Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Những thuyền nhân mới

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Đời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi. (Phạm Duy – Thuyền Viễn Xứ)

“Bà X khoảng bốn mươi tuổi, hiện đang sống với chồng và con gái trong một căn nhà do chính họ làm chủ, ở California. Bà nói thông thạo hai thứ tiếng: Anh và Việt. Phục sức giản dị, trông buồn bã và lo lắng, bà X tuy dè dặt nhưng hoàn toàn thành thật khi trả lời mọi câu hỏi được đặt ra.

“Bà rời khỏi Việt Nam vào năm 1980, khi còn là một cô bé, cùng với chị và anh rể. Ghe bị cướp ba lần, trong khi lênh đênh trong vịnh Thái Lan. Chị bà X bị hãm hiếp ngay lần thứ nhất. Khi người anh của bà X xông vào cứu vợ, ông bị đập búa vào đầu và xô xuống biển. Lần thứ hai, mọi chuyện diễn tiến cũng gần như lần đầu. Riêng lần cuối, khi bỏ đi, đám hải tặc còn bắt theo theo mấy thiếu nữ trẻ nhất trên thuyền. Chị bà X là một trong những người này.

“Vào trại tị nạn, bà X được sắp xếp sống ở barrack dành cho trẻ em không thân nhân (unaccompanied children barrack). Hội Hồng Thập tự mau chóng tìm ra thân nhân của bà X –  gia đình của một người bác, sinh sống ở California từ năm 1975 – và bà được bảo trợ, để đi định cư ngay sau đó.

“Dù trải qua những kinh nghiệm hãi hùng, và dù sống xa bố mẹ, những năm niên thiếu của bà X rất bình thường. Bà là một học sinh trung bình, có hạnh kiểm tốt, và nhiều bè bạn. Bà X chưa bao giờ thử dùng cần sa, ma túy hoặc bất cứ một chất kích thích hay gây nghiện nào.

“Sau trung học, bà X tiếp tục chương trình kế toán tại một đại học cộng đồng. Bà lấy chồng sớm, vào năm 20. Ông chồng cũng là một người gốc Việt, hiện  đang làm kỹ sư cho một công ty điện tử, được mô tả là ‘hiền lành và hiểu biết’. Ông bà, cùng hai con, đã nhiều lần trở lại Việt Nam thăm viếng gia đình.

“Cuộc sống của bà X hoàn toàn ổn thỏa cho đến một ngày cuối tháng 1 năm 2010. Chiều hôm đó, bà X được báo tin con trai bị mất tích –  khi chơi trượt sóng, ở bãi biển, gần trường. Bà X đến nơi đúng lúc xác con vừa được tìm thấy tại nơi xảy ra tai nạn, với vết thương ở đầu vì va phải đá ngầm, ‘đầu cháu cũng bị vỡ, bên trán trái, đúng ngay vào chỗ mà hải tặc đã dùng búa đánh vào ông anh rể của tôi…’

“Sau biến cố này, bà X thường xuyên bị ám ảnh bởi ác mộng (hoặc những hồi ức sống động y như thực) có liên quan đến chuyến vượt biên từ ba mươi năm trước. Cùng lúc bà X bỗng trở nên âu lo, buồn chán, lãnh đạm, hay nghi ngại, và mất hẳn niềm tin vào cuộc sống…”

Tôi liếc nhìn đồng hồ, ngưng ghi chép, và cho bà X cái hẹn tới. Tôi thường quên “khách hàng,” ngay sau khi họ bước ra khỏi cửa. Tôi cần khoảng trống cho những người kế tiếp, cũng như cho chính mình. Riêng chiều hôm đó, dù bà X đã ra về từ lâu, tôi vẫn cứ nghe (như) có tiếng sóng ở trong lòng…

Tôi chợt nhớ ra là mình cũng đã lênh đênh nhiều ngày trong vùng Vịnh Thái Lan, và cũng là nạn nhân của hải tặc. Thuyền của chúng tôi còn bị cướp cạn – vào lúc trời gần sáng, khi trôi giạt vào một làng chài – trước khi được cảnh sát đưa vào trại tị nạn Songkhla, ở miền Nam nước Thái.

