Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

NHÂN DỊP KỶ NIỆM 30.04.1975: ÔN LẠI MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TRONG LỊCH SỬ TỊ NẠN VIỆT NAM TỪ 1975

Lê Xuân Khoa

Tháng Tư 1975, sau khi chiến thắng Việt Nam Cộng hòa và kết thúc cuộc nội chiến 20 năm, cộng sản miền Bắc đã mau chóng giải tán Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam, đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và áp đặt chế độ độc tài toàn trị trên cả hai miền đất nước. Chính sách bóc lột và trả thù tàn ác của cộng sản đối với nhân dân miền Nam là nguyên nhân chính đã khiến trên hai triệu dân phải bỏ hết tài sản và sự nghiệp để chạy ra nước ngoài cũng trong 20 năm liên tiếp với khoảng 300,000 người thiệt mạng trên đường mạo hiểm tim kiếm tự do.

Theo các con số của Liên Hiệp Quốc, cho tới khi quốc tế chính thức chấm dứt chương trình tị nạn Việt Nam năm 1995, tổng số người ra đi lên tới 2,164,000 người, liệt kê theo từng loại như dưới đây:

Đợt 1 (cuối tháng Tư 1975) : 140,000

Đợt 2 (1975-1979) : 327,000

Đợt 3 (1980-1989) : 450,000

Đợt 4 (1990-1995) : 63,000

Số người gốc Hoa bị đẩy về Trung Quốc : 260,000

Chương trình ODP (1979-1995) : 624,000

Số người chết hay mất tích trên đường tị nạn : 300,000

Trong tổng số 2,164,000 kể trên, ngoài 140,000 người được chính phủ Mỹ di tản trong đợt đầu và 624,000 đi theo diện ODP, có khoảng 840,000 người đã vượt thoát bằng đường biển hay đường bộ trong ba đợt sau tới các trại tạm trú ở Hong Kong và một số quốc gia Đông Nam Á. Trong số này, 750,000 được nhận định cư tại Mỹ và các nước khác. Như vậy, số người không được công nhận là tị nạn và bị kẹt lại ở các nước tạm dung (first asylum countries) là 90,000, nhưng trên thực tế năm 1995 chỉ còn lại khoảng 40,000. Điều đó cho thấy là trong sáu năm từ Hội nghị quốc tế Geneva lần thứ 2 về tị nạn Đông Dương (1989) đến năm Liên Hiệp Quốc chính thức chấm dứt các chương trình tị nạn (1995), đã có khoảng 50,000 người hồi hương do tình nguyện hay bị cưỡng bách. Số 40,000 còn lại phải tiếp tục trở về nước, hầu hết bị cưỡng bách hay không chống đối (non-objectors), trước khi trại tị nạn cuối cùng được đóng cửa năm 1997.

So với các nhóm tị nạn và di dân tới Mỹ và các nước khác trong thế kỷ 20, lịch sử người Việt gốc tị nạn[1] có it nhất năm đặc điểm:

1. Việt Nam có số dân tị nạn bỏ nước ra đi đông nhất và phải trải qua những tình trạng bi thảm nhất thế giới trong thế kỷ 20 với số người bỏ mình trên đường tìm tự do lên tới khoảng 300,000 người.

2. Các chính sách và chương trình định cư tị nạn Việt Nam ở Mỹ phức tạp nhất gồm nhiều tên gọi khác nhau: Bốc Trẻ Mồ côi (baby lift), Trẻ em lai (Amerasians), Trẻ em Không Người đi kèm (unaccompanied minors), Ra đi Trật tự (ODP) gồm các diện: đoàn tụ gia đình, tù cải tạo (H.O và ROVR), nhân viên chính phủ Mỹ (U11), và nhân viên các hãng tư cùa Mỹ (V11).

3. Chính nghĩa của người tị nạn, chỉ ít năm sau khi định cư ở nước ngoài, đã được chính các lãnh đạo Đảng và Nhà nước CSVN nhìn nhận và kêu gọi “khúc ruột xa ngàn dặm” trở về hợp tác thay vì lên án và nguyền rủa như trong những năm đầu.

4. Người tị nạn có tiếng nói và vai trò ảnh hưởng tới các chính sách chấp nhận và định cư tị nạn, tham gia các hoạt động cứu vớt và bảo vệ thuyền nhân, và cuối cùng đã thật sự giúp cho Hoa Kỳ và quốc tế giải quyết vấn đề tị nạn được công bằng và nhân đạo.

5. Khi trở thành công dân của quốc gia định cư, người cựu tị nạn lại có vai trò quan trọng trong các quan hệ giữa quê hương mới và quê hương gốc, trên cả hai bình diện chính quyền và dân sự.

Qua hàng trăm cuốn sách về tị nạn Việt Nam, hầu hết các tác giả Việt Nam và ngoại quốc đã trình bày rất đầy đủ về những sai lầm và tội ác của cộng sản và những cuộc vượt thoát gian nan bi thảm của người tị nạn. Mặt khác, lịch sử tị nạn cũng cho thấy khả năng hội nhập mau chóng của người Việt Nam vào xã hội dòng chính và họ đã tạo được nhiều thành tích đáng kể trên các lãnh vực kinh tế, khoa học, nghệ thuật và ngay cả chính trị. Tuy nhiên, dường như chưa có tác giả nào làm nổi bật chính nghĩa tị nạn như được nêu ra trong điểm số 3 trên đây, là đặc điểm then chốt giúp cho người tị nạn chuyển bại thành thắng, khôi phục những giá trị của tự do, dân chủ trước sự suy đồi của chủ nghĩa cộng sản. Cho đến nay, chính nghĩa ấy mới chỉ được hàm ngụ gián tiếp trong những lời tố cáo những hành động chiếm đoạt và trả thù tàn nhẫn của cộng sản đối với nhân dân miền Nam để giải thích nguyên nhân tị nạn. Điểm số 4 cho thấy ảnh hưởng tích cực của công dân Mỹ gốc tị nạn đối với các nhà làm chính sách trong những cuộc vận động cứu trợ và định cư tị nạn. Đáng tiếc là giữa những tổ chức cộng đồng có những vụ công kích nhau chỉ vì nghi ngờ hay ngộ nhận về cách làm việc khác nhau nhưng cùng chung mục đích, tệ hại nhất là những trường hợp tung tin thất thiệt hay trình bày sự kiện sai lạc chỉ cốt đạt được lợi ích cá nhân. Điểm số 5 liên quan đến tình hình chính trị phức tạp ở Việt Nam về cả hai mặt đối nội và đối ngoại từ sau 1995 đến nay, có ảnh hưởng tới quan hệ giữa người Việt Nam ở nước ngoài với chính quyền và nhân dân trong nước. Lý do vì từ sau 1995, cộng đồng người Việt hải ngoại không chỉ có thêm người tị nạn chính trị, do tự ý hay bị trục xuất, mà còn có số đông là di dân trong đó có không ít thân nhân xa gần của đảng viên cộng sản cao cấp hòa nhập vào cộng đồng cựu tị nạn nhưng cũng đang làm biến đổi các quan hệ giữa trong và ngoài nước.

Trong phạm vi của một bài viết nhân dịp kỷ niệm lần thứ 45 ngày 30/4/1975, tôi không thể viết về tất cả 5 đặc điểm trong lịch sử tị nạn Việt Nam. Do đó, tôi sẽ chỉ ôn lại đặc điểm số 3 (chính nghĩa của tị nạn) và số 4 (tiếng nói và vai trò của người tị nạn) vì đây là hai điểm quan trọng chưa được chú ý đúng mức hay còn thiếu những thông tin cần được ghi nhận như những sự kiện lịch sử. Chính nghĩa tị nạn đã tạo cơ hội cho người tị nạn đóng góp đáng kể cho các chương trình cứu giúp, bảo vệ và định cư tị nạn, vận động thành công cho sự ra đời các đạo luật ủng hộ tị nạn, và đặc biệt là tham gia đắc lực vào các nỗ lực quốc tế giải quyết những cuộc khủng hoảng về thuyền nhân tị nạn kéo dài 20 năm ở Hong Kong và các nước ĐNÁ. Ngày nay, những công dân nước ngoài gốc Việt lại có vai trò đáng kể trong sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đặc biệt trước mối hiểm họa chung là Trung Cộng. Đây cũng là những quan tâm lớn đối với tất cả những di dân và công dân ngoại quốc gốc tị nạn Việt Nam.

CHÍNH NGHĨA CỦA TỊ NẠN VIỆT NAM

Như trên đã nói, hàng trăm ngàn trang sách, bài vở và vô số hình ảnh đã trình bày lịch sử tị nạn Việt Nam như một tấn thảm kịch về chính sách cướp đoạt và trả thù độc ác của cộng sản đối với nhân dân miền Nam, những cuộc vượt thoát vô cùng bi thảm của người tị nạn, đời sống khổ cực của họ trong các trại tạm trú, nhất là phản ứng tuyệt vọng của những người bị bác bỏ quyền tị nạn và bắt buộc phải hồi hương. Tấn thảm kịch 20 năm đó cần phải được ghi chép trung thực và đầy đủ để muôn đời sau còn lưu lại tên tuổi của những kẻ chịu trách nhiệm gây nên thảm họa không từng thấy trong lịch sử dân tộc.

