Người thứ 8 ở Việt Nam chết vì COVID-19
ĐÀ NẴNG, Việt Nam – Sáng 4 Tháng Tám (giờ địa phương), Bộ Y Tế CSVN thông báo có thêm hai bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng tử vong, nâng số ca chết ở Việt Nam lên 8 người.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Trường Sơn, thứ trưởng Bộ Y Tế kiêm trưởng Bộ Phận Thường Trực Đặc Biệt Chống Dịch COVID-19 của Bộ Y Tế tại Đà Nẵng, cho biết người thứ bảy tử vong ở Việt Nam là nữ bệnh nhân 426, 62 tuổi, ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng “tử vong vì suy thận mạn giai đoạn cuối, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và mắc COVID-19.”
Bệnh nhân tiền sử suy thận mạn tính 10 năm, điều trị tại Khoa Nội Thận bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 18 đến 27 Tháng Bảy.
Từ ngày 30 Tháng Bảy bà được chuyển ra điều trị tại bệnh viện Trung Ương Huế. Đến ngày 2 Tháng Tám, bệnh nhân “lọc thận liên tục, thở máy.” Và khoảng 1giờ 20 sáng 4 Tháng Tám, thì “ngừng tim, hồi sức nhưng không hiệu quả, đến 2 giờ 30 thì qua đời.”
Ca thứ tám tử vong là bệnh nhân 496 là nam, 65 tuổi, cũng ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, chết “do suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiễm trùng huyết, suy tim cấp và COVID-19.” Người này cũng được cho rằng “có tiền sử suy thận mạn tính giai đoạn cuối, thận nhân tạo chu kỳ, nhiễm khuẩn huyết.”
Ông điều trị tại Khoa Nội Thận bệnh viện Đà Nẵng trong năm tháng và ra viện ngày 24 Tháng Bảy. Đến ngày 28 thì có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và được chuyển đến Khoa Y Học Nhiệt Đới bệnh viện Đà Nẵng cùng ngày với tình trạng khó thở, đặt nội khí quản và thở máy.
Đến ngày 2 Tháng Tám, bệnh trở nặng phải thở máy, lọc máu liên tục và huyết áp giảm. Sáng 4 Tháng Tám, ông hôn mê, đồng tử giãn, mất hoàn toàn phản xạ, đến 8 giờ 30 thì qua đời.
Sáu trường hợp tử vong trước đó gồm các bệnh nhân 428, 524 (ở Quảng Nam), bệnh nhân 429, 437, 499 và 475 (Đà Nẵng). Người đầu tiên tử vong vào sáng 31 Tháng Bảy là bệnh nhân 428, 70 tuổi, ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, “qua đời do nhồi máu cơ tim trên nền nhiều bệnh có sẵn và mắc COVID-19.”
Cùng ngày, Bộ Y Tế CSVN đã công bố “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất.” Đây là bản cập nhật, sửa đổi lần thứ 4 kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca mắc đầu tiên.
Giáo Sư Nguyễn Thanh Long, quyền bộ trưởng Bộ Y Tế, đánh giá đợt dịch COVID-19 mới đang diễn ra tại Việt Nam “phức tạp hơn so với giai đoạn trước đây.”
Báo VietNamNet dẫn lời Giáo Sư Nguyễn Văn Kính, chủ tịch Hội Truyền Nhiễm Việt Nam, cho biết thêm kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao. Hệ số lây nhiễm đợt này khoảng 5-6, trong khi giai đoạn trước chỉ 1.8-2.2.
Chủng virus mới phân lập được từ các bệnh nhân ở Đà Nẵng thuộc nhóm D614G (nhánh G), đang gây bệnh ở Châu Phi, Bangladesh. Nhánh G đã xuất hiện rải rác từ Tháng Hai. Tuy nhiên những tháng gần đây, các mẫu bệnh phẩm “có sự hiện diện của nó ngày càng tăng trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam, đây là chủng virus SARS-CoV-2 thứ 6. Đặc điểm nổi bật của chúng là “kích cỡ to, vừa lan truyền vừa biến đổi gen và thường gây bệnh ở đường hô hấp trên trước.”
Gần đây, có một số bằng chứng về đường lây truyền trong không khí của virus SARS-CoV-2, nên trong phác đồ mới, Bộ Y tế yêu cầu ngoài khử khuẩn các bề mặt, các cơ sở y tế cần phải có biện pháp thanh lọc, khử khuẩn môi trường trong phòng bệnh.
Giáo Sư Kính cảnh báo, vừa qua nhiều trường hợp test nhanh trong cộng đồng dương tính, sau đó xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR âm tính đã vội mừng, nhưng thực tế test nhanh có dương tính giả, đồng nghĩa kết quả test âm tính chưa hẳn đã không mắc COVID-19.
Khác với các phiên bản trước, phác đồ mới nhất của Bộ Y tế yêu cầu bệnh nhân Covid-19 phải có 3 lần xét nghiệm liên tiếp âm tính, mỗi lần xét nghiệm cách nhau ít nhất 24 giờ mới đủ điều kiện xuất viện, trong khi trước đây quy định chỉ xét nghiệm hai lần. (N/V)