Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nếu không có ngày 30/04/1975


Đôi khi ta tự hỏi: Nếu không có ngày 30/04/1975 thì đất nước và con người Việt Nam bây giờ ra sao? Không ai có thể trả lời được, nhưng có một điều  rõ ràng: Ngày ấy, tuy đất nước thống nhất nhưng lòng người Nam-Bắc vẫn xa nhau vời vợi.

Người Việt  có cùng màu da, cùng tiếng nói và con một mẹ, nhưng nhiều khi chúng ta “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Tại sao? Có nhiều nguyên nhân, nhưng cốt lõi vẫn là chúng ta chưa thật lòng với nhau. “Kẻ thắng” vẫn “kiêu ngạo Cộng sản” không muốn “hòa giải” mà chỉ muốn “người thua trận” phải “hòa hợp” vào với thể chế chính trị Cộng sản của mình, là nguyên nhân đã đưa đến cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn trong 30 năm. Trong khi “người thua” thì muốn “xóa bài làm lại” từ đầu về một chế độ được cả hai phía đồng ý qua “trưng cầu dân ý ” hay qua “bầu cử tự do-dân chủ” có quốc tế kiểm soát.

Sự khác biệt ý thức hệ này là nguyên nhân của chia rẽ, sau 47 năm (1975-2022) chiến tranh kết thúc.

HÒA GIẢI-HÒA HỢP 

Đã có những người như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao CSVN Nguyễn Đình Bin, nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ và Nhạc sỹ Phạm Duy đã có những nỗ lực “hòa giải” nhưng không thành công.

Nguyên Thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt từng nói: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu.”  (Phỏng vấn của báo Quốc Tế, ngày 31/03/2005). Trong khi đó, nhân dịp 45 năm kỷ  niệm ngày 30/04/1975, ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao CSVN, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (VNVNONN) đã giãi bầy tâm sự của mình trong bài viết kỷ niệm 15 năm ra đời Nghị quyết 36 NQ/TW (26/03/2004-26/03/2019) do ông đóng vai chính hình thành.

Ông viết: “Sau 15 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 36 NQ/TW đã được thực thi phần nào, được cộng đồng hoan nghênh, tạo ra khá nhiều đổi thay. Nhưng tôi vẫn buồn: vết thương dân tộc thực sự vẫn chưa lành!!! Với các nước ngoài đã từng đô hộ, xâm lược nước ta, gây ra biết bao tội ác tầy trời, biết bao đau thương, mất mát, hậu quả khủng khiếp, nặng nề… mà nhân dân ta vẫn còn phải gánh chịu, với truyền thống khoan dung, hòa hiếu, chúng ta đã gác lại quá khứ, bình thường hóa quan hệ và kết bạn, trở thành những đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện… vì tương lai của mỗi quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Vậy mà, vì sao, cuộc chiến ác liệt nhất đã kết thúc và đất nước đã thu về một mối hơn 4 thập kỷ mà dân tộc ta, nói cho cùng đều là nạn nhân của sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài nói trên, vẫn chưa hòa giải được với nhau? Cũng chính sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài đó đã chia ly bao gia đình Việt và cả dân tộc Việt, gây ra cảnh huynh đệ tương tàn trên đất nước ta. Thế mà ta đã hòa giải được với họ, còn chúng ta, anh em một nhà “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, thì lại chưa hòa giải được với nhau?”

Về phần nguyên Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, ông đã về Việt Nam lần đầu tháng 01 năm 2003 qua trung gian của ông Nguyễn Đình Bin.

Phát biểu tại cuộc họp “giữa kiều bào và UBND TP HCM” (15/01/2004), ông Kỳ nói: “Sau 30 năm đất nước được thống nhất thì đây là lúc cần sự hợp tác của tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước để đất nước trở thành một con rồng châu Á. “Những ai muốn quay về dĩ vãng, thật là không tưởng. Tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ của mỗi công dân trên toàn thế giới là đoàn kết nhau lại, hợp sức xây dựng đất nước. Hãy quên quá khứ để nhìn về tương lai.” (ViệtNam Express Net, 16/01/2004). Tuy nhiên, sau vài cuộc vận động, ông Kỳ đã không thành công. Ông nói: “Tôi nghe dư luận và có cảm tưởng vẫn còn có khoảng cách giữa nói và làm. Cuối năm vừa rồi, Hội nghị Việt kiều (2009 ?) đã thu hút mấy ngàn người về dự. Trả  lời phỏng vấn báo chí, nhiều vị đều bày tỏ mong muốn sớm hòa hợp. Điều đó có nghĩa mặc dù chính quyền đã cố gắng, nhưng ở đâu đó vẫn chưa thực sự tích cực.”