Tuy nhiên, tị nạn Việt Nam không chỉ là một chuỗi dài bi kịch trong những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa và những câu chuyện thương tâm trong những cuộc hành trình gian khổ của người tị nạn. Đây cũng là lịch sử một cuộc ra đi có chính nghĩa của hàng triệu người Việt Nam phải rời bỏ quê hương, tài sản và sự nghiệp chỉ vì muốn thoát khỏi chế độ hà khắc của độc tài cộng sản. Chính nghĩa của cuộc ra đi không tiền khoáng hậu này đã được chứng tỏ bằng những khoản ngoại tệ (hay kiều hối) được chuyển về nước giúp cho thân nhân, bằng hữu hay đầu tư kinh doanh, những chương trình giúp đỡ nhân đạo và cải thiện xã hội đang thực hiện khắp nước của các tổ chức phi chính phủ, không kể số lượng nhân tài chưa thể trở về giúp cho Việt Nam mau chóng trở thành một quốc gia phát triển hàng đầu trong khu vực.

Đáng ghi nhớ là chính nghĩa này đã được chính các nhà lãnh đạo cộng sản công khai thừa nhận từ giữa thập kỷ 1980 khi họ bừng tỉnh trước tình hình suy sụp mau chóng của các nước cộng sản Đông Âu, do đó đã quyết định “đổi mới hay là chết”. Nhân dân miền Nam không còn bị lên án là “ngụy” hay “phản động” và người tị nạn cũng hết bị nguyền rủa là “ma cô, đĩ điếm”. Một chính sách mới về “Việt kiều” được thiết lập, xoay 180 độ sang ca ngợi cộng đồng người Việt hải ngoại bằng những cụm từ hoa mỹ như “khúc ruột ngàn dặm”, “nguồn nội lực quan trọng” hay “bộ phận không thể tách rời” của dân tộc. Về điểm này, tác giả bài này đã nhấn mạnh trong lời kết bài thuyết trình tại Đại học Columbia, New York, nhân dịp kỷ niệm 20 năm tị nạn Việt Nam: “Hai mươi năm trước, chúng ta là những kẻ thất trận trong thời chiến. Ngày nay, năm 1995, chúng ta đã vươn lên thành những người thắng cuộc trong thời bình.”[2] Đặc biệt hơn nữa là gần 20 năm sau, nhà báo Huy Đức nổi tiếng ở trong nước cũng thẳng thắn phát biểu trong lời mở đầu cuốn sách Bên Thắng Cuộc“Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc.”[3]

Chính nghĩa tị nạn 1975 càng sáng tỏ hơn sau khi hai quốc gia Việt, Mỹ thiết lập quan hệ bình thường năm 1995. Do sự tan rã của các nước cộng sản Đông Âu và Liên bang Xô-viết, cộng sản Việt Nam phải quay về núp bóng cộng sản Trung Quốc để duy trì chế độ nhưng không khỏi lo sợ nguy cơ đất nước bị Trung Quốc chiếm đoạt. Bởi vậy, Việt Nam cũng quyết định trông cậy vào sức mạnh kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ để có thể tồn tại độc lập và trở thành một quốc gia giàu mạnh và phát triển. Sự chuyển hướng chiến lược này đương nhiên nhìn nhận vai trò quan trọng của cộng đồng công dân Mỹ gốc Việt trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Điều này đã được những lãnh đạo cao cấp nhất ở Việt Nam long trọng xác nhận trong cả hai cuộc họp thượng đỉnh tại thủ đô Washington, DC, giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Trương Tấn Sang năm 2013 và với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015.

Ngày 25.7.2013, trong cuộc họp báo công bố bản Tuyên bố Chung, khi TT Obama khẳng định “nguồn sức mạnh giữa hai quốc gia là những công dân Mỹ gốc Việt sống ở Mỹ nhưng có nhiều ràng buộc chặt chẽ với Việt Nam, và những quan hệ giữa người dân trong và ngoài nước chính là chất keo sơn gắn bó sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước.” CT Trương Tấn Sang “cám ơn Hoa Kỳ đã giang tay đón nhận người Việt Nam tới định cư và nay họ đã trở thành công dân Mỹ đang đóng góp vào công cuộc phát triển chung của nước Mỹ.”

Ngày 7.7.2015, sau cuộc họp với TBT Nguyễn Phú Trọng, TT Obama lại cho giới truyền thông hay là khi đề cập đến những hoạt động hợp tác giữa người dân hai bên với nhau, TBT Trọng đã nhận định rằng “nước Mỹ có nhiều công dân gốc Việt và Việt kiều hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới và họ đã đóng góp lớn lao cho xứ sở này. Chúng tôi muốn mở rộng những trao đổi như vậy gồm cả những chương trình thông qua Đại học Fulbright đã được chấp thuận và sắp sửa khai mạc.” Tiếp theo, ông Trọng ngỏ lời chào mừng và thăm hỏi thân tình cộng đồng người Việt ở Mỹ, hi vọng rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ gia tăng hơn nữa.

Trong chuyến đi Mỹ lần này, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đề cao vai trò quan trọng của người Mỹ gốc Việt nhiều hơn CT Trương Tấn Sang hai năm trước. Ngoài phát biểu trong bản Tuyên bố chung, lần đầu tiên “nhìn nhận sự thành công của người Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều đóng góp của họ đối với sự phát triển của Việt Nam và Hoa Kỳ”, TBT Trọng còn có bài diễn văn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trong đó ông đã dùng những từ “đặc biệt” và “hết sức quan trọng” để nói về “cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Hoa Kỳ” mà ông định nghĩa chính xác và thân thiện là “công dân Hoa Kỳ và cũng là đồng bào của chúng tôi”. Dù lãnh đạo cộng sản nổi tiếng về nói dối và lợi dụng cơ hội, những lời phát biểu chính thức này cho thấy họ không phủ nhận được chính nghĩa yêu nước của người tị nạn.

Cũng cần nói thêm rằng chính nghĩa của người tị nạn không chỉ được chứng tỏ bằng tinh thần yêu chuộng dân chủ và nhân quyền mà các lãnh đạo cộng sản đã phải nhìn nhận, dù miễn cưỡng, như một sự khác biệt cần được tôn trọng. Chính nghĩa đó còn được thể hiện như một thông điệp của người tị nạn nhắc nhở Hoa Kỳ về trách nhiệm đối với Việt Nam Cộng Hòa, một cựu đồng minh đã phải hy sinh quá lớn về tài sản và nhân mạng trong vai trò “tiền đồn của thế giới tự do” trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Thông điệp này được gửi đi trong bản điều trần của IRAC trước Thượng Viện Mỹ ngày 22.9.1981. Khi đó, tác giả bài này đang là Phó Giám đốc Trung tâm Tác vụ về Tị nạn Đông Dương (Indochina Refugee Action Center, IRAC)[4] lần đầu tiên ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ. Đó cũng là lúc đang có một luồng dư luận trong giới chính trị gia bảo thủ cho rằng tị nạn Việt Nam chỉ là di dân kinh tế và nước Mỹ đã mệt mỏi tình thương (compassion fatigue). Bản điều trần của IRAC kịch liệt phản bác luận điệu sai lầm này, nhấn mạnh rằng trong suốt hai ngàn năm lịch sử, đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ đói kém hay loạn lạc, nhưng chưa bao giờ nhân dân Việt Nam rời bỏ quê hương ra sinh sống tại nước ngoài cho đến khi bị cai trị bởi chế độ độc tài cộng sản. Sau khi chứng minh chính nghĩa của tị nạn Việt Nam và triển vọng đóng góp cho xã hội Hoa Kỳ, tác giả kết luận bài điều trần bằng một sự kiện đau thương nhằm thức tỉnh lương tâm các nhà lãnh đạo Mỹ: “Xin đừng để các dân tộc trên thế giới phải đồng tình với cố thủ tướng Cam-bốt Sirik Matak khi ổng viết những dòng chữ cuối cùng cho Đại sứ Mỹ, từ chối sang Mỹ tị nạn và chấp nhận bị Khmer Đỏ sát hại. Ông viết: ‘Lỗi lầm duy nhất của chúng tôi là đã đặt niềm tin vào nước Mỹ’. Xin hãy tiếp tục duy trì truyền thống bày tỏ tình đoàn kết và lòng quảng đại của nước Mỹ đối với những nạn nhân của chế độ bạo tàn. Là một quốc gia và một nền kinh tế thịnh vượng, Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ không bao giờ phải hối tiếc về sự mở vòng tay đón nhận “những người đang khao khát được hít thở không khí tự do.” [5]

Chủ tọa buổi điều trần là Thượng nghị sĩ Alan K. Simpson (R-Wyoming) lập tức nhận định rằng đây là “một bài thuyết trình đầy sức mạnh” (a very powerful presentation).[6] Từ đó, ông có thái độ cởi mở hơn đối với người tị nạn từ ba nước Đông Dương.

