Ngủ quá nhiều làm tăng nguy cơ suy giảm trí tuệ
WASHINGTON, DC – Một nghiên cứu công bố hôm Thứ Tư 21/9, cho thấy những người đi ngủ quá sớm hoặc ngủ quá nhiều có thể bị ảnh hưởng đến trí não và suy giảm nhận thức, theo UPI.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí của Hiệp Hội Lão Khoa Mỹ (Journal of the American Geriatrics Society ASG).
Nhiều tình nguyện viên ở Trung Quốc, Thụy Điển và Anh đã tham gia cuộc nghiên cứu. Những người ngủ hơn 8 tiếng có tỷ lệ gặp nguy cơ mất trí nhớ cao hơn 69% so với người ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày. Đồng thời, những người ngủ trước 10 giờ tối có nguy cơ mất trí nhớ cao gấp hai lần.
Báo cáo nêu rõ là cần theo dõi khả năng nhận thức ở người lớn tuổi, đặc biệt là nam giới từ 60 tới 74 tuổi. Việc giảm bớt thời gian nằm trên giường và điều chỉnh giấc ngủ ít lại sẽ giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức và tránh khỏi bệnh mất trí nhớ khi về già, theo Bác Sĩ Rui Liu thuộc khoa thần kinh tại bệnh viện tỉnh Sơn Đông (SHP) thuộc Trung Quốc.
Khoảng 2,000 người lớn tuổi có sức khỏe tốt ở các vùng nông thôn của Trung Quốc tham gia nghiên cứu. Sau trung bình 3.7 năm, 97 người trong số đó được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ. Trước đây, các nghiên cứu thường tập trung vào người da trắng ở Bắc Mỹ và Châu Âu mà không tập trung vào những người lớn tuổi ở nông thôn. Những người này thường có thói quen sinh hoạt khác biệt, đi ngủ sớm và dậy sớm hơn người ở thành phố lớn.
Các nhà khoa học lưu ý rằng các vấn đề về giấc ngủ và suy giảm nhận thức là có liên quan đến tuổi tác, giới tính và giáo dục. Ngoài ra, triệu chứng sa sút trí tuệ còn bị ảnh hưởng yếu tố di truyền.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây đều cho thấy kết quả khác nhau về mối liên hệ giữa giấc ngủ và chứng sa sút trí tuệ do thiếu nhiều dữ liệu khác như thời gian ngưng thở khi ngủ và thời gian nghiên cứu chưa đủ lâu. (T/H, N/V)