Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Những lý do khiến bạn mất ngủ hàng đêm

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến mất ngủ, chẳng hạn như tâm lý căng thẳng, rối loạn tâm thần, tác dụng phụ của thuốc,… Xác định nguyên nhân mất ngủ là cơ sở để điều trị mất ngủ có hiệu quả. Tuy nhiên, làm thế nào để tìm kiếm chính xác các nguyên nhân gây ra mất ngủ lại là điều không hề dễ dàng.

Nguyên nhân mất ngủ đến từ rất nhiều lý do khác nhau, có thể do bệnh lý, công việc hoặc áp lực trong cuộc sống. Mất ngủ là tình trạng gặp khó khăn để bắt đầu và duy trì giấc ngủ dù có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để ngủ, gây nên tình trạng buồn ngủ vào ban ngày.


Các nguyên nhân mất ngủ cũng rất đa dạng từ yếu tố tâm lý, sinh lý cho đến các vấn đề về bệnh lý,…. Xác định được nguyên nhân gây mất ngủ là cơ sở để can thiệp và điều trị mất ngủ một cách hiệu quả. Mất ngủ triền miên ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra cảm giác mệt mỏi, suy giảm trí nhớ và ảnh hưởng đến một số chức năng của cơ thể.

Nguyên nhân mất ngủ thường gặp

1. Căng thẳng là nguyên nhân mất ngủ

Trạng thái căng thẳng tâm lý vì những lý do như công việc, bài tập, thu nhập, hoặc các vấn đề liên quan đến gia đình, xã hội,… có thể khiến đầu óc phải suy nghĩ và lo lắng nhiều hơn, kể cả vào ban đêm. Chính sự lo lắng và suy nghĩ quá nhiều này dẫn đến hậu quả là khó khăn để đi vào giấc ngủ.

Hầu hết các trường hợp mà căng thẳng đóng vai trò là nguyên nhân mất ngủ thì sau khi các yếu tố gây căng thẳng được giải quyết, mất ngủ sẽ được giải quyết theo. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân vẫn bị mất ngủ kéo dài kể cả sau khi đã giải quyết hết tất cả những căng thẳng trong cuộc sống.

2. Môi trường không thuận lợi để ngủ

Các yếu tố môi trường có tác động rất lớn đối với giấc ngủ. Tiếng ồn, ánh sáng, giường đệm quá cứng,… đều có thể cản trở giấc ngủ bắt đầu và kéo dài. Đây thường là nguyên nhân dẫn đến những trường hợp mất ngủ cấp tính. Thông thường, tình trạng mất ngủ sẽ nhanh chóng được cải thiện khi các yếu tố gây bất lợi cho giấc ngủ từ môi trường được loại bỏ.

3. Các thói quen xấu gây khó ngủ

Có khá nhiều thói quen trong sinh hoạt có thể ảnh hưởng bất lợi đối với giấc ngủ và cản trở giấc ngủ diễn ra, chẳng hạn như:

– Ăn no ngay trước khi ngủ gây nên cảm giác căng tức bụng và nặng nề, khó đi vào giấc ngủ. Ngoài ra, ăn quá no trước khi đi ngủ cũng dễ dẫn đến trào ngược dạ dày, ợ thức ăn,… và nó làm cho cơ thể trở nên tỉnh táo, khó ngủ.

– Sử dụng các chất kích thích vào buổi tối: Sử dụng trà, cafe hay hút thuốc lá vào buổi tối là điều hết sức phổ biến. Nhưng cũng chính cafein và nicotin lại là những chất có tác dụng kích thích sự hưng phấn của cơ thể, ức chế cảm giác buồn ngủ và dẫn đến khó ngủ.

– Ngủ quá nhiều vào ban ngày: Một giấc ngủ vào ban ngày sẽ giúp cơ thể được nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng để tiếp tục hoạt động. Nhưng ngủ quá nhiều vào ban ngày lại khiến cơ thể ngủ đủ giấc và không cảm thấy buồn ngủ khi đêm đến nữa.

– Không có khung giờ ngủ cố định: Không có khung giờ ngủ cố định là nguyên nhân mất ngủ rất hay gặp phải. Không có khung giờ ngủ cố định sẽ khiến cơ thể khó có thể thiết lập chu kỳ thức-ngủ, dẫn đến khó khăn cho việc đi ngủ. Điều này đặc biệt dễ xảy ra đối với người có công việc bận rộn hoặc hay đi công tác tại nhiều khu vực khác nhau.

– Sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ: Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, TV,… gây ảnh hưởng lên mắt, ức chế quá trình tiết melatonin (là hormone quan trọng chi phối cảm giác buồn ngủ) nên rất dễ dàng gây mất ngủ.

4. Mất ngủ do tác dụng phụ của thuốc

Tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng là nguyên nhân mất ngủ rất thường gặp. Chẳng hạn như các thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị hen suyễn,… đều là những loại thuốc thường có tác dụng phụ liên quan đến mất ngủ.

Ngoài ra, những loại thuốc giảm đau, kháng viêm cũng thường hay được bổ sung thêm cafein trong thành phần. Mục đích của nó là giúp duy trì sự tỉnh táo cho người bệnh vào ban ngày để có thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Nhưng nếu sử dụng vào buổi tối, nó cũng sẽ gây nên tình trạng ức chế giấc ngủ.