TIẾNG NÓI VÀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI TỊ NẠN

Ngoài việc thể hiện chính nghĩa yêu nước theo lý tưởng quốc gia, chống lại chủ nghĩa và chế độ độc tài cộng sản, những người tị nạn may mắn định cư ở những nước dân chủ đã sớm góp phần đáng kể vào các nỗ lực quốc tế cứu vớt người vượt biển, chống nạn hải tặc, giúp đỡ tị nạn còn kẹt trong các trại tạm trú. Khi thuyền tị nạn bị đẩy ra khơi, họ đã lên tiếng vận động các nước giải quyết những cuộc khủng hoảng về tình trạng tị nạn tạm trú và được chấp thuận định cư. Vì không đủ thông tin và dữ kiện về tình hình tị nạn ở các nước, tác giả sẽ chỉ viết về lịch sử người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ với giả định là vấn đề tị nạn Việt Nam trên thế giới về cơ bản có nhiều điểm giống nhau mà Hoa Kỳ là điển hình về mọi mặt. Ngoài ra, do những điều kiện thuận lợi của cá nhân và tổ chức do mình chịu trách nhiệm, đã đến lúc người viết phải nhắc đến những kinh nghiệm bản thân trong các nỗ lực chung của nhiều cá nhân và tổ chức trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Nhờ được đào tạo về sư phạm và nghiên cứu, người viết luôn cố gắng giữ thái độ khách quan, khoa học, tường thuật và nhận định trong tinh thần tôn trọng sự kiện có thật hay có nguồn dẫn chứng cụ thể. Lịch sử tị nạn là một phần của lịch sử Việt Nam, của Hoa Kỳ và các nước định cư, do đó cần phải được ghi chép chính xác và đầy đủ hầu tránh được những thiếu sót hay ngộ nhận, nhất là những sự kiện quan trọng đã bị vô tình hay cố ý trình bày sai sự thật về các hoạt động bảo vệ người tị nạn đã diễn ra mấy chục năm về trước.

Cuộc tị nạn bi thảm nhất thế kỷ 20 của thuyền nhân Việt Nam đã gây chấn động thế giới và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã hai lần phải triệu tập hội nghị quốc tế tại Geneva, lần đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng về tị nạn tạm trú khi thuyền nhân Việt Nam bị các nước ĐNÁ xua đuổi (1979), và lần thứ hai để tìm kiếm giải pháp tốt nhất có thể chấm dứt những cuộc ra đi cực kỳ nguy hiểm (1989). Như trên đã nói, người tị nạn và công dân Mỹ gốc Việt đã có tiếng nói và vai trò đáng kể trong cuộc vận động Hoa Kỳ và quốc tế ngay từ sau hội nghị Geneva lần đầu, sôi nổi nhất là những hoạt động trong thập kỷ 1980 dẫn tới hội nghị Geneva lần thứ hai, và cuối cùng đã giúp quốc tế khai thông được tình trạng bế tắc của Kế hoạch Hành động Toàn diện (CPA). Điều này cũng cho thấy giải pháp thật sự cho vấn đề tị nạn Việt Nam là giải pháp chính trị, tức là thỏa hiệp bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam năm 1995. Sau đó, cộng đồng Mỹ gốc Việt vẫn không ngừng vận động định cư cho những người tị nạn còn sót lại ở Hong Kong và Phi-líp-pin, và những người đối kháng chế độ bỏ chạy sang Thái Lan.

Những hoạt động của người Mỹ gốc Việt tị nạn, từ công tác cứu giúp và bảo vệ thuyền nhân, cung cấp các dịch vụ định cư đến những cuộc vận động chính phủ Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và các quốc gia tạm dung trong mấy chục năm qua rất đa dạng và đem lại nhiều kinh nghiệm thực tế cho những nhà làm chính sách trước những đợt di dân và tị nạn càng ngày càng gia tăng trên thế giới. Rất nhiều đóng góp của người gốc tị nạn trước và sau 1995, như Ủy ban Báo nguy Giúp Người Vượt Biển (BPSOS) của GS Nguyễn Hữu Xương ở San Diego[7] hợp tác với các con tàu nhân đạo quốc tế cứu vớt và giúp định cư được trên 3,000 thuyền nhân, cuộc vận động định cư tù cải tạo rất thành công của Hội Gia đình Tù nhân Chính trị và các Hội Cựu Tù nhân Chính trị, Hội nghị 14 quốc gia về Khủng hoảng Tị nạn Tạm trú do IRAC tổ chức tại Washington DC năm 1988 dọn đường cho Hội nghị quốc tế Geneva lần thứ hai, cuộc vận động của VOICE giúp cho 2,000 người tị nạn còn sót lại ở Phi-líp-pin trong tình trạng không hoàn toàn hợp pháp được định cư Mỹ, 300 tại Canada (phối hợp với Liên hội người Việt Canada), và 200 người tại Na Uy. Tất cả những đóng góp này cùng nhiều hoạt động đáng kể khác là những dấu mốc lịch sử trên chặng đường dài cứu trợ, bảo vệ và tìm kiếm giải pháp nhân đạo cho thảm kịch tị nạn Việt Nam (1979-1995). Trong khung cảnh giới hạn của một bài báo, tác giả chỉ có thể chú trọng vào một số trường hợp điển hình trong đó có những thông tin ít được biết đến hoặc đương thời không thể đưa ra công khai, do đó có sự kiện đã gây dư luận nghi ngờ hay chống đối vì ngộ nhận. Trong giới hạn đó, tác giả rút ra một phần nội dung của bản thảo cuốn sách chưa hoàn tất, thu gọn thành một bài viết có chủ đề riêng để làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử mà đáng lẽ phải viết ra từ lâu. Dưới đây là bốn dấu mốc điển hình cho sự tham gia đắc lực của người tị nạn vào việc giải quyết các vấn đề tị nạn:

1. Phái đoàn tị nạn đi thăm các trại tạm trú

Tại hội nghị Geneva lần đầu năm 1979, nhờ Hoa Kỳ và các nước định cư quyết định gia tăng số tị nạn Việt Nam được chấp thuận định cư, các nước tạm dung ở Đông Nam Á đồng ý ngưng các biện pháp xua đuổi thuyền nhân và tiếp tục cho phép họ cập bến và nhập trại tạm trú. Tuy nhiên, sang thập kỷ 1980, số người tị nạn đường biển và đường bộ tới các trại tị nạn tăng lên gấp bội so với số người được đưa đi các nước định cư, do đó cuộc khủng hoảng tạm trú (first asylum crisis) lại bùng phát trầm trọng hơn lần trước, nhất là tại Hong Kong là nơi có nhiều người tị nạn từ Bắc Việt. Các nước cho tị nạn tạm trú ra tuyên bố chung chống thuyền nhân tị nạn. Nhiều con thuyền mong manh chở đầy người tị nạn bị đẩy ra khơi làm nhiều người chết chìm trong khi những người ở các trại tạm trú bị đối xử cực kỳ vô nhân đạo để làm nản lòng những người muốn ra đi.

Trước tình hình nguy hiểm ấy, Trung tâm IRAC lập một phái đoàn cựu tị nạn đi thăm tận nơi các trại tị nạn tạm trú ở Hong Kong và Đông Nam Á để tìm cách giúp giải quyết cuộc khủng hoảng. Chuyến đi này là bước đầu cần thiết để các đại diện tị nạn có cơ hội trực tiếp vận động những nhà làm chính sách ở các nước tạm dung, gây được sự nể trọng và tin cậy của họ. Được sự can thiệp của Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ, lần đầu tiên một phái đoàn tị nạn được đại diện các quốc gia tạm dung chính thức tiếp đón, cho phép đi thăm các trại và phỏng vấn người tị nạn, sau hết là trao đổi ý kiến về những điều mà các bên liên quan, kể cả cộng đồng người Việt hải ngoại, có thể thực hiện để cải thiện đời sống trong các trại tạm trú, giảm bớt gánh nặng cho các nước tạm dung và góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn. Khi trở về Washington DC, phái đoàn IRAC đã mở một cuộc họp báo tại Thượng viện Hoa Kỳ do hai Thượng nghị sĩ Mark Hatfield (CH, Oregon) và Claiborne Pell (DC, Rhode Island) đồng bảo trợ. Ngoài việc báo cáo tình hình khổ cực và thiếu an ninh của người tị nạn, và đề nghị các biện pháp cải thiện cuộc sống trong các trại, phái đoàn kêu gọi LHQ triệu tập khẩn cấp hội nghị quốc tế lần thứ hai để giải quyết toàn diện các vấn đề trước mắt và lâu dài. Đại diện báo giới quốc tế, nhất là các nước cho tị nạn tạm trú, đều có mặt vả gừi bài về trong nước của họ. Có lẽ bài tường thuật rành mạch và đầy đủ nhất là bài của nhà báo kỳ cựu Don Oberdorfer trên tờ Washington Post ngày 3/3/1987 nhấn mạnh lời tuyên bố của trưởng đoàn IRAC: “Chúng tôi (người tị nạn) vẫn bị coi là một vấn đề cần giải quyết. Nay chúng tôi nhất định sẽ góp phần vào giải pháp.”

