Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Những mặt tốt, mặt xấu “lòi” ra trong đại dịch COVID-19

Cái gì cũng có mặt phải, mặt trái, mặt tốt, mặt xấu song hành. Với dịch bệnh, có những điều COVID-19 đã làm cho cuộc sống tốt lên, khi từ đây, nó “lòi” ra cả mặt tốt lẫn mặt xấu.

Minh họa: Martin Sanchez/Unsplash.

Với cá nhân:

– Ý thức về bệnh tật, về bản thân, về số phận con người, về tương tác giữa người với người được chú trọng hơn rất nhiều. Giờ đây, ai cũng thương thân và thương người nhiều hơn.

– Mối quan tâm đến xã hội nhiều hơn, dễ bỏ qua những ý nghĩ vị kỷ tồn dư, bớt lo lắng cho bản thân để tăng suy nghĩ cho xã hội.

– Ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh môi trường tăng lên. Biết quan tâm đến bệnh tật nền của bản thân mình. Từ đó, cuộc sống trở nên lành mạnh hơn.

Với gia đình:

– Các cá thể mang “cái tôi” đã lùi lại một bước. Ý thức lo lắng cho các thành viên gia đình tăng lên. Dịch bệnh cũng khiến gia đình trở thành một thể gắn kết thêm một bước. Đi đâu, làm gì, thành công hay thất bại, gia đình cũng ở bên cạnh bạn.

– Từng con người cụ thể trở thành “trung tâm của vũ trụ”. Mỗi gia đình là một pháo đài chống virus, chắc chắn thế rồi. Tôi chắc, sau dịch bệnh, mối quan hệ gia đình sẽ tốt đẹp hơn, chứ hoàn toàn không phải do ăn vã nhau mà tan rã.

Với ngành Y tế:

– “Lòi” ra những bất hợp lý:

* Y học dự phòng, một chuyên ngành cực kỳ quan trọng đang được cải tổ đáng kể. Giờ đây không phải là ngành “loa phóng thanh- rắc vôi bột- kiểm tra quán ăn- tiêm chủng định kỳ” nữa. Nó trở về đúng tầm quan trọng của nó: Phòng bệnh hơn chữa bệnh!

* Những “ngạo nghễ” rằng Y tế Việt Nam giỏi lắm, hơn cả Tây, hóa ra không phải. Y tế Việt Nam xứng tầm Việt Nam, một nước còn nhiều mặt yếu kém, nghèo nàn, lạc hậu. Nước chưa phát triển, chưa giầu thì tất nhiên y tế cũng chưa phát triển, chưa giàu có, không thể ảo tưởng.

*Những Đông Quách tiên sinh trong ngành Y bị phơi bày, không thể rõ hơn. Ai dốt, ai giỏi giờ mà nhắc lại thì “Ối giời ơi, ngượng lắm!”

* Những thiếu thốn về trang thiết bị, về con người còn hạn chế; về chênh lệch trong đào tạo- tái đào tạo; về quản lý vận hành bệnh viện; về kinh phí chi phí y tế… đã lòi ra.

– Xuất hiện cơ hội phát triển mới:

* Chưa bao giờ một mầm bệnh, một bệnh, một dịch bệnh được quan tâm đến thế. Giờ đây, mỗi khi có mầm bệnh mới, dịch bệnh mới, cả xã hội sẽ đòi hỏi ngành y phải công khai, minh bạch hơn.

Coronavirus làm cho Dengue xuất huyết, lao, ung thư, ô nhiễm buộc phải ghen tỵ: “Cũng là bệnh giết người hơn hàng vạn lần mày, sao chúng tao bị thờ ơ, ghẻ lở, hắt hủi, vùi dập đến thế!”

* Các cơ sở xét nghiệm, các trung tâm cấp cứu được nâng cấp tốc hành. Các bệnh viện công bị cú hích này sẽ tiến bộ rất nhanh trong cách quản lý người bệnh, phân loại người bệnh, cách vận hành việc chữa trị bệnh.

* Nhân viên y tế được huấn luyện và tái đào tạo cấp tốc, đạt được tầm cao mới, ai cũng buộc phải thay đổi tư duy trong khám chữa bệnh và cư xử giữa người bệnh với nhân viên y tế, giữa người với người, đồng nghiệp với đồng nghiệp.

* Kinh phí hàng năm chi cho ngành y được tăng khủng khiếp. Cơ hội cho mọi đơn vị ngành y cải tổ cơ sở vật chất của mình.

Với xã hội:

– Chưa bao giờ mối quan tâm đến phát triển xã hội tăng cao đến thế. Ai ai cũng quan tâm đến việc quản lý nhà nước sẽ ra sao, hình thái phát triển của xã hội sẽ như thế nào, tương lai của nước nhà sẽ mãi vẫn hình thức kiên định hay cú hích dịch bệnh này đòi hỏi hình thái phát triển khác đi. Sẽ tiệm cận những văn minh loài người hay vẫn trì trệ bảo thủ kiểu “từ từ mà tính”?

– Chính quyền nào cũng do dân bầu ra. Dù đảng cử nhưng vẫn do dân bầu, dù chỉ là hình thức hay không thì dân vẫn chịu trách nhiệm. Chính quyền phải được dân chế tài. Dân sẽ yêu cầu chính quyền minh bạch hơn và đòi phải đổi thay những bất cập. Dù ít dù nhiều, điều đó là chắc chắn và dân chủ tiến một bước lớn. (Hy vọng thế!)

– Tiếng nói xã hội được tôn trọng. Chưa bao giờ vai trò của mạng xã hội lớn như thế. Nó là sức ép đáng kể trong các quyết sách xã hội. Ở Việt Nam, không có Viện Gallup để thăm dò dư luận xã hội, nhưng mạng Facebook đã làm thay một cách xứng đáng trong vấn đề này.

– Nhiều đòi hỏi buộc phải đáp ứng dân chủ và dân chủ hơn, độc quyền giảm đi, những ý kiến trái chiều được tôn trọng hơn.

– Quá trình thay đổi hình thái xã hội, nhu cầu thay đổi cơ cấu thể chế cai trị buộc phải tiến nhanh cùng thời đại. Nếu không sẽ bị đánh đổ, nguy cơ tan vỡ hiện ra rõ hơn bao giờ hết. (SGN)