Phóng viên hỏi: Việc tích cực hàn gắn như ông vừa đề cập, cần được hiểu thế nào? 

Ông Nguyễn Cao Kỳ: “Phải từ hai phía, nhưng cái chính vẫn phải từ phía những người trong nước. Chúng ta có thực sự muốn làm và tích cực làm hay không. Nói về đoàn kết toàn dân tộc tôi có cảm giác dân tộc mình mỗi lần bị đe dọa đến vận mệnh thì lại đoàn kết. Thời xưa, chống giặc ngoại xâm phương Bắc thời nay đánh Tây, đánh Mỹ là tự khắc cả dân tộc đoàn kết và chiến thắng. Nhưng khi thắng rồi không hiểu làm sao mà tình cảm lại không được như trước. Theo tôi, cả hai phía vẫn có thiểu số còn quá nặng về dĩ vãng, chưa có tầm nhìn về tương lai. Một người không biết nhìn về tương lai, thì họ chỉ còn sống và ôm dĩ vãng. Mà như vậy thì tư duy của họ vẫn mãi bị ám ảnh bởi những chuyện hận thù, chủ nghĩa hay phe phái. Chúng ta phải thực tế nhìn vào điều này: muốn hòa hợp thì rất không nên nói nhiều mà phải làm”.

Phóng viên: Liệu có cách gì để chúng ta không còn phải mất thêm thời gian cho việc hòa hợp, hàn gắn với đa số những người Việt ở bên ngoài đất nước?

Ông Nguyễn Cao Kỳ: “Chuyện quốc gia cũng giống như trong một gia đình. Những việc chung thì cần đánh tiếng để mọi người xúm tay vào làm. Tôi nghĩ đối với đa số người Việt ở bên ngoài thì sẵn lòng góp sức cùng trong nước. Với đất nước có gì phải ngại ngần. Vấn đề là họ cần được thông tin đầy đủ về tình hình và những nhu cầu thực sự mà nhà nước đang cần sự góp sức của họ. Hòa hợp dân tộc sẽ tập hợp được sức mạnh. Cứ đặt lợi ích dân tộc lên trên thì chúng ta tự khắc biết phải ứng xử thế nào cho hợp lẽ. Nhưng khi đã kêu gọi thì cũng phải tạo điều kiện thoải mái cho người ta về. Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau”. (ViệtNamNet, ngày 27/04/2010).

Cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ qua đời ở Mã Lai ngày 23/07/2011, thọ 81 tuổi trong khi hoài bão hòa hợp dân tộc của ông còn dở dang.

LÁ RỤNG VỀ CỘI

Sau ông Kỳ, Nhạc sỹ Phạm Duy, khi ấy 86 tuổi cũng về và ở luôn Việt Nam từ ngày 17/05/2005. Ông xin lại quốc tịch và làm thẻ công dân Việt Nam.

Thời đó, ông nói với BBC tiếng Việt: “Tôi về đây không phải là tôi đi tìm danh vọng, hay tôi tìm đồng tiền kinh tế. Không phải. Tôi về đây là vì tôi yêu nước thôi. Mà tôi phải về vì người già nào cũng muốn chết ở quê hương của mình, thế thôi.” 

Cuộc trở về quê hương cũ của Nhạc sỹ Phạm Duy, một cựu kháng chiến theo Việt Minh rồi lại bỏ hàng ngũ quay về Hà Nội  trước khi đất nước chia hai năm 1954, đã gây tranh luận trong và ngoài nước. Nhưng Phạm Duy nói: “Người Việt Nam ở Mỹ, hay đi hải ngoại rồi, muốn nghĩ gì thì nghĩ, tôi không quan tâm”. Bởi những người đó vẫn còn nuôi oán thù. Mà tôi chủ trương là sau 30 năm trời, thì phải đến các lúc mà có sự hòa hợp dân tộc. Thì phải thế thôi.”