Bài báo trên Washington Post về buổi họp báo của GS Lê Xuân Khoa tại Thượng Viện, 3/3/1987

Chỉ vài tháng sau, TNS Hatfield (CH, Oregon) trình dự luật S.814 tại Thượng viện mang tên “Luật 1987 về Giúp đỡ và Bảo vệ Tị nạn Đông Dương” và DB Chet Atkins (DC, Massachussets) đưa dự luật tương tự H.R. 1940 ra Hạ viện. Một chiến dịch đại vận động các nghị sĩ và dân biểu Quốc Hội do IRAC cùng với các hội đoàn tị nạn thực hiện đồng loạt trên khắp các tiểu bang. Kết quả là Dự luật Hatfield-Atkins được lưỡng viện Quốc hội thông qua và Tổng thống Reagan hoàn toàn đồng ý và ký lệnh ban hành ngày 22.11.1987. Trong một lá thư gửi Giám đốc IRAC, TNS Hatfield cám ơn cuộc vận động thành công của người Mỹ gốc Việt và xác nhận chuyến đi thăm các trại tị nạn của phái đoàn IRAC hồi đầu năm đã gây ấn tượng tốt và tạo được đồng thuận giữa Chính phủ và Quốc hội.

2.  Tham dự Hội nghị Quốc tế Geneva 1989

Đáp lời kêu gọi của phái đoàn tị nạn sau chuyến đi thăm các trại tạm trú năm 1987 và được dọn đường bởi hội nghị 14 quốc gia do IRAC tổ chức tại Washington DC năm 1988, Tổng Thư Ký LHQ chỉ thị cho UNHCR xúc tiến chuẩn bị Hội nghị Quốc tế về Tị nạn Đông Dương lần II tại Geneva vào tháng Sáu 1989. Một Nhóm Công tác Liên Chính phủ (Intergovernmental Working Group) được thành lập để soạn thảo Kế hoạch Hành động Toàn diện (Comprehensive Plan of Action, CPA) nhằm giải quyết trọn vẹn vấn đề tị nạn Việt Nam trong vòng ba năm. Dù không phải là thành viên của Nhóm Công tác, IRAC được UNHCR chia sẻ các tài liệu làm việc của Nhóm để tham khảo ý kiến trong suốt thời gian chuẩn bị hội nghị. Những nhận định và đề nghị của IRAC được Sergio Vieira de Mello, Giám đốc Phối trí Nhóm Công tác Liên Chính phủ đánh giá rất cao trong thư gửi cho Chủ tịch IRAC ngày 11 tháng 4, 1988, vì đã “chú trọng vào nhiều lãnh vực then chốt được UNHCR đặc biệt quan tâm và nỗ lực làm cho Kế hoạch Hành động Toàn diện thể hiện mọi quyền của người xin tạm trú và tị nạn.” Tháng Chín 1988, IRAC cử Luật sư cố vấn Janelle Diller sang Hong Kong tìm hiểu tình hình các trại tị nạn và hoàn tất bản báo cáo 150 trang về tình trạng thanh lọc, điều kiện sinh sống của người tị nạn và đưa ra những đề nghị cải thiện thích hợp.[8] IRAC đúc kết các ý kiến thành một bản nhận định và đề nghị toàn diện về chế độ thanh lọc, ra đi trật tự, hồi hương tình nguyện và định cư tị nạn. Bản nhận định 25 trang này, sau khi hoàn chỉnh với sự góp ý của nhiều hội đoàn, được in thành tài liệu chính thức mang tên “Tiến đến những Giải pháp Nhân đạo và Lâu bền cho vấn đề Tị nạn Đông Dương” (Towards Humane and Durable Solutions to the Indochinese Refugee Problem) gửi cho Ủy ban Phối hợp Hội nghị Quốc tế tại Geneva xem xét trong những phiên họp chuẩn bị cuối cùng 22-26 tháng Năm, 1988. Tài liệu này có chữ ký của trên 200 hội đoàn tị nạn Đông Dương từ Hoa Kỳ, Canada, Pháp và Úc.

Hội nghị Geneva diễn ra trong hai ngày 13-14 tháng Sáu 1988 với sự tham dự của đại diện 76 quốc gia. Chủ tịch IRAC được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời tham gia phái đoàn Chính phủ Mỹ nhưng quyết định dự hội nghị với tư cách một NGO để có thể tự do nói lên quan điểm của người tị nạn. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị của IRAC vẫn có một đại diện người Hmong trong phái đoàn Hoa Kỳ.

Ngay trong ngày đầu hội nghị, phái viên đài truyền hình BBC đã phỏng vấn chủ tịch IRAC trong khuôn viên trụ sở LHQ. IRAC cũng phối hợp với một số đại diện hội đoàn người Việt ở Thụy Sĩ và Pháp để phân phát cho các tham dự viên quốc tế bàn Tuyên bố 1 trang của IRAC nhan đề “Tiếng nói của Tị nạn tại Hội nghị Quốc tế” kèm theo bản nhận định 25 trang đã gửi tới Geneva từ tháng trước. Bản Tuyên bố bày tỏ sự quan tâm đặc biệt về hai vấn đề thanh lọc và hồi hương và nhấn mạnh vào nhu cầu giải quyết tận gốc vấn đề bỏ nước ra đi của người tị nạn.

Trước khi chấp thuận và công bố “Kế hoạch Hành động Toàn diện” (CPA), Đại hội đã nghe bài phát biểu của 37 trưởng phái đoàn trong số 76 quốc gia tham dự. Hầu hết đều xác nhận Việt Nam là nguyên nhân gây khủng hoảng tị nạn. Lớn tiếng nhất là đại diện Trung Quốc, tố cáo “Việt Nam không chỉ gây ra thảm họa tị nạn của nhân dân Việt Nam mà luôn cả nhân dân Cam-bốt và Lào.” Ngoại trưởng Anh yêu cầu Việt Nam ngưng “xuất cảng dân chúng sang các nước khác” và phải “đồng ý – mau chóng đồng ý – nhận hồi hương tất cả những người không được nhìn nhận là tị nạn qua chương trình thanh lọc của các nước cho tị nạn tạm trú.” Trưởng đoàn Hoa Kỳ Jonathan Moore cùng chung với quan điểm của IRAC là “chừng nào Việt Nam còn duy trì những điều kiện khiến nhân dân phải bỏ nước ra đi, và cho đến khi nào trong nước có những cải thiện căn bản về kinh tế, xã hội và chính trị, Hoa Kỳ vẫn cương quyết chống lại việc cưỡng bách người tị nạn tam trú phải hồi hương.” Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch thì tuyên bố dứt khoát “Chúng tôi kiên quyết bác bỏ mọi hình thức áp đặt vì áp đặt là vi phạm bản Tuyên ngôn về Nhân quyền và sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.”

Như đã dự liệu, Kế hoạch CPA gặp nhiều trở ngại trong việc thực hiện do vấn đề thanh lọc bất công và biện pháp cưỡng bách hồi hương của các nước tạm dung, nhất là tại Hong Kong. Ngày 16/10/1989, IRAC gửi cho Ủy ban Điều hành CPA bản “Xét lại Kế hoạch CPA và Đề nghị Thi hành có Hiệu quả”. Ngày 17/11/1989, IRAC gửi thư cho Thủ tướng Anh Margaret Thatcher trước cuộc họp của Bà với Tổng thống George W.H. Bush tại Camp David ngày 24, thỉnh cầu trì hoãn quyết định hồi hương cưỡng bách tị nạn để cho UNHCR, các NGO quốc tế và cộng đồng người Việt hải ngoại cùng hoạch định chương trình hồi hương tình nguyện. Bà Thatcher không chấp thuận và ngày 11/12/1989, Hong Kong dùng bạo lực tống xuất 51 người về Việt Nam. Lập tức, cộng đồng Mỹ gốc Việt phản ứng bằng một chuỗi hoạt động tập trung vào việc chống cưỡng bách hồi hương:

· 13/12/1989, IRAC phối hợp với Nghị hội Người Việt ở Hoa Kỳ, Ủy ban Liên Tôn Bảo vệ Tị nạn và BPSOS huy động một cuộc biểu tình khổng lồ trước Đại sứ quán Anh phản đối chính sách phi nhân đạo của Chính phủ Hoàng gia Anh quốc. Trong buổi sáng cùng ngày, phóng viên James Naughtie của đài BBC đã phỏng vấn Chủ tịch IRAC về vấn đề tị nạn ở Hong Kong.

· 14/12/1989, chương trình Nightline của đài truyền hình ABC tổ chức một buổi tranh luận trưc tuyến qua vệ tinh giữa Chủ tịch IRAC Lê Xuân Khoa và Thống đốc Hong Kong Sir David Wilson về chính sách cưỡng bách hồi hương. Trước đó, GS Khoa đã có dịp gặp Thống đốc Wilson do sự giới thiệu của Bà Tuyết Nguyệt Markbreiter, công dân Anh và chủ nhiệm tạp chí Arts of Asia. Cuộc tranh luận do nhà điều khiển chương trình Forrest Sawyer làm điều hợp viên. Thống đốc Wilson gọi tị nạn Việt Nam là di dân kinh tế giống như dân nghèo Nam Mỹ tìm cách vượt qua biên giới để kiếm cơ hội sinh sống tốt hơn, bị GS Khoa bác bỏ khi ông chứng minh lập luận đó sai lầm vì thiếu hiểu biết. Thống đốc Wilson đồng ý với giải thích của GS Khoa và quay sang chỉ trích Chính phủ Mỹ hành động thiếu trách nhiệm trong việc thu nhận người tị nạn Việt Nam.

