Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Người Mỹ gốc Á có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao hơn so với tỷ lệ trong dân số

SAN FRANCISCO – Người Mỹ gốc Á Châu đã chiếm tỷ lệ 52 phần trăm trong số người chết vì Covid-19 tại San Francisco, theo kết quả nghiên cứu được công bố trong một bài phúc trình ngày 11 tháng Năm bởi Trung Tâm Nghiên Cứu Sức Khỏe Người Mỹ Gốc Á thuộc trường Y Khoa của đại học University of California San Francisco.

Thành phố San Francisco đã có 1,754 ca nhiễm Covid-19 và 31 người thiệt mạng; trong số tử vong có 16 người Mỹ gốc Á Châu, theo dữ kiện của cơ quan y tế công cộng thành phố (San Francisco Department of Public Health).

Trên toàn California, người Mỹ gốc Á chiếm tỷ lệ trên 15 phần trăm trong tổng dân số. Liên quan đến Covid-19, tỷ lệ người Mỹ gốc Á bị lây nhiễm trên toàn tiểu bang là 11.4 phần trăm, nhưng có tỷ lệ 16.7 phần trăm trong tổng số tử vong.

Bác Sĩ Tùng Nguyễn (EMS)

Bác Sĩ Tùng Nguyễn, một bác sĩ gia đình và cũng là một nghiên cứu gia tại trường University of California, San Francisco, đồng tác giả bài phúc trình, nói, “Chúng tôi rất sửng sốt khi biết trên phân nửa những nạn nhân Covid-19 tại San Francisco là người Mỹ gốc Á Châu.”

Bác Sĩ Tùng nói rằng là một nghiên cứu gia thì ban đầu ông còn hoài nghi vì số lượng dữ kiện được xem xét rất là nhỏ. Thế nhưng khi được xem nhiều dữ kiện hơn do chính quyền California cung cấp thì ông nhận thấy những gì xảy ra ở San Francisco là chính xác cho những nơi khác.

“Cho đến khi được xem những dữ kiện từ chính quyền tiểu bang thì tôi nhận thấy đây là điều mà chúng tôi cần báo cho cộng đồng được biết,” ông nói.

Ông nói thêm, “Cha tôi đã 85 tuổi. Ông nghĩ rằng ông là người Á Châu nên không dễ bị nhiễm bệnh. Nhưng thật ra ông thuộc nhóm người có nguy cơ bị bệnh cao nhất.

“Tôi không muốn thấy những người Mỹ gốc Á tự cho rằng họ không dễ bị lây bệnh như những sắc dân khác. Họ cần hiểu rằng họ cũng có nguy cơ bị lây bệnh tương tự và cũng dễ chết vì Covid-19 như những người khác.”

Số liệu từ cơ quan y tế Hạt Los Angeles cũng cho thấy điều đó. Los Angeles County là hạt quận bị dịch tàn phá mạnh nhất trên toàn California với 34,428 ca nhiễm và 1,659 người chết. (Tính đến chiều thứ Sáu, 15 tháng 5, hai con số đã tăng cao hơn. Hạt Los Angeles đã có 36,316 ca nhiễm và 1,753 người chết.) Người Mỹ gốc Á chỉ có hơn 1936 ca nhiễm, nhưng hơn 266 người chết, với tỷ lệ 13.7 phần trăm chết từ lây nhiễm.

Hai sắc dân Latino và Mỹ gốc Phi Châu có những con số cao hơn. Hai thành phần này đã được xem là có số tử vong vì Covid-19 cao vì tình trạng sức khỏe có sẵn. Người Latino ở Los Angeles County có số lây nhiễm cao nhất là 9,413 và tử vong là 552, với tỷ lệ 5.9 phần trăm chết từ lây nhiễm.

Người Mỹ gốc Phi có sác xuất chết từ lây nhiễm thấp hơn so với người Mỹ gốc Á. Thành phần này có 1,329 ca nhiễm Covid-19, và 179 tử vong, tỷ lệ 13.5 phần trăm. Trong khi đó, tuy có tỷ lệ rất thấp trong dân số, người gốc Hawaii/Đảo Thái Bình Dương đã có 209 ca nhiễm và 14 tử vong tại Los Angeles County.

Tám tiểu bang tại Hoa Kỳ cũng ghi nhận tỷ lệ cộng đồng người Mỹ gốc Á chết vì Covid-19 cao hơn so với tỷ lệ của họ trong dân số. Điểm đáng ngạc nhiên, theo Bác Sĩ Tùng Nguyễn, là hai tiểu bang bị Covid-19 tàn phá nặng nhất, New York và New Jersey, nơi có dân số người Mỹ gốc Á rất lớn, nhưng lại có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong không cao.

Bác Sĩ Tùng Nguyễn cho rằng sự việc thiếu đáp ứng phù hợp về văn hóa tại các bệnh viện có thể cho thấy sự khác biệt trong số tử vong giữa New York, New Jersey với các tiểu bang khác có cộng đồng người Mỹ gốc Á. Ông nghĩ rằng tại những bệnh viện thiếu phương tiện phù hợp dành cho người Mỹ gốc Á không nói rành tiếng Anh, là di dân mới đến Mỹ hoặc thuộc thế hệ đầu tiên, thì những bệnh nhân này không được chăm sóc chu đáo hơn so với những nơi khác, vì thiếu sự truyền đạt đầy đủ. 

“Khi cần sự thông dịch, bệnh nhân sẽ rất may mắn nếu có người biết ngôn ngữ của họ,” ông Tùng nói. Ông cho biết thêm rằng cho dù bệnh viện có người thông dịch, thì bệnh nhân vẫn không thể nào luôn luôn có dịch vụ thông dịch trong suốt thời gian điều trị, khi mà những quyết định quan trọng được đưa ra.

Vị nghiên cứu gia gốc Việt này cũng nhấn mạnh nhu cầu phân tích nhiều hơn nữa về sự khác biệt dân tộc trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, không thể nói tổng quát cho toàn cộng đồng. Chẳng hạn người Mỹ gốc Phi Luật Tân có tỷ lệ bị tiểu đường cao hơn các sắc dân gốc Á khác, hay người gốc Việt thường bị ung thư gan, vân vân. (V/Đ).