Ngoài Phạm Duy, ba con trai của ông gồm Duy Quang, Duy Cường và Duy Minh cũng đã về ở luôn tại Sài Gòn. Nhưng Duy Quang, sau đó bị ung thư gan phải bay về Mỹ chữa trị rồi qua đời ngày 19/12/2012.

Trả lời câu hỏi: Nguyên nhân nào để ông quyết định trở về? Phạm Duy đáp: “Tôi có quyết định về Việt Nam từ năm 1988. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã cho thế giới thấy một Việt Nam cởi mở như thế nào. Từ chuyện muốn về nước, nên tôi đã viết ca khúc “Hẹn em năm 2000” và khi nhà tôi mất năm 1999, tôi không còn vướng bận chuyện gia đình nữa, càng thôi thúc tôi phải về hơn. Từ đó đến nay, tôi đã về 10 lần, những gì mắt thấy tai nghe đủ cho tôi quyết định về hẳn. Tôi đi nhiều nước, chưa có dân tộc nào yêu cuộc sống như dân tộc Việt Nam, quyến rũ cả người ngoại quốc. Đời sống của dân mình tôi thấy đã thay đổi hoàn toàn, ngay cả làng mạc nay cũng khang trang, sạch sẽ. Người nông dân tuy còn đi cày, nhưng trên bờ ruộng lại có chiếc Honda, không phải lội bộ như ngày xưa.” (BBC, ngày 19/12/2012).

Nhưng chuyến trở về ở luôn nơi “chôn nhau cắt rốn” của Phạm Duy cũng chỉ kéo dài được 8 năm. Ông qua đời vì bạo bệnh ở Sài Gòn ngày 27/01/2013, thọ 94 tuổi.

DU SINH-MỘT ĐI KHÔNG VỀ 

Bên cạnh hai chuyến quay về Việt Nam của ông Kỳ và Nhạc sỹ Phạm Duy, không thấy có thêm “nhân vật miền Nam cũ” nào muốn về Việt Nam sống luôn, ngoại trừ một số doanh nhân muốn đầu tư vào Việt Nam trong hai ngành Du lịch và Nhà đất.

Chính quyền CSVN từng hy vọng sẽ có nhiều trí thức trẻ thuộc thế hệ thứ 3 của người Việt tị nạn ở nước ngoài sẽ về Việt Nam giúp nước, vì họ không bị ràng buộc bởi quá khứ chia rẽ do chiến tranh để lại. Nhưng họ đã sai. Có nhiều lý do nhưng nguyên nhân chính vì phần đông cấp lãnh đạo trong nước vẫn tự kiêu là kẻ chiến thắng nên không sẵn sàng nghe và làm theo ý kiến của con em thuộc thành phần thua trận.

Bên cạnh đó là tư duy cầm quyền độc tài, hẹp hòi, gia trưởng, coi nhẹ các quyền con người, trong đó có các quyền tự do tư tưởng và tự do tín ngưỡng, không được tôn trọng. Những bất công giầu-nghèo trong xã hội và chủ trương “không khoan nhượng” của nhà nước chống lại những trí thức đòi dân chủ cũng đã làm nhụt chí quay về của những người trẻ ở nước ngoài. Đấy là chưa kể đến tình trạng quan liêu và tham nhũng dầy đặc trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên là những mảng xám đen của chế độ đã bị phơi bầy trước mắt những người muốn quay về giúp nước.

Do đó, hằng năm chỉ có chừng vài trăm, trong số 700,000 trí thức và chuyên viên người Việt ở nước ngoài, muốn về Việt Nam hợp tác mà không muốn quay về lập nghiệp. Con số khiêm nhượng này, trong số 5.5 triệu người Việt ở nước ngoài, cho thấy chính sách hợp tác trong-ngoài giữa chính quyền và kiều bào hãy còn cách biệt, nhưng nhà nước lại không muốn thay đổi chế độ chính trị nên xa cách cứ mỗi ngày một giãn ra. Đảng và nhà nước CSVN cũng đã quy chụp những ai đòi dân chủ, đòi đa nguyên đa đảng, đòi bầu cử tự do là “những kẻ muốn chống phá  chế độ”, hay “những thế lực thù địch” muốn loại đảng khỏi vị trí cầm quyền.