· 16/12/1989, nhật báo The Washington Post đăng bài “Forcible Repatriation: No Remedy” (Cưỡng bách hồi hương không phải là giải pháp) của Chủ tịch IRAC, với câu mở đầu mạnh mẽ: “Shame on British Prime Minister Margaret Thatcher!”.

Trước những phản ứng quyết liệt của cộng đồng người Việt và dư luận chỉ trích của thế giới, Bà Thatcher phải hoãn cưỡng bách hồi hương một tháng cho tới phiên họp sau của Ủy ban Điều hành CPA vào tháng Giêng 1990. Trong khi đó, Hà Nội đồng ý với quyết định của Hong Kong và Anh quốc trả US$620 chi phí hồi hương trên mỗi đầu người cộng với US$360 của UNHCR trợ cấp cho mỗi người hồi hương trong một chương trình mới được đặt tên là “Hồi Hương Trật Tự” (Orderly Return Program, ORP). Hoa Kỳ không phản dối chương trình này vì nó tương tự như sáng kiến “hồi hương không chống đối” (non-objection) của Ngoại trưởng Mỹ James Baker. Việc hồi hương, cưỡng bách hay không chống đối, chỉ còn là vấn đề thời gian trước mắt, và việc thi hành kế hoạch CPA vẫn còn là một thử thách lớn cho tất cả các bên liên quan.

3. Chương trình định cư tù cải tạo (H.O)

Năm 1977, một cựu nhân viên Sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Phi-líp-pin là Khúc Minh Thơ có chồng đi trại cải tạo và hai con còn kẹt ở Việt Nam sang Mỹ định cư. Bà Thơ cùng với một số bạn đồng cảnh ngộ thành lập Hội Gia đình Tù nhân Chính trị Việt Nam (HGĐTNCT) để vận động Chính phủ Mỹ can thiệp cho chồng con được thả và cho phép sang Mỹ đoàn tụ gia đình. Những nỗ lực vận động ấy được sự giúp đỡ của ông bà Shep và Hiệp Lowman, một cựu viên chức ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, sau có thêm sự ủng hộ của hai Thượng nghị sĩ John McCain và Edward Kennedy, nhưng những cuộc thăm dò từ phía Mỹ không được Việt Nam quan tâm. Năm 1978, chồng bà Thơ được thả nhưng bệnh tật, hai năm sau thi mất. Bà Thơ vẫn tiếp tục vận động cho việc định cư cựu tù nhân chính trị.

Năm 1982, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch tuyên bố Việt Nam sẵn sàng thả hết tù nhân cải tạo nếu Hoa Kỳ chấp thuận cho họ sang Mỹ định cư. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ chỉ định ông Robert L. Funseth, Phụ tá Thứ trưởng, khởi sự các cuộc thương thuyết ở hậu trường. Đây là lúc bà Khúc Minh Thơ và Hội GĐTNCT liên lạc với ông Funseth và chuẩn bi lập danh sách và hồ sơ tù cải tạo. Sau hai năm không có tiến bộ, Ngoại trưởng Mỹ George Schultz thông báo công khai vào tháng Chín 1984 là Hoa Kỳ sẵn sàng đáp ứng đề nghị của Việt Nam bắt đầu bằng việc chấp thuận 10,000 tù nhân cải tạo và gia đình của họ. Dù mong muốn xây dựng quan hệ kinh tế và ngoại giao với Mỹ, Hà Nội vẫn gây nhiều khó dễ cho vấn đề định cư tù cải tạo. Năm 1985, một phái đoàn do cựu Thống đốc tiểu bang Iowa cầm đầu sang Việt Nam dể thăm dò khả năng quan hệ song phương, khi nhắc đến đề nghị của Ngoại trưởng Schultz thì Ngoại trưởng Thạch dứt khoát từ chối. Ông Thạch cho phía Mỹ biết rằng Việt Nam chỉ muốn tiếp tục thảo luận về vấn đề tìm kiếm tù nhân chiến tranh và người Mỹ mất tích (POW-MIA) vì đây mới là quan tâm chính của Chính phủ Mỹ cần ưu tiên giải quyết để đôi bên có thể đạt được mục tiêu toàn diện là chấm dứt vĩnh viễn cuộc khủng hoảng tị nạn Đông Dương, bãi bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Một năm sau, Việt Nam công bố chủ trương “đổi mới” và hai bên gặp nhau nhiều hơn và có triển vọng tiến hành khả quan hơn.

Năm 1987, để hậu thuẫn cho những cuộc thương thuyết toàn diện với Việt Nam sớm có hiệu quả, Tổng thống Reagan chỉ định Đại tướng hồi hưu John W. Vessey, nguyên Chủ tịch các Chỉ huy trưởng Liên quân, làm Đặc sứ (special emissary) của Tổng thống phụ trách đối thoại với Việt Nam. Bà Khúc Minh Thơ và Hội GĐTNCT cũng liên lạc với Đại tướng Vessey để vận động thêm cho tù nhân cải tạo. Vào thời điểm này, một số cựu tù cải tạo sau khi được thả đã vượt biển tới các trại tị nạn và được Mỹ chấp thuận cho vào Mỹ định cư, một số khác đi theo diện đoàn tụ gia đình. Họ tìm đến nhau và thành lập các hội cựu tù nhân cải tạo để giúp đỡ và vận động định cư cho những người bạn tù còn ở lại Việt Nam hay còn kẹt trong các trại tị nạn tạm trú.

IRAC bắt đầu quan tâm đến vấn đề vận động định cư tù cải tạo năm 1982 khi Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch tuyên bố sẵn sàng thả hết tù cải tạo nếu Mỹ chấp nhận cho tất cả được sang Mỹ định cư. IRAC ủng hộ cuộc vận động của Hội GĐTNCT và các hội khác. Mỗi khi nhận được danh sách và hồ sơ từ các hội cựu tù cải tạo hay từ các trại tị nạn, IRAC đều chuyển đến Hội GĐTNCT ở Virginia là nơi gần Bộ Ngoại giao và có nhiều hội viên tới giúp lập hồ sơ vận động. Chủ tịch IRAC chỉ chính thức quan hệ với ông Funseth từ 1984 để theo dõi tin tức sau khi Ngoại trưởng Schultz công bố chấp thuận đề nghị của Ngoại trưởng Thạch. Đồng thời, IRAC cũng liên lạc chặt chẽ với văn phòng TNS John McCain, lập hồ sơ của một số nhà văn, nhà báo tên tuổi bị cầm tù để nhờ ông can thiệp với Chính phủ Việt Nam. Năm 1986, sau khi tham dự Hội nghị Toàn quốc Lãnh đạo Cộng đồng Đông Dương do IRAC triệu tập tại Đại học Georgetown, Washington DC, ông Funseth mới thật sự có những cuộc tham khảo với chủ tịch IRAC về vấn đề tù cải tạo và triển vọng thương thuyết với Việt Nam. Trước mỗi lần gặp, IRAC đều có soạn talking points và tài liệu liên quan để ông Funseth tùy nghi sử dụng. Khi ông Funseth chuẩn bị vòng đàm phán chung kết vào tháng Bảy 1989, chủ tịch IRAC đã thu xếp một cuộc gặp gỡ tại Bộ Ngoại giao giữa ông Funseth và phái đoàn đại diện Trung tâm Văn Bút Việt Nam Hải ngoại khi đó do nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn làm Chủ tịch và nhà thơ Viên Linh, Tổng thư ký. Ngoài ông Ngạn đến từ Canada và Viên Linh từ California còn có hai hội viên là nhà văn Trà Lũ (Canada) và nhà báo Chử Bá Anh (Virginia). Trước đó, IRAC đã yêu cầu hội Văn Bút tổng hợp một danh sách đầy đủ các nhà văn, nhà báo đã và chưa được thả để ông Funseth trao cho nhà cầm quyền Việt Nam trong ngày ký kết bản thỏa thuận định cư tù cải tạo. Sau 30 phút trao đổi tin tức và ý kiến, cuộc đàm đạo được tiếp tục trong bữa ăn trưa được ông Funseth khoản đãi tại phòng ăn riêng của Bộ Ngoại giao.

Buổi ăn trưa tại Bộ Ngoại giao do ông Funseth khoãn đãi phái đoàn Văn Bút VN hải ngoại trước ngày lên đường đi VN ký thỏa hiệp định cư tù cải tạo. Dãy bên phải: nhà thơ Viên Linh, ông Funseth, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, GS Lê Xuân Khoa. Dãy bên trái: nhà văn Trà Lũ, cố nhà báo Chử Bá Anh (thứ 3). Những người Mỹ còn lại là thành viên phái đoàn Funseth.

