Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Người tị nạn Đông Nam Á ‘nợ người da đen’

Tại Minneapolis, Minnesota vào ngày 25 tháng 5 năm 2020, cảnh sát viên Derek Chauvin quỳ gối đè trên cổ người da đen George Floyd hơn tám phút trong khi ba cảnh sát khác đứng gác chung quanh; một trong ba là người Mỹ gốc Hmong.

Khi những người đứng ngoài la lối vì hành động của cảnh sát, và bắt đầu quay phim để buộc họ phải chịu trách nhiệm, Floyd thở hổn hển “Tôi không thở được.”

Thuyền nhân tị nạn từ Việt Nam phải bỏ nước ra đi (Ảnh Bui Van Phu)

Các cuộc thảo luận về sự tàn bạo của cảnh sát, kỳ thị chủng tộc và đặc biệt là kỳ thị người Da Đen hiện đang vang dội khắp xã hội Mỹ, tạo ra các tranh luận sôi nổi thường xuyên gây chia rẽ do quan điểm chính trị khác nhau.

Có ý tưởng cho rằng những người da màu thường đoàn kết với nhau trong các vấn đề ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, đặc biệt là kỳ thị chủng tộc.

Theo tôi đây phần lớn chỉ là một huyền thoại. Khi tội phạm chủng tộc nhắm vào người châu Á quanh COVID-19 gia tăng, chúng ta đã công khai phản đối sự kỳ thị chủng tộc nhắm vào cộng đồng mình, tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn không đoàn kết với những người biểu tình đòi quyền sống cho người Da Đen.

Biểu tình chống kỳ thị chủng tộc tại Mỹ (Ảnh Getty)

Làm sao chúng ta có thể đòi hỏi mọi người không có thành kiến với người châu Á trong khi chính chúng ta mang thành kiến với giống dân khác? Nếu chúng ta muốn người khác cùng đứng lên thì chúng ta phải đoàn kết với họ. Công bằng chủng tộc không đi đôi với cách suy nghĩ được thua.

Nhiều người Mỹ gốc Đông Nam Á đã im lặng về vấn đề kỳ thị người Da Đen do thành kiến chủng tộc.

Một số người đã ngoảnh mặt trước các vấn đề mà họ tin rằng không ảnh hưởng trực tiếp đến họ; do đó, là người ngoài cuộc họ được hưởng phúc lợi tuỳ theo mức gần gũi với người da trắng.

Người Việt đã lấy Hoa Kỳ làm quê hương mới (Ảnh Bui Van Phu)

Nhiều người khác có thể tin vào cái huyền thoại về “nhóm dân thiểu số mẫu mực”, một khuôn mẫu có tính chia rẽ với mục đích che vai trò của nạn kỳ thị chủng tộc trong thành tựu về kinh tế và xã hội.

Khi thiếu hiểu biết hoặc phủ nhận rằng việc kỳ thị người Da Đen vẫn tồn tại, một số người ngụy biện rằng chính những người bị hành hung đã có lỗi khiến cánh sát phải sử dụng bạo lực.

Chúng ta đã chạy trốn khỏi Campuchia, Lào và Việt Nam do chiến tranh, sự áp bức của chính quyền và nạn diệt chủng, với hy vọng có thể bắt đầu cuộc sống mới ở các quốc gia không có bạo lực.

Khi hàng triệu người Đông Nam Á sống mòn mỏi trong các trại tị nạn và trôi dạt ngoài biển khơi, Hoa Kỳ đã tái định cư số lượng người tị nạn lớn nhất trong lịch sử, giữa lúc có cuộc tranh luận có tính kỳ thị để đánh giá xem mạng sống của chúng ta có đáng được cứu hay không.

Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, một cuộc thăm dò của Gallup hỏi người Mỹ rằng có nên thay đổi luật nhập cư để cho người tị nạn Đông Nam Á vào Hoa Kỳ hay không. Phần lớn người Mỹ, chính xác là 57%, phản đối đề nghị này. Đơn giản là việc chào đón chúng ta vào xã hội này nằm ngoài sức tưởng tượng của họ.

Tuy bước đầu của chúng ta tại Mỹ không được nhiều người chấp nhận, nhưng nay đây đã trở thành nhà của chúng ta. Chúng ta phải nhớ ơn những người đã mở đường cho chúng ta tái định cư.

Người biểu tình ở Birmingham, Alabama tháng 5/1963 (Ảnh Getty)

Hai thập kỷ trước khi những người tị nạn Đông Nam Á đầu tiên đến Hoa Kỳ, các nhà đấu tranh quyền dân sự Da Đen đã thúc đẩy sửa đổi các chính sách nhập cư và sự kiện này đã cứu chúng ta.

Thành công lớn nhất của họ là Đạo luật Quyền Dân sự vào năm 1964 và Đạo luật Quyền Bầu cử vào năm 1965. Những luật này quy định rằng sự bình đẳng, chống phân biệt đối xử và chống kỳ thị chủng tộc là những chính sách chính thức của đất nước.