Bằng chứng này được viết trong Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận hàng đấu của Tuyên giáo Việt Nam: “Đáng chú ý, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn một bộ phận kiều bào do chưa có dịp về thăm đất nước để tận mắt thấy được những thành tựu của công cuộc đổi mới, nên nhận thức về quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ và chính xác. Thậm chí, có những cá nhân do còn thành kiến, mặc cảm đã thể hiện sự bất mãn, tiêu cực, đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, tuyên truyền sai sự thật, kích động kiều bào, phá hoại mối quan hệ giữa nước sở tại với Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước…” (TCCS, ngày 08-03-2022).

Trong thời đại điện tử hiện nay đâu cần phải về Việt Nam mới thấy những thay đổi của đất nước và con người Việt Nam sống trong chế độ Cộng sản độc tài? Chỉ riêng một chuyện trước mắt: Người Việt Nam ở trong nước đã tìm mọi cách, nếu có khả năng và cơ hội, để rời quê hương sống ở nước ngoài cũng đủ để đánh giá ở đâu có tự do và dân chủ thì ở đó có công bằng xã hội thu hút khả năng lao động của con người.

Đó cũng là lý do tại sao  cán bộ, đảng viên có chức có quyền và doanh nhân giầu có đã tìm mọi cách gửi con đi du học ở nước ngoài để thành tài rồi tìm cách nhập cư, tạo cầu nối “đoàn tụ” cho cha mẹ, anh em… Theo Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện đang có khoảng 190,000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. “Các nước có nhiều du học sinh Việt Nam là Úc 30,000, Mỹ 29,000, Canada 21,000, Anh 12,000, Trung Quốc 11,000” (theo VOH Radio – Voice of Ho Chi Minh City – ngày 26/07/2020). 

Vẫn theo VOH: “Chính phủ Úc luôn giành tặng rất nhiều học bổng cho các du học sinh, đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia được nhận rất nhiều học bổng từ chính phủ Úc, với khoảng 150 suất học bổng mỗi năm. Du học sinh có thể xin được học bổng từ chính phủ hoặc từ chính các trường đại học. Một số trường đại học nổi tiếng ở Úc gồm Monash, Melbourne, Đại học Quốc gia Australia… Hiện có khoảng 30,000 du học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của nước này. Úc được xem là một đất nước không quá khó để tìm việc và xin định cư. Theo quy định của pháp luật Úc, thì sau 2 năm làm việc toàn thời gian và đáp ứng đủ yêu cầu theo luật định cư thì du học sinh sẽ được xem xét quyền định cư.”

Sự dễ dãi của Úc không phải là cá biệt mà còn ở các nước khác, kể cả Hoa Kỳ, vì các nước này có chính sách trọng dụng nhân tài để mở mang đất nước, không giống như Việt Nam chỉ biết lấy tiêu chuẩn “hồng hơn chuyên” và “hạt giống đỏ”, con cái các đảng viên trung kiên, để được hưởng bổng lộc và tiếp nối cầm quyền. 

Đó là lý do tại sao có hiện tượng: “100% du học sinh không muốn quay về. Và rất khó cho những người đã trở về áp dụng những gì được học vào thực tế tại Việt Nam”, theo kết quả một nghiên cứu của TS Phạm Thị Liên, thuộc Đại học Công nghệ Sydney. (BBC, ngày 24 tháng 9 2019).

BBC viết tiếp: “Sinh viên du học xong, trở về hay không trở về – một đề tài tưởng cũ, nhưng thỉnh thoảng lại được xới lên trên báo chí lẫn trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, lựa chọn – về hay ở lại – không chỉ là lựa chọn cá nhân, mà còn là phản ánh khả năng tiếp nhận nguồn vốn con người của một nền kinh tế.”

Cũng nên biết tình trạng “đảng hóa xã hội” ở Việt Nam đã khiến cơ hội thăng tiến cho dân thường gặp nhiều khó khăn nên dân đã có câu “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”, phản ảnh trung thực về nạn “con ông cháu cha” quan trọng hơn học vấn trong hệ thống cầm quyền.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2020, kiều bào đã đầu tư trên 360 dự án ở Việt Nam với tổng số vốn 1.6 tỉ USD. Theo Ngân hàng Thế giới Việt Nam, Việt Nam  đứng trong top 10 quốc gia nhận kiều hồi lớn nhất thế giới. Dự báo lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 18,06 tỉ USD, tương đương 5% GDP của Việt Nam. Phần lớn số tiền này được gửi về giúp thân nhân thoát khỏi cuộc sống khó khăn.