5. Do bệnh lý

Dù là đau do nguyên nhân gì cũng đều có khả năng gây mất ngủ và khó ngủ. Đau khiến cơ thể cảm thấy không thoải mái, căng thẳng tâm lý và lo âu về tình trạng bệnh tật của bản thân,… nên dẫn đến mất ngủ.

Các tình trạng bệnh lý khác như khó thở, hen suyễn, suy tim, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, tiểu đường,… cùng đều là những tình trạng tác động xấu lên giấc ngủ, khiến cơ thể khó đi vào giấc ngủ hoặc thường xuyên gây thức giấc khi ngủ.

6. Mất ngủ do rối loạn tâm thần

Các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm,… được cho rằng đều có khả năng là nguyên nhân mất ngủ. Thật vậy, các nghiên cứu ước tính rằng, có đến khoảng 40% số bệnh nhân lo âu, trầm cảm gặp các vấn đề rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, đặc biệt là mất ngủ. Ngoài ra, các loại thuốc chống trầm cảm, chống lo âu,… sử dụng trong điều trị các rối loạn tâm thần trên cũng là nguyên nhân mất ngủ.

Theo chiều ngược lại, mất ngủ lại càng làm cho các rối loạn tâm thần trở nên nặng nề hơn. Như vậy có nghĩa là chúng hình thành một vòng xoắn bệnh lý, rối loạn tâm thần gây mất ngủ mà mất ngủ lại làm nặng thêm rối loạn tâm thần. Do đó sức khỏe của người bệnh sẽ càng lúc càng suy giảm, thậm chí có thể tử vong.

7. Các vấn đề thần kinh

Các bệnh lý liên quan đến thoái hóa thần kinh như bệnh alzhemer, hay chứng sa sút trí tuệ,… gây tác động tiêu cực lên chu kỳ thức ngủ bình thường của cơ thể. Hậu quả là gây nên tình trạng lú lẫn ban đêm và giảm chất lượng giấc ngủ.

Bên cạnh đó, các rối loạn phát triển thần kinh như rối loạn tăng động giảm chú ý khiến cơ thể dễ dàng ở trạng thái tăng động. Do vậy, khó đi vào giấc ngủ và trở thành nguyên nhân mất ngủ.

8. Lạm dụng các chất gây nghiện

Các chất gây nghiện như rượu, ma túy, các loại thuốc an thần,…là những nguyên nhân mất ngủ khá phổ biến. Mối liên hệ giữa các chất gây nghiện với mất ngủ càng được thể hiện rõ ràng hơn ở các bệnh nhân có biểu hiện lệ thuộc vào các chất gây nghiện. Đặc biệt là ở những bệnh nhân đang có hội chứng cai xảy ra.

Những ai có nguy cơ cao bị mất ngủ?

Tất cả mọi người đều có khả năng bị mất ngủ, nhưng một số nhóm đối tượng nhất định dường như có nguy cơ gặp phải mất ngủ cao hơn phần còn lại của dân số, kể đến như:

– Phụ nữ: Tỷ lệ mất ngủ ở phụ nữ gấp 1,4 lần nam giới, đặc biệt là phụ nữ ở lứa tuổi từ 40-55 tuổi hay ở các giai đoạn hành kinh. Điều này được cho là bởi sự thay đổi nội tiết tố, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người phụ nữ.

– Trên 60 tuổi: Sự gia tăng về tuổi tác dẫn đến nhiều nguyên nhân mất ngủ khác nhau như tăng nhạy cảm với tiếng ồn, mắc nhiều bệnh lý khác nhau, phải sử dụng nhiều loại thuốc,… Do đó, có đến 50% số người cao tuổi gặp phải các rối loạn giấc ngủ, trong đó điển hình nhất là mất ngủ.

– Mang thai: Các vấn đề như sự thay đổi kích thước của các bộ phận cơ thể, khó thở do tử cung chèn ép cơ hoành, tiểu nhiều do kích thước bàng quang bị thu nhỏ,… là những nguyên nhân mất ngủ thường xảy ra ở phụ nữ mang thai.

– Thanh thiếu niên: Sự thay đổi các yếu tố nội tiết ở thanh thiếu niên, và các thói quen sinh hoạt khiến lứa tuổi này thường có xu hướng ngủ muộn hơn và khó ngủ hơn.

– Người thường xuyên bị căng thẳng: Căng thẳng là nguyên nhân mất ngủ hàng đầu. Chính vì thế những người thường xuyên bị căng thẳng do công việc, gia đình, thu nhập,… đều là những người dễ bị mất ngủ.

– Người thường xuyên đi công tác: Sự di chuyển giữa hai miền đất xa xôi khi đi công tác khiến chu kỳ thức ngủ không đồng nhất với lịch làm việc tại địa điểm công tác, dễ dẫn đến tình trạng ngủ ngày thức đêm.

– Người có các vấn đề bệnh lý hay các rối loạn tâm thần: Khi một người gặp phải bất kỳ bệnh lý hay rối loạn tâm thần nào, chúng đều có thể ảnh hưởng và là nguyên nhân gây mất ngủ.

Có thể thấy rằng, mất ngủ có thể bị gây ra do rất nhiều nguyên nhân, những nguyên nhân này có thể xuất hiện đơn lẻ nhưng cũng có thể phối hợp với nhau. Do đó khi mất ngủ xảy ra, cần thận trọng tìm kiếm để có thể phát hiện được các nguyên nhân mất ngủ, tạo điều kiện cho quá trình điều trị diễn ra hiệu quả hơn.