Tôi tình nguyện làm xướng ngôn viên, một thời gian khá lâu, ở trại tị nạn này. Công việc hàng ngày chấm dứt đúng vào lúc 10 giờ tối, với thông báo (cuối cùng) của ban phát thanh:

“Đồng hồ của phòng thông tin chúng tôi bây giờ là 10 giờ tối, xin mọi người vui lòng trở về lô lều của mình, và điều chỉnh mọi âm thanh vừa đủ nghe để khỏi làm phiền người bên cạnh, đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi. Kính chúc đồng bào một đêm an lành và ngon giấc.”

Tôi luôn luôn cảm thấy (đôi chút) ngập ngừng, trước khi bắt đầu câu nói cuối cùng: “Kính chúc đồng bào một đêm an lành và ngon giấc.” Vào thời điểm đó, suốt cả thập niên 1980, không ai trong số hàng triệu người Việt ở khắp những trại tị nạn Á Châu (kể cả những đứa bé thơ) có được một giấc ngủ bình thường – nói chi đến chuyện “an lành” hay “ngon giấc”. Ác mộng của những kẻ hốt hoảng, bồng bế dắt díu nhau bỏ chạy khỏi quê hương, đều gần giống như nhau: bị săn đuổi, bắt bớ, đánh đập, hãm hiếp, bơ vơ, lạc lõng, đói khát giữa biển trời bao la, hay bị chìm đắm giữa đại dương giông bão…

Sau mộng mị, chúng tôi thường thức giấc giữa khuya – toát đẫm mồ hôi vì sợ hãi và mệt nhọc –  nằm định thần một lát rồi… thở phào nhẹ nhõm khi nhận ra rằng mình đã thoát, và (chỉ) vừa trải qua một giấc mơ thôi! Mộng dữ như thế thưa dần, với thời gian, rồi dứt hẳn nơi phần lớn những người tị nạn – sau khi cuộc sống của họ đã được ổn định nơi vùng đất mới.

Tiến trình này, tuy thế, không đồng nhất. Có một số người, thỉnh thoảng, vẫn cứ bị mộng mị và những hồi ức hãi hùng theo đuổi. Số ít hơn thì sống hoàn toàn bình thường và an lành, một thời gian khá lâu – hoặc rất lâu – rồi bỗng dưng lại bị ám ảnh bởi những hồi tưởng hay những cơn ác mộng (có liên hệ đến những chuyện khủng khiếp) mà họ đã trải qua.

Trường hợp sau, theo cẩm nang của khoa tâm thần học [DSM – IV – TR (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder, Fourth Edition. Text Revision) Washington, DC, American Psychiatric Association, 2000] có tên gọi là hội chứng Post Traumatic Stress Disorder With Delay Onset. Xin tạm dịch là “hội chứng hậu chấn thương tâm lý phát chậm.” Tôi nghi ngại là bà X rơi vào trường hợp cuối này.

Trong lần hẹn kế tiếp, bà X bớt dè dặt hơn, và khóc nhiều lần khi nhắc đến người chị (vẫn biệt vô âm tín) với niềm ân hận về sự vô tâm của mình, suốt ba mươi năm qua. Cho đến nay, vẫn không thể nào biết được có bao nhiêu thuyền nhân đã bị lâm vào hoàn cảnh (thương tâm) tương tự như thế.

Ngay vào đầu thập niên 90, khi cuộc sống mới vừa tạm ổn định, người Việt tị nạn đã thực hiện một “project” nhỏ, lấy tên là “Xin đừng quên tôi (Forget – Me – Not).” Nhóm chủ trương tin là “có nhiều bằng chứng cho thấy rằng một số thiếu nữ Việt nam bị bắt cóc trước đây hiện đang sinh sống đâu đó tại Thái Lan, Singapore và tại các vùng biên giới Mã Lai.” Do đó, họ cho phổ biến khắp nơi một lời nhắn ngắn:

“Ai có tin tức liên quan đến các cô gái bị hải tặc bắt cóc xin liên lạc với Vietnam & The World Foundation, P.O.Box 4108, Hungtington Beach, CA 92605, USA.”