Khi được tin Tổng thống Reagan chỉ định Đại tướng John Vessey làm Đặc sứ đối thoại với Việt Nam, Chủ tịch IRAC đã viết thư cho Đại tướng trước ngày ông lên đường qua Việt Nam, thông báo về cuộc vận động của IRAC về các vấn đề tị nạn liên quan tới việc giải quyết vấn đề POW-MIA và thả tù nhân chính trị như những điều kiện tiến đến quan hệ bình thường giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Chủ tịch IRAC thỉnh cầu Đại tướng đưa những vấn đề này vào nghị trình thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam.

Khi trở về Mỹ, trong thư gửi chủ tịch IRAC ngày 12/8/1987, Tướng Vessey cám ơn ông đã cung cấp những thông tin và tài liệu cơ bản giúp cho phái đoàn Mỹ có thể nêu lên các vấn đề tù nhân chính trị, trẻ em lai Mỹ và chương trình ODP với Việt Nam. Ông cho hay “chúng tôi đã nêu lên những vấn đề này, một cách riêng tư, trong cuộc thảo luận.” Kết quả là “Việt Nam tái xác nhận ý định của họ là xúc tiến chương trình Ra đi Trật tự (ODP) và tin tưởng sẽ có tiến bộ về vấn đề trẻ em lai, nhưng họ không tỏ ra tích cực về những vấn đề tù nhân chính trị. Các nhà thương thuyết của họ duy trì quan điểm là vấn đề này không phải là một vấn đề nhân đạo.” Vị Đặc sứ của Tổng thống Mỹ thông báo cho phía đối thoại biết rằng Chính phủ và Quốc hội Mỹ đều quan tâm đến vấn đề định cư tù chính trị và vấn đề này vẫn sẽ được nêu ra trong những lần gặp gỡ sau.

Chủ tịch IRAC tiếp tục góp ý với Tướng Vessey, trực tiếp hay qua văn thư, và được vị Phụ tá của Đại tướng Vessey là Thiếu tướng Stephen B. Crocker cập nhật tin tức đối thoại với Việt Nam. Như ta đã thấy, cuộc thương thuyết chính thức về vấn đề định cư tù nhân cải tạo do ông Robert Funseth đảm trách, được sự hỗ trợ của Tổng thống Reagan qua những cuộc đối thoại của Đặc sứ John Vessey, rốt cuộc đã thay đổi được thái độ cứng rắn của Cộng sản Việt Nam, dẫn đến việc ký kết thỏa hiệp định cư tù cải tạo Funseth-Vũ Khoan ngảy 30/7/1989. Đại tướng Vessey tiếp tục thúc đẩy Việt Nam hợp tác nhiều hơn về vấn đề POW-MIA và Chính phủ Mỹ đã tỏ ra hài lòng về những tiến bộ đạt được trong chuyến thăm Washington DC vào tháng 10, 1990 của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch sau phiên họp Đại Hội đồng LHQ tại New York. Mặc dù do áp lực của Trung Quốc, Ngoại trưởng Thạch phải từ chức năm 1991 và các cuộc hội đàm Mỹ-Việt bị chậm lại, vấn đề POW-MIA vẫn tiến hành khả quan. Mỹ quyết định bãi bỏ cấm vận năm 1994 và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1995.

Cũng trong dịp Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch tham dự Đại Hội đồng LHQ, Thượng Nghị sĩ Mark Hatfield đã thu xếp một buổi gặp không chính thức giữa ngoại trưởng Thạch và chủ tịch IRAC “để thảo luận về những chương trình nhân đạo.”[9] Thật ra, các vấn đề được đề cập trong cuộc gặp là tiếng nói của công dân Mỹ gốc Việt đối với các nhà làm chính sách của Mỹ về những vấn đề liên quan đến Việt Nam, vấn đề POW-MIA và bang giao Mỹ-Việt, và triển vọng đóng góp chất xám của nhân tài hải ngoại có thể giúp Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển ở Á châu. Ông Thạch bắt đầu hâm nóng không khí buổi họp bằng việc bày tỏ sự vui mừng có cơ hội đàm đạo với anh em trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về những vấn đề quan tâm chung của đất nước. Ông nói ngay đến sự sai lầm của chính sách “học tập cải tạo” khiến bộ máy chính quyền thiếu nhân sự chuyên môn đủ mọi ngành. Nhiều người tài giỏi bị giam giữ, nhiều nhà khoa học và chuyên gia bỏ nước ra đi gây hậu quả là nhân dân bị nghèo đói và đất nước trở thành tụt hậu. Đáng chú ý là lời ông tự phê bình: “Chúng tôi đánh nhau thì giỏi nhưng quản trị thì quá tồi, không có khả năng phát triển đất nước.” Ông kêu gọi trí thức, chuyên gia ở nước ngoài hãy bỏ qua hận thù quá khứ, “let bygones be bygones” (sic) và trở về giúp nước vì “chúng tôi đã quyết định đổi mới, không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị”. Ông nhấn mạnh rằng đây là nguyên văn câu tuyên bố của ông trước Đại hội đồng LHQ vài tuần trước.

Chủ tịch IRAC trả lời rằng đa số trí thức hải ngoại sẵn sàng đóng góp khả năng vào những dự án phát triển đất nước nhưng chỉ làm được việc này khi thấy trong nước thật sự thực hiện một lộ trình dân chủ hóa cụ thể, bắt đầu bằng việc trả tự do cho những người yêu nước bất bạo động còn bị giam giữ. Nhưng mục đích của IRAC gặp Ngoại trưởng Thạch không chỉ để nói lên quan điểm về hòa giải dân tộc mà còn để góp ý về triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Vấn đề POW-MIA không phải là vấn đề riêng của Chính phủ Mỹ mà là mối quan tâm chính của nhân dân Mỹ có thân nhân xa gần, bằng hữu hay đồng bào đã hi sinh hay mất tích trong cuộc chiến. Vì vậy, nhân dân Mỹ, qua các đại diện của họ trong lưỡng viện Quốc hội, sẽ chấp thuận hay ngăn chặn việc Chính phủ thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam tùy theo thái độ cư xử của Việt Nam. IRAC khuyến cáo Việt Nam không nên dùng POW-MIA như một lá bài chính trị để mặc cả trong những cuộc thương thuyết mà nên chứng tỏ cho nhân dân Mỹ thấy rằng Việt Nam coi POW-MIA là một vấn đề nhân đạo và thật lòng hợp tác.

Cuộc trao đổi IRAC-Nguyễn Cơ Thạch bao gồm một số chuyện bên lề với những chi tiết riêng tư như khi ông Thạch, người có trình độ học vấn cao nhất trong Bộ Chính trị, kể chuyện trước khi sang Ấn độ nhận chức Tổng lãnh sự, ông đã phải học các nghi thức văn minh như chào hỏi xã giao hay cả đến cách sử dụng dao, nĩa trên bàn ăn. Luật sư Trần Danh San, trong đoàn IRAC, kể chuyện bị bắt đi cải tạo sau khi đứng trước Nhà thờ Đức Bà ở Saigon đọc bản tuyên ngôn nhân quyền giống như Hiến chương 77 của Vaclav Havel bên Tiệp Khắc. Có một lúc ông San kéo ống quần lên để ông Thạch thấy vết sẹo lớn ở cổ chân kỷ niệm những ngày bị cùm biệt giam. Khi được thả, ông vượt biển, được tàu buôn Nhật cứu, sau được ông Funseth giúp cho sang Mỹ định cư qua sự vận động của IRAC.

Trở lại chương trình định cư tù chính trị được Việt Nam gọi là chương trình nhân đạo (humanitarian operation), do đó tên tắt H.O trở thành thông dụng. Ngày 31/01/1990, cơ quan định cư tị nạn liên bang ORR tổ chức một buổi hội thảo về chương trình định cư cựu tù nhân chính trị. Trong bài phát biểu của chủ tịch IRAC, ông nói đến tính chất đặc biệt của chương trình này đối với Chính phủ, các tổ chức định cư tị nạn và cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, phân tích những trở ngại tinh thần và thể chất của những người đã bị hành hạ nhiều năm trong các trại tập trung của cộng sản, do đó họ có những nhu cầu đặc biệt cần được đáp ứng thích hợp. Tất cả cựu tù nhân chính trị phải được coi là tị nạn chứ không phải di dân. Chủ tịch IRAC cũng nhấn mạnh rằng các cựu tù cải tạo từng vượt qua được mọi cực hình và thử thách lớn nhất trong nhà tù cộng sản, nhất là những người trong lớp tuổi từ ngoài 30 đến ngoài 50, chắc chắn sẽ trở thành những phần tử đóng góp cho xã hội Mỹ. Họ chính là “tích sản” (assets) chứ không phải là “tiêu sản” (liabilities) của xứ sở định cư. Ông yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ phải cò ngân sách dành riêng cho chương trình định cư tù chính trị vì đây là thành phần thuộc trách nhiệm lớn nhất của Chính phủ và là đối tượng quan trọng đươc thêm vào chương trình ODP hiện hữu.

