Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nghiên cứu về khả năng vắc-xin tự truyền miễn dịch


Vắc-xin ngừa COVID-19 hiện được xem là giải pháp trọng yếu để thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19.

Mặc dù vậy, việc tiêm nhắc lại các mũi vắc-xin cho hàng triệu người vẫn đang khiến nhiều người có tâm lý do dự. Do vậy, thay vì tiêm vắc-xin cho từng cá nhân để kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch, các nhà khoa học đang nghiên cứu tiềm năng vắc-xin có thể “tự lây lan” từ người sang người, giống cơ chế lây bệnh của virus, từ đó tạo ra kháng thể và giảm số người cần thiết phải tiêm chủng.

Một bài viết được đăng trên trang dailymail.co.uk đã đề cập đến việc các nhà nghiên cứu xem xét tiềm năng phát triển các vắc-xin có thể truyền khả năng miễn dịch giữa người với người. Theo bài viết, nếu điều này thành hiện thực, có lẽ chỉ cần 5% dân số Vương quốc Anh – tương đương 3 triệu người – được tiêm phòng.

Những người còn lại sau đó sẽ “hấp thụ” được vắc-xin khi chúng “lây lan” nhanh chóng trên khắp đất nước qua các giọt bắn trong không khí khi mọi người tiếp xúc gần nhau, tương tự như cơ chế lây cảm lạnh hay cúm mùa. Quan trọng hơn nữa, điều này có thể dẫn đến khả năng miễn dịch cộng đồng trong vài tuần thay vì mất nhiều tháng để hàng triệu người được tiêm chủng và hình thành miễn dịch chống COVID-19.

Khoảng 10 tổ chức nghiên cứu ở Mỹ, châu Âu và Úc đã và đang tìm hiểu khả năng “vắc-xin tự lây lan” sau đại dịch COVID-19. Hầu hết các nghiên cứu là về sự lây lan từ động vật sang động vật hoặc động vật sang người, với nghiên cứu trên người cho đến nay tập trung vào việc liệu ý tưởng này có an toàn về nguyên tắc hay không. Nghiên cứu đang nhận được trợ cấp của các tổ chức tài trợ nổi tiếng, bao gồm cả Viện Y tế quốc gia Mỹ.

Để tạo ra một loại vắc-xin có thể lây truyền miễn dịch đòi hỏi phải tìm cách xử lý virus hoặc vi khuẩn để chúng có thể dễ dàng truyền từ người này sang người khác, nhưng không gây bệnh nghiêm trọng. Hai lựa chọn hiện đang là trọng tâm của nghiên cứu. Đầu tiên là thiết kế trong phòng thí nghiệm một dạng virus gây bệnh rất nhẹ, độc lực yếu song vẫn phải đủ khả năng lây nhiễm nhanh chóng cho các quần thể lớn để kích hoạt hệ miễn dịch cơ bản nhằm tạo ra các kháng thể chống lại sự lây nhiễm.

Lựa chọn khác là xử lý một số ADN từ mầm bệnh mới nguy hiểm bên trong một loại virus tương đối vô hại nhưng rất dễ lây lan, chẳng hạn như virus gây ra cảm lạnh thông thường. Việc tiếp xúc với các đoạn ADN bên trong virus vô hại khi virus này lây lan trong quần thể sẽ khiến hệ miễn dịch phải đề phòng mầm bệnh thực sự, nghiêm trọng hơn mà không gây ra bất kỳ bệnh nặng nào.

Với cả hai chiến lược trên, vắc-xin sẽ chỉ cần được tiêm cho các nhóm nhỏ người thuộc các vùng khác nhau của đất nước. Những người này sau đó sẽ “truyền vắc-xin” cho những người trong cộng đồng địa phương. Các nhà khoa học đã chứng minh cách tiếp cận này có thể có hiệu quả.

Năm 2000, các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha đã xử lý một loại virus gây tử vong ở thỏ bằng cách tiêm cho 70 con thỏ một loại vắc-xin có thể tự lây lan và thả chúng về tự nhiên, nơi chúng nhanh chóng lây truyền cho hàng trăm con khác, qua đó ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh. Các kỹ thuật tương tự hiện đang được thử nghiệm trên lợn ở các vùng của châu Âu để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi, có thể tàn phá đàn gia súc.

Hiện các nhà nghiên cứu đang xem xét việc sử dụng “vắc-xin tự lây lan” ở động vật để ngăn chặn virus lây nhiễm sang người. Một trong những dự án tiên tiến nhất, do Cơ quan Dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng Mỹ tài trợ, đang tìm cách bảo vệ quân đội nước này hoạt động ở Tây Phi chống lại bệnh sốt lassa – một bệnh cấp tính do virus có nguồn gốc từ chuột.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, bao gồm cả một số người đến từ Vương quốc Anh, cũng đang nghiên cứu một loại “vắc-xin tự lây lan” thử nghiệm có thể ngăn virus lây nhiễm từ chuột sang người. Mặc dù chưa có tài liệu nghiên cứu nào liên quan đến “vắc-xin tự lây lan” để sử dụng cho người, nhưng đây là điều mà các quan chức Chính phủ Anh đang nghiên cứu như một phương án khả thi để đối phó với bệnh cúm mùa. (dailymail, tintuc)