi không thấy đề cập gì đến những người như tôi, những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. ‘Ngày Tự do’ không có tôi”, Racquel Sherry, một người sống ở Sydney và bị suy giảm miễn dịch, sợ hãi nói, theo Guardian.

Hàng triệu người —sống trong nhiều tuần dưới lệnh hạn chế nghiêm ngặt vì Covid-19 ở bờ biển phía đông của Úc —đang đếm ngược từng ngày, chờ thời điểm các hạn chế được nới lỏng khi 70% dân số đủ điều kiện được tiêm chủng đầy đủ, và tiếp tục nới lỏng hơn nữa khi đạt mức 80%.

Tuy nhiên, Sherry là một trong số những người cảm thấy căng thẳng chứ không phấn khích về kế hoạch mở cửa. Họ lo lắng vì có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, tuổi tác lớn, hoàn cảnh làm việc hoặc cuộc sống đặc biệt, hoặc đơn giản là sợ hãi khi sống chung với Covid-19.

Racquel Sherry, một cư dân Sydney bị ức chế miễn dịch. (Hình Guardian).

Cảm thấy bị phân biệt đối xử

Sherry được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thận khi mới 18 tháng tuổi, phải hóa trị và xạ trị. Sau khi bị suy thận ở tuổi 24, cô phải lọc máu và cần được cấy ghép khẩn cấp.

Sau đó, cách đây 15 năm, cô sống sót sau căn bệnh ung thư cổ tử cung mà không cần hóa trị. Khi đó cô được thông báo rằng cô còn 12 tháng nữa.

“Tôi không sống đến thời điểm này để chết vì Covid-19”, cô nói.

“Tôi sống với căn bệnh mạn tính suốt đời. Nhiều lần tôi cảm thấy bị phân biệt đối xử, và đây lại là một lần như vậy nữa. Những người bị ức chế miễn dịch cũng làm việc, đóng góp cho xã hội, nhưng lộ trình đến với tự do lại loại từ chúng tôi. Làm sao mà các anh có thể mở cửa khi có rất nhiều người không được bảo vệ?”, cô nói.

Theo lời khuyên từ chuyên gia sức khỏe của mình, Sherry sẽ tiếp tục phải cách ly, đặc biệt là khi thành phố mở cửa trở lại.

Cô đã tiêm hai liều vắc-xin Pfizer, nhưng các bác sĩ chuyên khoa nói rằng chúng có thể không có tác dụng với cô.

Nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 ở Melbourne. (Hình AFP).

“Để cơ thể tôi không từ chối cơ quan ngoại nhập, họ đã cho tôi uống thuốc ngăn chặn phản ứng miễn dịch của cơ thể”, Sherry nói, đề cập đến việc mình từng ghép thận. “Những người suy giảm miễn dịch như tôi có thể phải nhập viện vì cảm lạnh. Vì vậy, khi mọi người đeo khẩu trang và sát trùng, tôi cảm thấy an toàn hơn bao giờ hết”.

“Trước đây, nếu ai đó ho trên tàu, tôi sẽ chuyển chỗ ngồi. Tôi có thể bị viêm phổi nếu bị lây. Tuy nhiên giờ đây, những người được tiêm phòng có thể mắc Covid-19 với mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng, tôi sẽ không biết ai bị bệnh và ai không”, cô nói.

Dễ tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần

Sherry không phải là người duy nhất lo lắng. Dù đã được tiêm phòng đầy đủ, cụ Val Fell (92 tuổi) ở Wollongong không có ý định sớm ra khỏi nhà .

Bà nói: “Tôi lo lắng hệ thống bệnh viện vốn đang căng thẳng sẽ rối loạn nếu mở cửa quá sớm”.

Bà cũng lo lắng rằng việc triển khai vắc-xin chậm có nghĩa là bà sẽ tiếp xúc với những người chưa được chủng ngừa.

Những người có hệ miễn dịch bị suy giảm hoặc ức chế vẫn có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong vì Covid-19 dù đã tiêm đủ vắc-xin. (Hình AFP).

Ngay cả những người ở các tiểu bang hiện không bị phong tỏa cũng lo sợ.

Cụ Mo Ors (75 tuổi), sống ở Gold Coast, cho biết hiện tại bà không hề ra khỏi nhà, thậm chí là để mua đồ ăn.

“Đại dịch khiến tôi sống ẩn dật. Đối với những người như tôi, căn bệnh đó là một kẻ giết người”, cụ Ors lo lắng vì mắc một số bệnh tự miễn, cũng như nhận thức được về tuổi tác của mình.

Dù rất buồn vì không được gặp các cháu, cụ Ors không có ý định rời khỏi nhà cho đến khi 90% dân số đủ điều kiện được tiêm chủng.

Tiến sĩ Nienke Zomerdijk một nhà nghiên cứu ung thư tâm lý xã hội từ Đại học Melbourne —cho biết những người bị suy giảm miễn dịch sẽ cần tiếp tục ở nhà và giảm thiểu tiếp xúc với gia đình và bạn bè, nhưng nói rằng: “Điều đó thật khó khăn đối với họ, sẽ có tác động đáng lo ngại đến sức khỏe tâm thần của họ”.

James Cullen, 40 tuổi, ở Queensland, cho biết ông “cực kỳ lo sợ” về việc kế hoạch mở cửa trở lại, vì ông đang bị tiểu đường loại 2, trong khi thuê và sống chung nhà với nhiều người khác.

“Bạn cùng nhà của tôi cũng lo lắng như tôi. Một người làm việc tại trường học và họ thường dễ nhiễm và lây bệnh”.

Ngoài ra, ông cho biết việc trở lại công sở cũng khiến ông căng thẳng.

Người dân xếp hàng chờ được tiêm ngừa Covid-19 ở Bankstown, ngoại ô của Sydney ngày 25/8. (Hình Reuters).

“Tôi di chuyển bằng tàu hỏa. Dù hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang, vẫn có rất nhiều người kéo nó xuống cằm, trừ khi họ nhìn thấy có người kiểm tra. Mấy kẻ ngốc đòi quyền không đeo khẩu trang rõ ràng không quan tâm đến những người như tôi —những người có nhiều nguy cơ nhất và sợ hãi loại virus này”, James nói.

Các nghiên cứu mà Đại học Melbourne thực hiện năm nay cho thấy bệnh nhân ung thư máu có nguy cơ tử vong do Covid-19 cao nhất, ở mức 34%.

Những người này đồng thời cũng có nhiều nguy cơ bị tổn thương tâm lý nhất.

Dẫu vậy, Racquel Sherry, người bị ung thư và từng ghép thận, nói: “Dù thất vọng, tôi vẫn vui mừng về việc dỡ bỏ các hạn chế đối với những cá nhân và tổ chức cần thiết như các doanh nghiệp nhỏ, những người có sinh kế phụ thuộc vào việc mở cửa trở lại. Tôi rất hiểu về những gì họ đã hy sinh”. (Z/N)