4. Từ Sáng kiến”Khu vực Xám” đến Chương trình ROVR

Vì chính sách thanh lọc (screening) tại các nước tạm dung, nhất là ở Hong Kong, bị nhân viên di trú thi hành khắc nghiệt và có nhiều sai phạm trầm trọng gây hậu quả là những cuộc bạo động và xung đột đổ máu giữa những người tị nạn và lực lượng an ninh của chính phủ. Tiếp theo là một chương trình hồi hương mới có tên là “Hồi hương Trật tự” (Orderly Repatriation Program, ORP) được ký kết giữa Việt Nam-Anh quốc/Hong Kong và Việt Nam-Nam Dương. Chương trình này được Hoa Kỳ đồng ý và UNHCR lặng lẽ thực hiện. Điều đó có nghĩa là một phần quan trọng của Kế hoạch Hành động Toàn diện quốc tế (CPA) thất bại vì tất cả các nước tạm dung đều cương quyết không chịu kéo dài thời gian cho tị nạn tạm trú và tất cả những người bị rớt thanh lọc (screened-out) phải hồi hương bằng cách này hay cách khác nếu không muốn bị trục xuất bằng vũ lực. Việt Nam không còn chống đối cưỡng bách hồi hương vì họ thừa biết rằng những người trở về không phải là lực lượng đe dọa sự tồn tại của chế độ, và họ thấy đã đến lúc cần phải hợp tác với Hoa Kỳ và quốc tế để đón nhận các dự án viện trợ, đẩu tư kinh doanh và phát triển công nghệ. Hoa Kỳ cũng muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vì không thể để cho Việt Nam bị lọt vào quỹ đạo Trung Quốc (khi đó mật ước Thành Đô vừa được ký kết). Trong tình thế chờ đợi ấy, Kế hoạch CPA chỉ có thể tránh khỏi sụp đổ nếu tìm được giải pháp thỏa đáng cho vấn đề hồi hương tất cả người tị nạn từ các trại tạm trú.

Để có thể góp phần tích cực vào giải pháp cho vấn đề tị nạn như đã tuyên bố sau chuyến đi thăm các trại tạm trú năm 1987, IRAC nhận rõ vấn đề then chốt phải giải quyết là sự chống đối quyết liệt của những người đủ diều kiện tị nạn nhưng bị loại bỏ trong cuộc thanh lọc. Họ phẫn uất đến độ sẵn sàng đổ máu chống lại những biện pháp cưỡng bách hồi hương của lực lượng an ninh như đã từng xảy ra ở một số trại tại Hong Kong. Như vậy, giải pháp hợp lý, công bằng và khả thi nhất là tập trung việc cứu xét định cư cho thành phần tị nạn bị thanh lọc bất công này. IRAC mệnh danh thành phần này là “khu vực xám” (grey area) và bắt đầu chuyển hướng vận động cho đối tượng này được định cư. Mặt khác, cần có chương trình theo dõi và giúp đỡ những người đã hồi hương có thể trở lại cuộc sống bình thường ở Việt Nam. Chương trình này sẽ giúp cho những người tự biết mình không đủ điều kiện tị nạn có thể được yên tâm và sẵn sàng tham gia chương trình hồi hương tình nguyện hay không chống đối.

Cuộc vận động cho Khu vực Xám bắt đầu từ 1990 qua một chuỗi hoạt động kéo dài tới cuối năm 1995 sau khi được khai triển thành một dự án quy mô có tên là Lộ trình II vào giữa năm 1993 và cuối cùng được cả hai Chính phủ Mỹ và Việt Nam chấp thuận thành một chương trình đặc biệt với danh xưng chính thức là “Cơ hội Định cư cho người Việt hồi hương” (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees, ROVR). Quá trình vận động diễn ra như sau:

1. Ngày 14/9/1990, Chủ tịch IRAC được sinh viên Việt Nam Đại học Stanford mời thuyết trình về tình trạng thi hành Kế hoạch quốc tế CPA và giải pháp lâu dài cho vấn đề tị nạn Việt Nam. Đề tài thuyết trình là “Giải pháp Chính trị cho Vấn đề Tị nạn và Triển vọng Bình thường hóa Quan hệ Mỹ-Việt”. Trong dịp này, sáng kiến Khu vực Xám mới chỉ được đề cập sơ lược như một phương cách hữu hiệu để tránh khỏi nạn cưỡng bách hồi hương đang thực hiện ở Hong Kong và các nước ĐNÁ.

2. Sáng kiến Khu vực Xám được khai triển và trình bày tại Hội nghị khu vực về thuyền nhân Việt Nam do Đại học Ateneo de Manila, Quezon City, Phi-líp-pin, tổ chức tháng 11 năm 1992. Chủ tịch IRAC báo động nguy cơ bạo loạn do chính sách cưỡng hách hồi hương gây ra và nhấn mạnh sự cần thiết tái cứu xét trường hợp những người tị nạn chân chính đã bị loại bỏ trong cuộc thanh lọc.

3. Cơ hội vận động tốt hơn cả là “Hội nghị Bàn tròn về Vấn đề Tị Nạn” do Phái bộ Quan sát Thường trực của Tòa Thánh Vatican triệu tập tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc, thành phố New York, ngày 9-10 tháng Ba 1993. Chủ tịch IRAC trình bày trước các đại diện quốc tế dự án 4 điểm về Định cư Khu vực Xám,[10] đúng vào thời điểm Hoa Kỳ và Việt Nam đang tiến gần đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Cần phải khai thông Kế hoạch CPA bằng cách giải quyết hòa bình vấn đề tạm trú và hồi hương của mấy chục ngàn người đang bị kẹt trong các trại tị nạn.

4. Đề nghị của IRAC lập tức được tổ chức InerAction, một liên minh của gần 200 NGOs Mỹ hoạt động toàn cầu, nhiệt tình ủng hộ. Một Ban Đặc nhiệm về CPA (CPA Task Force) của InterAction được thành lập với nhiệm vụ vận động Bộ Ngoại giao định cư thành phần Khu vực Xám. Hai hội viên InterAction được bầu làm đồng chủ tịch Ban Đặc nhiệm là Lê Xuân Khoa (IRAC) và Lionel Rosenblatt (Refugees International). Ngoài một số hội viên khác của InterAction, hai đại diện tổ chức bên ngoài cũng được mời tham gia CPA Task Force là Nguyễn Đình Thắng (BPSOS) và Lê Thị Mỹ Nga (LAVAS).

5. Trong giai đoạn đầu, Văn phòng Đặc trách Chương trình Tị nạn (Bureau for Refugee Programs, BRP) tại Bộ Ngoại giao chỉ đồng ý xem xét những trường hợp quá hiển nhiên (egregious cases) căn cứ vào những thông tin và bằng chứng do các nhân viên NGO quốc tế làm việc trong các trại tị nạn cung cấp. Những trường hợp được Bộ Ngoại giao chấp thuận sẽ được chuyển tới UNHCR làm thủ tục xuất trại sang Mỹ định cư. Chỉ sau vài tháng, BPSOS rút ra khỏi CPA Task Force vì TS Nguyễn Đình Thắng không đồng ý với chủ trương định cư Khu Vực Xám.

6. Đồng thời với việc lập hồ sơ “egregious cases”, ban Đặc nhiệm CPA yêu cầu ba thành viên nổi tiếng bảo vệ tị nạn là Shep Lowman, Lionel Rosenblatt và Dan Wolf khai triển sáng kiến định cư Khu Vực Xám thành một dự án quy mô đặt tên là Lộ trình II (Track II, hàm ý Lộ trình I là thanh lọc) để chuyển sang cho Bộ Ngoại giao xem xét chấp thuận.

7. Dự án Track II được Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia quan tâm xem xét và sau nhiều phiên họp với CPA Task Force để hoàn chỉnh nội dung, dự án được Hoa Kỳ chuyển sang cho Việt Nam đề nghị chấp thuận. Sau những phản ứng chống đối ban đầu, nhất là việc cho phép các nhân viên di trú (INS) của Mỹ phỏng vấn các ứng viên ROVR tại Việt Nam sau khi hồi hương, Việt Nam hoàn toàn chấp thuận chương trình ROVR vào đầu năm 1996. Khi đó hai bên đã có Đại sứ quán, có nhiều chuyện quan trọng hơn cần được giải quyết.

8. Chương trình ROVR thành công ngoài dự liệu. Tỉ lệ chấp thuận trung bình lên tới 85 phần trăm vì các nhân viên Sở di trú Mỹ đều đồng ý đây là chuyến tàu vét cần có thái độ rộng rãi trong việc phỏng vấn các ứng viên xin tị nạn. Theo các con số do Văn phòng đặc trách Tị nạn (BRP) của Bộ Ngoại giao cung cấp, từ giữa năm 1996 đến 19/01/1999, có 14,448 ứng viên ROVR được chấp thuận định cư tại Mỹ. Tổng số chấp thuận vào cuối năm 2000 sẽ tăng thêm mấy ngàn nữa.

