Tuesday, January 21, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nghiên cứu Úc: Xác định vì sao vắc-xin mRNA gây tác dụng phụ


Các nhà nghiên cứu Úc khám phá rằng việc vắc-xin mRNA đi vào máu có thể gây tác dụng phụ như đau đầu và sốt.

Nghiên cứu cho rằng mức độ vắc-xin đi vào máu khác nhau có thể là nguyên nhân gây ra một số tác dụng phụ như sốt, đau đầu và mệt mỏi, được ghi nhận sau khi tiêm vắc-xin.

Một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu từ Đại học RMIT và Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne dẫn đầu đã đưa ra phân tích chi tiết đầu tiên về cách vắc-xin mRNA lưu thông và phân hủy trong máu người.

Nghiên cứu phân tích 156 mẫu máu từ 19 cá nhân trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vắc-xin mRNA tăng cường của Moderna.

Vắc-xin mRNA được thiết kế để lưu lại trong các hạch bạch huyết nhằm sản sinh kháng thể chống nhiễm trùng, tuy nhiên nghiên cứu phát hiện ra rằng một lượng nhỏ đã đi vào máu.

“Mức độ vắc-xin đi vào máu ở mỗi cá nhân là khác nhau, điều này có thể giải thích một số tác dụng phụ như sốt, đau đầu và mệt mỏi, được ghi nhận sau khi tiêm vắc-xin”, Yi Ju, đồng tác giả của nghiên cứu từ khoa khoa học tại Đại học RMIT, giải thích trên trang của Đại học RMIT.

Tiến sĩ Yi (David) Ju từ Trường Khoa học của RMIT. Hình cung cấp

Tuy nhiên, ông Ju nhấn mạnh lượng vắc-xin đi vào máu rất nhỏ nên vắc-xin mRNA vẫn an toàn và hiệu quả.

“Hiểu được mối quan hệ hệ quả giữa lượng vắc-xin lưu thông trong máu và các tác dụng phụ này sẽ là một lĩnh vực quan trọng cho nghiên cứu trong tương lai”, ông cho biết.

“Bằng cách hiểu được sự phân bố sinh học của các thành phần này, chúng ta có thể cung cấp thông tin tốt hơn về các thiết kế vắc-xin trong tương lai để giảm thiểu rủi ro. 

Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp những hiểu biết có giá trị về việc cải thiện vắc-xin mRNA để sử dụng an toàn và hiệu quả hơn”, giáo sư Stephen Kent của Viện Doherty, đồng tác giả, nhấn mạnh.

Các nhà nghiên cứu đã xử lý các mẫu máu để lấy huyết tương và nghiên cứu các thành phần mRNA trong huyết tương. Hình cung cấp

Kể từ khi vắc-xin mRNA COVID-19 đầu tiên được công bố, các nhà khoa học đã khai thác công nghệ này để phát triển vắc-xin và liệu pháp điều trị cho nhiều căn bệnh khác nhau, bao gồm cả ung thư.

Khác với các loại vắc-xin truyền thống sử dụng vi rút đã bị làm suy yếu, vắc-xin công nghệ mRNA này sử dụng hướng dẫn di truyền để thúc đẩy cơ thể sản xuất một loại protein kích hoạt phản ứng miễn dịch. 

Có thể được phát triển nhanh chóng, khả năng thích ứng với các biến thể mới đã giúp loại vắc-xin này trở nên phổ biến trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 toàn cầu. (T/H, TTO)