Và gần đây, người ta đọc được mẩu nhắn tin “Xin giúp tìm bé Bích Hằng”:

“Khẩn cầu và xin các bạn giúp người cha và gia đình tìm lại đứa con gái bị cướp biển Thái Lan bắt và thất lạc lúc 14 tuổi, hơn 25 năm, từ 1984 đến nay. Muôn ngàn đa tạ và muôn đời mang ơn các bạn (*)

Cuối thế kỷ trước, có người đã hỏi (khó) Phạm Văn Đồng như sau:

“Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về sự kiện thuyền nhân hồi 1975, nhất là hồi 1978, 1979… Về nguyên nhân và trách nhiệm trong những sự kiện ấy, với những hiện tượng bán bãi thu vàng và khá nhiều tầu, thuyền bị hải tặc bão tố và chìm trong đại dương… Là người đứng đầu chính phủ, một trong những người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản, Thủ tướng nhìn nhận ra sao trách nhiệm của mình trong cuộc di dân rộng lớn và bi thảm ấy?” (Bùi Tín, “Hai câu hỏi cần trả lời rõ ràng trước khi thế kỷ 20 khép lại,” Cánh Én, Feb. 1999).

Thế kỷ XX đã khép lại. Phạm Văn Đồng đã lìa đời. Tuy thế, ác mộng vẫn không ngừng quấy nhiễu bà X, song thân của bé Hằng, cùng không biết bao nhiêu thuyền nhân khác nữa vì họ (không may) đã trải qua “cuộc di dân rộng lớn và bi thảm ấy.”

Và thế kỷ mới, thế kỷ XXI, đã bắt đầu với… những thuyền nhân mới! Tuy có tên gọi là nouveaux boat people nhưng họ không di chuyển bằng thuyền.

Trong cuộc hành trình dài bằng phần nửa vòng trái đất, họ thường bám trên các xe vận tải hạng nặng xuyên qua Châu Âu. Trốn trong những thùng chứa hàng trong xe, họ phải ép xác, có khi chịu đựng không ăn uống trong nhiều ngày…“

“Năm ngoái, hải quan Pháp đã khám phá được mười mấy xác chết người Á Châu vì ngộp ở trong xe hàng, không biết có phải là Việt Nam không. Ngày nay hải quan ở Calais và ở Douvres có một phương pháp khoa học hơn, là đo lượng khí cac-bô-nic (CO2) thải ra để biết trong xe có người hay không…”

“Những mẩu chuyện xót xa thực sự trên phải ghép lại thành một cuốn phim dài, thật dài, mới nói hết những gì trong tâm tư họ và những gì đã xảy ra ở Việt Nam sau hơn ba mươi năm hòa bình và thống nhất đất nước…” (Phương Vũ Võ Tam Anh, “Người Việt khốn khổ tại Paris”).

“Ba mươi năm hòa bình và thống nhất đất nước”, xét một cách khách quan, đã mang lại nhiều đổi thay tích cực (rất đáng kể) cho những thuyền nhân mới. Họ ra đi có tổ chức, và trật tự hơn. Họ không còn bị những lời mắng nhiếc, rủa xả tàn tệ (“đồ ma cô đĩ điếm, trây lười lao động, chạy theo bơ thừa sữa cặn, ôm chân đế quốc…”) tới tấp ném theo sau, như đám thuyền nhân cũ. Cũng không còn chuyện bán bến thu vàng, một cách bừa bãi, như trước nữa.

Nam & nữ thuyền nhân mới.

“Một thành viên người Việt lao động cho biết hiện trong nước có nhiều những ngân hàng quảng cáo thế chấp và cho vay để đi lao động nước ngoài như Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương, Ngân hàng Quân Đội v.v.” (Huỳnh Tâm, “Dịch vụ xuất khẩu lao động theo kiểu Việt Nam ta”).