Tóm lại, chương trình ROVR, bắt đầu từ sáng kiến “Khu vực Xám”, đã khai thông được tình trạng bế tắc của Kế hoạch CPA và giúp quốc tế giải quyết vấn đề tị nạn được thật sự công bằng và nhân đạo. Nếu không bị chống đối ngay từ đầu bởi một số người tranh đấu thiếu hiểu biết và tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng người Việt hải ngoại, số ứng viên nộp đơn vào chương trình ROVR và được chấp thuận cho định cư chắc chắn sẽ đông hơn. Những thông tin gửi vào các trại tị nạn gây ảo tưởng được định cư cho tất cả những người bị rớt thanh lọc đã là nguyên nhân của những vụ bạo loạn trong các trại tạm trú giữa người tị nạn với lực lượng an ninh, gây thương vong cho nhiều người ở cả đôi bên, Chỉ đến khi Chính phủ Mỹ thông báo về chương trình ROVR và điều kiện nộp đơn thì những người tự biết mình không đủ điều kiện mới tham gia chương trình hồi hương tình nguyện hay không chống đối. Nhiều thiệt hại vô ích đã xảy ra cho các Chính phủ và người tị nạn. UNHCR giảm bớt tiền trợ cấp hồi hương từ $360 xuống $240 cho mỗi người làm cho nhiều gia đình hồi hương trễ bị thiệt thòi.

***

Chọn dịp kỷ niệm 30 tháng Tư năm nay để ôn lại vài đặc điểm trong lịch sử tị nạn Việt Nam là việc làm thích hợp vì vừa làm sáng tỏ chính nghĩa của phe bại trận vừa cho thấy người tị nạn đã thực hiện được quyết tâm góp phần đáng kể vào giải pháp công bằng và bền vững cho vấn đề tị nạn, đúng như lời tuyên bố của chủ tịch IRAC trong buổi họp báo tại Thượng viện ngày 1 tháng Ba 1987. Giải pháp công bằng và lâu dài đó cũng chính là giải pháp chính trị, tức là thỏa hiệp bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Giải pháp chính trị này cũng đã được Chủ tịch IRAC nêu lên làm chủ đề của bài nói chuyện ở Đại học Stanford ngày14/9/1990 trong đó manh nha sáng kiến “khu vực xám” như một bước đầu hình thành chương trình ROVR. Hai mươi lăm năm sau, cuộc khủng hoảng tị nạn đã lui vào quá khứ, nhưng quan hệ bình thường giũa hai nước vẫn tồn tại như một thử thách lớn cho Việt Nam khi Hà Nội càng ngày càng lún sâu vào vòng lệ thuộc Bắc Kinh vì đặt lợi ích của Đảng trên lợi ích quốc gia.

Trong thời gian gần đây, khi có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam dường như muốn cưỡng lại những hành động lấn chiếm ngang ngược của Trung Cộng tại Biển Đông, thử thách lớn ấy lại hiện ra như một cơ hội không chỉ riêng cho lãnh đạo Đảng CSVN mà cũng cho tất cả mọi người Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội thuận lợi nhất cho Việt Nam thoát Trung, gìn giữ được độc lập và toàn vẹn giang sơn của tổ tiên, đồng thời bảo vệ được dòng giống Việt trước nguy cơ Hán hóa. Đại dịch Virus Vũ Hán đã thức tỉnh toàn thể thế giới về mưu đồ hiểm độc của Trung Cộng giành ngôi bá chủ toàn cầu và sẽ hợp lực đánh tan “Giấc Mơ Trung Quốc” của Tâp Cận Bình. Lãnh đạo Việt Nam sẽ phạm trọng tội nếu bỏ lỡ cơ hội lịch sử này. Những người viết sử cầu mong sẽ được chứng kiến những hành động có phối hợp, hoặc riêng biệt nhưng đồng quy, từ cả ba phía: chính quyền, trí thức và nhân dân trong nước, và cộng đồng gốc Việt ở nước ngoài. Không ai muốn sẽ phải đánh giá thái độ tiêu cực hay hành động sai lầm của những người có trách nhiệm.

28/4/2020

L.X.K.

Kỷ niệm đúng ngày này 45 năm trước, tác giả và vợ con lên một trong những chuyến bay cá hộp cuối cùng của quân đội Mỹ cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất sang Guam, Philippines.


[1] Con số 2,164,000 trừ đi 300,000 mất tích, còn lại 1,864,000 gồm những người tị nạn tới Mỹ và các nước khác tính đến 1995. Theo Wikipedia: Người Mỹ gốc Việt, tổng số người Việt ở Mỹ được ước tính hơn 2,200,000 trong năm 2017. Tổng số này gồm tị nạn, di dân và người sinh tại Mỹ.

[2] Lê Xuân Khoa, “Cộng đồng người Việt hải ngoại và Việt Nam ngày nay” tại cuộc hội thảo ngày 2 tháng Ba 1995 kỷ niệm 20 năm chấm dứt chiến tranh do Đại học Columbia và US-Vietnam Forum đồng bảo trợ. Bản gốc tiếng Anh: “The Overseas Vietnamese and Vietnam Today”, in The Bridge, a quarterly publication by IRAC, vol. 11, No. 4 , Winter 1994-1995, pp. 1, 11, 28.

[3] Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, tập I: “Giải Phóng”, OSINBook, California 2012, trang xiii.

[4] IRAC do một nhóm trí thức thiện chí người Mỹ thành lập tại Washington, D.C. năm 1979 nhằm giúp chính phủ hoàn thiện chính sách, chương trình định cư tị nạn và hệ thống điều hành sau khi Mỹ quyết định gia tăng số tị nạn được thâu nhận từ các trại tạm trú ĐNÁ tại Hội nghị quốc tế Geneva tháng Sáu 1979. Năm 1993, tổ chức IRAC đổi tên là Southeast Asia Resource Action Center (SEARAC) để tránh mang dấu vết thời thuộc địa trong danh xưng French Indochina (tiếng Pháp là Indochine Francaise) tức Đông Dương thuộc Pháp. Tên SEARAC đến nay vẫn được giữ nguyên dù các lãnh đạo mới có sửa đổi mục tiêu của tổ chức, hướng về xây dựng sức mạnh của những cộng đồng người Mỹ gốc Việt, Cam-bốt và Lào tại Hoa Kỳ.

[5] Trích từ bài thơ của Emma Lazarus ghi trên bệ bức tượng Nữ Thần Tự Do ở cửa biển thành phố New York: “Give me your tired, your poor, Your huddled masses yearning to breathe free…” (Hãy đem đến cho ta những con người mệt mỏi, nghèo khổ, những đám người co ro đang khao khát được hít thở không khí tự do…)

[6] Hearing before the Committee on the Judiciary, U.S. Senate, 97th Congress, September 22, 1981, chaired by Senator Alan K. Simpson, Chairman, Subcommittee on Immigration and Refugee Policy. U.S. Government Printing Office, 90-542 O, Washington 1982. Testimony by Le Xuan Khoa, pp. 249-276.

[7] Cần phân biệt hai tổ chức BPSOS khác nhau: BPSOS (Ủy ban Báo nguy Giúp Người Vượt Biển) thành lập năm 1980 do GS Nguyễn Hữu Xương làm Chủ tịch và nhà văn Phan Lạc Tiếp là Giám đốc điều hành, kêu gọi các nước cứu giúp thuyền nhân tị nạn, và từ 1985 hợp tác với các con tàu nhân đạo quốc tế cứu người vượt biển. Năm 1990, BPSOS San Diego ngưng hoạt động vì không còn nước nào cho phép tàu cứu người tị nạn được cặp bến. BPSOS được chuyển sang Virginia do nhà văn Trương Anh Thụy làm Chủ tịch và TS Nguyễn Đình Thắng làm Giám đốc. BPSOS Virginia tiếp tục vận động định cư tị nạn tới 1995 thì chủ yếu tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam, bắt đầu có những hoạt động gây tranh cãi về thành tích và tài chánh, thậm chí bị kiện cáo trong cộng đồng.

[8] Janelle M. Diller: In Search of Asylum: Vietnamese Boat People in Hong Kong, published by IRAC, Washington DC, November 1988.

[9] Trên đường đi Geneva dự hội nghị tị nạn 1989, chủ tịch IRAC ghé Paris gặp GS Vũ Quốc Thúc, được ông đưa tới gặp cựu Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam tại Hội nghị Geneva 1954. Ngoại trưởng Đỗ khuyên GS Khoa nên gặp trưởng đoàn CSVN để nói chuyện về giải pháp Việt Nam cho vấn đề tị nạn. Tại Geneva, GS Khoa nhờ phái đoàn Mỹ thu xếp cuộc gặp nhưng ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch từ chối với lý do là ông không muốn gặp đại diện tị nạn “vì họ là những kẻ phản động”. Khi trở về Mỹ, GS Khoa kể lại chuyện này cho TNS Hatfield và cho hay IRAC sẽ mở chiến dịch vận động chống lại việc bang giao Mỹ-Việt. TNS Hatfield viết thư cho ngoại trưởng Thạch, do đó có buổi gặp gỡ giữa ông Thạch và các đai diện IRAC ở New York ngày 16/10/1990. Chuyện này đã được tác giả Lê Xuân Khoa tường thuật trong mấy bài viết trước đây.

[10] Statement by Le Xuan Khoa, in Refugees: A Challenge to Solidarity, Proceedings of the International Round Table on the Question of Refugees sponsored by the Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, published by Center for Migration Studies, New York 1994, pp. 265-267.