Phong trào đấu tranh quyền dân sự mở ra một mô hình buộc luật nhập cư phải thay đổi. Tổng thống Lyndon B. Johnson “dần dần nhận ra rằng luật nhập cư đầy tính kỳ thị chủng tộc đã có từ nhiều thập kỷ trước, và nhất là việc giới hạn số người được nhận vào dựa trên nguồn gốc quốc gia, không còn phù hợp nữa với các quyền dân sự và công bằng chủng tộc.” Do đó, Đạo luật Asian Exclusion Act (Luật Cấm Người Châu Á) từ năm 1924 đã bị bãi bỏ, và thay thế bằng Immigration and Nationality Act ( Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch ) vào năm 1965.

Hình vẽ 1835 mô tả buôn nô lệ (Ảnh Getty)

Luật này thiết lập những tiêu chuẩn nhập cảnh công bằng hơn và đã cho phép chúng ta tái định cư vì luật đặt ưu tiên cho việc đoàn tụ gia đình, nhập cư dựa trên kỹ năng và tiếp nhận người tị nạn từ các quốc gia cộng sản.

Các nhà đấu tranh người Da Đen cũng đã trực tiếp ủng hộ người tị nạn Đông Nam Á.

Bayard Rustin, một trong những nhà lãnh đạo đó và là người đồng tính, người đồng tổ chức cuộc diễn hành ở Washington, là thành viên của Ủy ban Công dân Quốc tế về người tị nạn Đông Dương của tổ chức International Rescue Committee.

Rustin đến thăm các trại tị nạn ở Thái Lan vào năm 1978, lắng nghe về những trải nghiệm nhọc nhằn của người tị nạn Campuchia, Hmong, Lào và Việt Nam.

Tổng thống Carter đã ủng hộ chính sách cứu những người tị nạn Đông Nam Á đã bị các quốc gia khác từ chối một phần nhờ vào sự vận động của Rustin.

Rustin cũng đảm nhiệm công tác khó khăn là thay đổi dư luận Mỹ. Nhờ cách tổ chức ở tầm quốc gia, ông đã thuyết phục được hơn 80 nhà đấu tranh Da Đen, nghiệp đoàn lao động, giới kinh doanh và trí thức công khai hỗ trợ việc tái định cư người tị nạn Đông Nam Á.

Họ đã mua một quảng cáo trên tờ báo New York Times số ra ngày 19 tháng 3 năm 1978, kêu gọi quyên góp cho International Rescue Committee và kết nối hoàn cảnh của người tị nạn với những người nghèo và người Mỹ Da Đen. Những nhân vật tên tuổi như Coretta Scott King, Mục sư Jesse Jackson, Daisy Bates, Hazel N. Dukes; và A. Phillip Randolph đã ký tên vào thỉnh nguyện này.

Rustin đã phải đối phó với sự chống đối của cộng đồng người Da Đen lo ngại sẽ bị người tị nạn cạnh tranh gia cư và những công việc làm vốn khan hiếm bằng cách giải thích theo tinh thần nhân đạo.

Ông đi xa đến mức gọi những người tị nạn Đông Nam Á đã bị đẩy vào tình trạng bất ổn là ” người vô hình”.

Người Vô Hình là tên một tiểu thuyết của nhà văn Da Đen trứ danh Ralph Ellison; người vô hình này không hiện hữu như một cá nhân, mà chỉ là một thành phần của các khuôn mẫu dựa trên định kiến.

Mục sư Al Sharpton đọc điếu văn tại lễ tang George Floyd

Cộng đồng của chúng ta trong lịch sử đã sống kề bên các cộng đồng Da Đen khắp Hoa Kỳ. Một số thành viên của cộng đồng Đông Nam Á cũng thuộc vào cộng đồng Da Đen.

Chúng ta chung vai trong các cuộc đấu tranh để chống lại sự nghèo khổ, bị phân biệt đối xử và bạo lực cảnh sát.

Đây không phải để vẽ một hình ảnh sai lệch về sự chung sống hòa bình. Các thời điểm đau đớn khi các sắc tộc xung đột với nhau nhắc nhở cho chúng ta một quá khứ và hiện tại và qua đó chúng ta phải làm tốt hơn trước.

Cuộc đấu tranh để tái định cư của chúng ta đã kết thúc, nhưng cuộc chiến vì quyền dân sự của người Da Đen vẫn tiếp tục.

Biểu tình với khẩu hiệu Black Lives Matter ở Sydney ngày 6/6 (Ảnh EPA)

Vào tháng 5 năm 1978, Rustin đã viết về hoàn cảnh của người tị nạn Đông Nam Á: “Người Da Đen phải quen với những người này vì họ là: anh chị em, không phải kẻ thù và đối thủ cạnh tranh.”

Cộng đồng Da Đen đã giúp chúng ta, và chúng ta phải giúp lại họ: bây giờ đến lượt chúng ta đứng lên tranh đấu đòi quyền sống cho người Da Đen, không phải vì một khoản nợ cần trả, mà là vì chúng ta là người có liêm sỉ.

Trinh Q Truong Thành viên PIVOT, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bản gốc tác giả viết tiếng Anh, được Mai Như Bùi, thành viên PIVOT, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến, dịch tiếng Việt.