Cách ra đi tuy khác nhưng lối đi thì không khác mấy. Lối nào thì cũng gặp những gian truân và tai hoạ y hệt như nhau. Bị trấn lột và hãm hiếp giữa đường là lẽ thường tình – vẫn theo như tường thuật của ký giả Huỳnh Tâm, trong bài phóng sự kế tiếp (thực hiện vào 10 tháng 12 năm 2009) tại rừng Grande Synthe:

“Cộng đồng người Czech, Afghanistan và Iraq trong khu rừng này là những nhóm nhập cư bất hợp vào vào đất Pháp từ lâu đời nhưng không thành công trên đường nhập cư vào Anh Quốc nên xoay qua tống tiền những người đồng cảnh ngộ để kiếm sống, nạn nhân những người Việt Nam khốn khổ. Những đám thổ phỉ này gặp người Việt Nam như trúng số lớn, họ trấn lột người Việt bằng cách đếm đầu người rồi buộc nộp mãi lộ. Những phụ nữ Việt không may bị họ bắt giữ ban ngày khi băng qua rừng một mình phải chịu hình phạt giải quyết sinh lý. Ai chống lại họ sẽ bị đàn áp dã man.”

Những thuyền nhân mới không chỉ xuất hiện ở những cánh rừng Âu Châu. Họ có mặt ở nhiều nơi, và bị xa lánh hay ngược đãi ở khắp mọi nơi. Nhân loại, xem chừng, đã oải. Người ta không thể tiếp tục mở rộng vòng tay đón chào những kẻ khốn cùng, những người rơm (không vốn liếng, không ngoại ngữ, không nghề nghiệp, không cả một mảnh giấy tùy thân) cứ đến mãi từ một xứ sở… Độc lập – Tự do – Hạnh phúc!

Trâu chậm uống nước đục. Vì đến chậm nên những thuyền nhân mới đi lấy chồng xa nhưng không được ở nhà chồng mà phải sống trong nhà thổ, hay chỉ được sống chui (vĩnh viễn) ở quê chồng.

Vì đến chậm nên những thuyền nhân mới (muốn trở thành công nhân xuất khẩu lao động) phải nộp tiền mãi lộ mới được rời khỏi quê hương, và bị quỵt lương ở xứ người với thái độ dửng dưng của tất cả các sứ quán của nước CHXHCNVN.

Vì đến chậm nên những thuyền nhân mới (tuổi vị thành niên) thay vì được Cao Ủy Tị Nạn tìm cho một cơ quan bảo trợ, đã trở thành những “món đồ chơi” ở những nơi gọi là “Mecca for paedophiles” (Thánh  địa ấu dâm) cho thiên hạ mua vui.

Theo Tuổi Trẻ Online, hôm 22 tháng 2 năm 2010, hiện nay “cả nước có 255 địa bàn trọng điểm, 89 tuyến trọng điểm về buôn bán phụ nữ và trẻ em. Đó là kết quả điều tra cơ bản, rà soát của công an các địa phương vừa được văn phòng thường trực Chương trình Quốc gia Phòng chống Buôn bán Phụ nữ, Trẻ em thống kê.

Theo đó, tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em diễn ra trên cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Trong đó, buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc chiếm khoảng 65% tổng số vụ. Các nạn nhân thường bị bán với mục đích làm gái mại dâm, lấy chồng hoặc bóc lột sức lao động. Có một số trường hợp bị bán để lấy nội tạng…”

Ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từ trần nhưng những người kế nhiệm thì chưa. Những vị này đều đã (và sẽ) có thể hạ cánh an toàn với khối tài sản kếch xù dành cho chính mình, cũng như cho thân nhân, và dòng họ. Tuy nhiên, tội ác chất chồng của họ thì vẫn được dân tộc Việt ghi nhận cẩn thận và (chắc chắn) sẽ không bao giờ bị lãng quên.

 Tưởng Năng Tiến – 2010

Chú thích

(*) Bé Bích Hằng bị thất lạc từ năm 1984 cho đến nay. Lúc mới sanh,  bé có mang một đóm nâu trên đùi chân phải (a brown birth mark on top of right thigh). Nếu Bích Hằng còn sống thì năm nay được khoảng 39 tuổi. Bị cướp Thái Lan bắt khi vượt biên, lúc 14 tuổi. Địa chỉ liên lạc: Email: chatimcon@gmail.com.

Mobile Number: 714 487 4241
Other: 714 839 1587