Monday, November 18, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nghiên cứu Pfizer: Vắc-xin Covid-19 sẽ giảm hiệu quả sau 6 tháng

Một nghiên cứu do Pfizer-BioNTech tài trợ cho thấy hiệu quả của vắc-xin Covid-19 mặc dù vẫn cao nhưng sẽ giảm khoảng 13% vào 6 tháng sau mũi tiêm thứ hai, đặt ra yêu cầu có thể cần tới mũi tiêm tăng cường trong tương lai.

Hơn 46,000 người từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina, Nam Phi và Đức đã được theo dõi trong nghiên cứu này. Khoảng 2,306 người tham gia có độ tuổi từ 12-15, trong khi số còn lại từ 16 tuổi trở lên. Độ tuổi trung bình là 51.

“Hiệu quả đạt đỉnh ở mức 96.2% là giữa khoảng thời gian từ 7 ngày tới 2 tháng sau mũi tiêm thứ hai, giảm dần xuống còn 83.7% vào 4 tháng sau mũi tiêm thứ hai và cứ mỗi 2 tháng thì trung bình giảm khoảng 6%”, các tác giả của nghiên cứu –hầu hết làm việc cho Pfizer hoặc BioNTech cho hay trong một bài báo trên medRxiv.org ngày 28/7.

“Những gì diễn ra tiếp theo có ý nghĩa cần thiết để hiểu về sự duy trì hiệu quả của vắc-xin qua thời gian, yêu cầu cần mũi tiêm tăng cường và thời gian tiến hành mũi tiêm này”, các nhà nghiên cứu đánh giá.

Một số nhà sản xuất vắc-xin đang xem xét xem liệu có cần bổ sung mũi tiêm tăng cường cho những người có hệ miễn dịch yếu hay không. Động thái trên diễn ra giữa bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang đối phó với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao và những nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao như Israel đã bắt đầu thông qua mũi tiêm tăng cường để chống lại biến thể Delta cũng như các biến thể mới khác.

Một nghiên cứu y tế cộng đồng của Anh đã phát hiện ra rằng khả năng bảo vệ của 2 loại vắc-xin được tiêm phổ biến nhất hiện nay là Pfizer và AstraZeneca trước biến thể Delta sẽ suy giảm trong 3 tháng.

Nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy 90 ngày sau mũi tiêm Pfizer hoặc AstraZeneca thứ hai, hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa dịch bệnh đã giảm xuống còn lần lượt 75% và 61%, so với con số 85% và 68% –tỷ lệ được ghi nhận 2 tuần sau mũi tiêm thứ hai. Việc giảm hiệu quả vắc-xin dễ thấy ở những người từ 35 tuổi trở lên.

Dù vậy, giáo sư Đại học Oxford Sarah Walker khẳng định: “Cả hai loại vắc-xin này, với 2 mũi tiêm, vẫn có hiệu quả tốt trước biến thể Delta”.

Các nhà nghiên cứu không nêu cụ thể khả năng bảo vệ của vắc-xin sẽ giảm như thế nào qua thời gian nhưng đã cho thấy tính hiệu quả của 2 vắc-xin được nghiên cứu có xu hướng giống nhau, đó là giảm hiệu quả trong 4-5 tháng sau mũi vắc-xin thứ hai.

Những kết quả từ Đại học Ofxord cũng thống nhất với phân tích của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) và những kế hoạch sơ bộ của chính phủ Mỹ về việc tiêm vắc-xin tăng cường rộng rãi vào tháng tới, giữa bối cảnh số ca nhiễm biến thể Delta gia tăng.

Các chyên gia y tế Mỹ sẽ khuyến cáo người dân nước này tiêm vắc-xin tăng cường vào 8 tháng sau mũi thứ 2, AP đưa tin ngày 17/8. Sự thông qua chính thức mũi tiêm tăng cường của vắc-xin Pfizer-BioNTech dự kiến sẽ diễn ra trong những tuần tới.

Nghiên cứu của Pfizer-BioNTech không khuyến cáo tiêm mũi tăng cường song cho biết, các cuộc thử nghiệm lâm sáng đang được triển khai để cung cấp thêm dữ liệu về tính an toàn cũng như hiệu quả của liều vắc-xin thứ hai. Nghiên cứu này cũng không đề cập đến vắc-xin có thể chống lại biến thể Delta như thế nào.

Benjamin Cowling, chuyên gia dịch tễ học thuộc Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, nghiên cứu trên đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục cho thấy vắc-xin của Pfizer vẫn có hiệu quả trong ít nhất 6 tháng hoặc có thể lâu hơn.

Chuyên gia này cũng cho rằng mũi tiêm tăng cường có thể hữu ích trong việc thúc đẩy hệ miễn dịch ở những người có phản ứng miễn dịch kém.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tạm hoãn mũi tiêm tăng cường cho tới ít nhất là cuối tháng 9 để vắc-xin được cung cấp cho những nước nghèo hơn.

Tạp chí khoa học Nature cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng: “Việc tập trung vào mũi tiêm tăng cường khi hơn một nửa thế giới thiếu vắc-xin là tầm nhìn thiển cận và chỉ khiến đại dịch kéo dài hơn”./. (VOV theo SCMP)