Ngày càng nhiều người Úc ‘thờ ơ’ với mũi tiêm vắc-xin phòng cúm
Hiện đang là cao điểm mùa cúm ở Úc, song số người tiêm vắc-xin phòng bệnh này đang ngày một ít hơn.
Dữ liệu tiêm chủng được Chính phủ Liên bang Úc công bố cho biết số người tiêm vắc-xin phòng cúm ở nước này ít hơn khoảng 540,000 người so với thời điểm này năm ngoái. Theo đó, số người Úc tiêm vắc-xin phòng cúm hằng năm hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2020.
Sự sụt giảm đáng kể nhất là ở lứa tuổi 5 – 64. Số người trong độ tuổi này không tiêm vắc-xin phòng cúm trong năm nay ít hơn 440,000 người so với năm ngoái. Tỷ lệ tiêm chủng cũng thấp hơn đối với nhóm trẻ dưới 5 tuổi và nhóm trên 65 tuổi.
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giám sát Tiêm chủng Quốc gia (NCIRS), Giáo sư Frank Beard, cho biết tỷ lệ tiêm vắc-xin cúm năm nay thấp hơn khoảng 2-3% so với năm ngoái và thấp hơn tới 10% so với tỷ lệ năm 2022.
Khảo sát quốc gia của NCIRS xác định nguyên nhân chính khiến mọi người không tiêm vắc-xin ngừa cúm là vì cho rằng bệnh cúm không nghiêm trọng và tiêm vắc-xin sẽ khiến họ bị cúm hoặc vắc-xin sẽ không có tác dụng. Bên cạnh đó, người dân dường như chỉ tập trung vào vắc-xin phòng Covid-19.
Chưa kể, trong bối cảnh phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, người dân cũng muốn cắt giảm các khoản chi tiêu mà họ cho là không cần thiết. Do đó, Giáo sư Beard hối thúc tất cả mọi người nên tiêm phòng cúm để ngăn ngừa nguy cơ diễn tiến nặng, đặc biệt là những người mắc bệnh nền. Mỗi năm, virus cúm khiến hàng nghìn người phải nhập viện ở Úc và hàng trăm ca tử vong.
Dữ liệu của Chính phủ Úc cho thấy trong 2 tuần đầu tiên của tháng 7, số người mắc bệnh về đường hô hấp cao hơn so với năm ngoái.
Báo cáo giám sát hô hấp mới nhất của Úc cho thấy các ca mắc cúm đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 4 vừa qua và đạt đỉnh vào đầu tháng này. Nhóm tuổi có số ca mắc cúm nhiều nhất là trẻ em từ 0-9 tuổi.
Khoa cấp cứu của Bệnh viện Hoàng gia Melbourne (RMH) đã ghi nhận 120 trường hợp mắc cúm trong 2 tuần qua. Giáo sư Lou Irving, bác sĩ chuyên khoa hô hấp của RMH, cho rằng đây là một con số lớn và rõ ràng virus cúm đang lây lan mạnh trong cộng đồng. Giáo sư Irving khẳng định việc tiêm phòng cúm vẫn có giá trị để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng.
Trong khi đó, Hiệu trưởng trường Đại học Deakin Catherine Bennett cho biết có 2 nguyên nhân tạo ra đỉnh dịch cúm hiện nay là số người tiêm phòng giảm, trong khi nhiều người không mắc cúm trong thời gian dài do lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 nên khả năng miễn dịch chung của họ thấp. (T/H, tintuc)