Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nhờ BRI, Xiaomi nhảy vọt lên vị trí thứ hai thị phần toàn cầu

Nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi, công ty được Chính phủ Biden đưa ra khỏi danh sách đen vào tháng 5 vừa qua, đã trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới trong quý 2 năm 2021, vượt qua Huawei trong nước và Apple trên toàn cầu. Có được kết quả này là nhờ hãng này mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi nằm trong danh sách đen các công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc. (Hình Getty)

Theo một báo cáo ngày 15/07 của công ty nghiên cứu thị trường Canalys Research, Samsung đứng đầu với 19%, Xiaomi thứ hai với 17% và Apple thứ ba với 14% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu trong quý 2 năm nay. Hai thương hiệu Trung Quốc khác là Vivo và OPPO lần lượt xếp thứ 4 và 5.

Xiaomi đang mở rộng nhanh chóng ở Mỹ Latinh, Phi Châu và Tây Âu, với số lượng xuất xưởng lần lượt tăng 300%, 150% và 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giám đốc nghiên cứu của Canalys, ông Ben Stanton, Xiaomi đã áp dụng mức giá thấp hơn 40% so với Samsung để thu hút nhiều khách hàng hơn, với hy vọng một ngày nào đó sẽ thay thế Samsung trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất thế giới.

Dưới thời chính quyèn Tổng thống Trump, Xiaomi được xác định là có quan hệ mật thiết với quân đội của ĐCSTQ và đã bị Bộ Quốc phòng đưa vào danh sách đen vào ngày 14/01/2021.

Xiaomi nằm trong số 44 công ty được Lầu Năm Góc dán nhãn là “Các công ty quân sự của ĐCSTQ”.

Tuy nhiên, chính phủ Biden đã chính thức loại bỏ Xiaomi khỏi danh sách này vào ngày 12/05.

Trong khi đó, Huawei – đối thủ lớn nhất trong nước của Xiaomi – vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm vận này, điều này đã tạo cơ hội cho Xiaomi lấp đầy thị phần mà Huawei bỏ trống.

Ở Trung Quốc, việc ĐCSTQ yêu cầu các công ty công nghệ lớn hợp tác với quân đội không còn là bí mật nữa.

Vào năm 2019, tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng “Sự đổi mới hiệp đồng của khoa học và công nghệ quân sự và dân sự phải dựa trên sự tích hợp. Để nâng cao đáng kể sức mạnh đổi mới của đất nước, chúng ta phải phá vỡ sự chia rẽ quân sự-dân sự và hiện thực hóa sự kết hợp sâu sắc giữa 2 lĩnh vực này”.

Ông Keith Krach, một người kỳ cựu ở Thung lũng Silicon và là cựu thứ trưởng về Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Hoa Kỳ, nói rằng chính quyền Biden nên tiếp tục lệnh cấm đối với các công ty Trung Quốc như Xiaomi và đoàn kết các đối tác chiến lược toàn cầu để chống lại các công ty Trung Quốc trong vấn đề an ninh mạng.

Ông Krach nói: “Tổng Bí thư Tập sử dụng các công ty được quân đội hậu thuẫn như Baidu, Tencent, Alibaba và Xiaomi để tăng cường ảnh hưởng của ĐCSTQ. Trong khi đó, họ lại bỏ qua các tiêu chuẩn an ninh công nghệ toàn cầu một cách nguy hiểm”.

Ngoài ra, sự phát triển của Xiaomi cũng được tận dụng cho chiến lược mở rộng toàn cầu của ĐCSTQ thông qua BRI.

Trở lại năm 2018, ông Lei Jun, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Xiaomi, nói với các nhà báo Trung Quốc và nước ngoài tại Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện của ĐCSTQ rằng: Xiaomi hy vọng sẽ nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài thông qua BRI.

Với tư cách là đại biểu của cơ quan lập pháp danh nghĩa của ĐCSTQ, ông Lei đã đề xuất sự phát triển của các ngành công nghiệp không gian thương mại và Internet vệ tinh tại các cuộc họp vào năm 2019 và 2020. Cả hai đều là những ngành phát triển then chốt do ĐCSTQ kiểm soát. (NTD)