Như vậy, giữa xây dựng đất nước và đoàn kết dân tộc trong ngoài, giữa chế độ một đảng cầm quyền và đòi hỏi dân chủ, nhân quyền của một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn một lằn ranh ngăn cách sau 47 năm ngày 30/4/1975.  Ấy là chưa kể thứ ngôn ngữ thù hận của phe quân đội vẫn thường xuyên mạ lỵ những người không bằng lòng với chế độ. Tiêu biểu như đã thấy trên báo Quân đội Nhân dân (QĐND) của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Báo này viết: “ Cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), những kẻ “lật sử” lại tìm mọi cách để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, bôi nhọ lịch sử Việt Nam và công cuộc thống nhất đất nước của toàn dân ta.

Lợi dụng tính đại chúng của mạng xã hội, thành phần bất mãn mượn cớ khoa học hay tự xưng là “người cầm bút chân chính” đăng đàn các nội dung cho rằng, có những sự thật lịch sử, nhân vật lịch sử trong dịp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cần phải xem xét lại (!). Một số kẻ giở trò “nước mắt cá sấu” để kêu thay, vái đỡ cho nhóm người bất mãn, “bên kia chiến tuyến” với luận điệu “thống nhất đất nước là sai lầm” (!); nhiều người đang tha hương, lưu lạc, vì sợ mà không dám trở về quê hương… Dù xảo quyệt đến đâu, ngôn từ có hùng hồn hay tỏ ra bi lụy thì tựu trung lại, chúng đều tỏ rõ bộ mặt thật của những kẻ có mưu đồ bất chính, hòng phủ nhận các giá trị lịch sử dân tộc, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, thống nhất Bắc-Nam một nhà.” (QĐND, ngày 20/04/2022).

Viết như thế chẳng khác nào “tự tay vả vào mặt mình”, vì ngay ở trong nước cũng đã có nhiều trí thức muốn “viết lại lịch sử đảng cho rõ trắng đen công và tội” của những người Cộng sản đối với đất nước và dân tộc, sau 92 năm ông Hồ Chí Minh thành lập đảng.

Đảng và nhà nước CSVN cũng cần phải giải thích cho dân biết tại sao trong sách giáo khoa đã không có những trang sử viết chi tiết về cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam trong suốt 10 năm từ 1979 đến 1989 và hai  cuộc chiến đấu hào  hùng của Hải quân Việt Nam Cộng hòa chống Trung Cộng  tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng 01 năm 1974  và cuộc chiến của Hải quân Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với hải quân Trung Quốc ở Trường Sa ngày 14 tháng 03 năm 1988?

Đã có 74 Chiến sỹ Hải quân VNCH hy sinh ở Hoàng Sa, trong khi ở Trường Sa cũng đã có 64 người lính Hải quân bỏ mình vì đất nước.

Lý do  che đậy lịch sử và ai là người chỉ đạo làm việc xấu xa này cũng cần phải phanh phui và xử phạt nghiêm minh để tạ tội với những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh xương máu bảo vệ quê hương. Ngoài ra, lịch sử cũng muốn biết kẻ lãnh đạo nào trong đảng CSVN đã cấm nhân dân không được làm lễ truy điệu hằng năm để ghi ơn những quân và dân đã hy sinh trong 3 cuộc chiến lịch sử này?

Cuối cùng, ta cũng không thể nào quên được cuộc vượt biển bi hùng và chồng chất đau thương của hàng trăm ngàn “thuyền nhân”, đa số ra đi từ Việt Nam đã chết trên Biển Đông trên đường tìm tự do từ sau ngày 30/04/1975.

Theo thống kê của “Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn ước tính có từ 200,000 đến 400,000 thuyền nhân chết trên biển do mọi nguyên nhân (bệnh tật, tai nạn, bão tố, gặp hải tặc…) Những ước tính khác cho rằng có từ 10 đến 70 phần trăm thuyền nhân chết trên biển do mọi nguyên nhân.”  (Theo Bách khoa Toàn thư mở). 

Cũng theo tài liệu của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hợp Quốc thì: “ Trong khoảng thời gian 20 năm từ 1975 đến 1995 có 796.310 người từ Việt Nam vượt biên bằng đường biển. Cũng theo số liệu của tổ chức này, trong khoảng thời gian 1975-1995 đã có 849,228 người từ Đông Dương vượt biên bằng đường biển hoặc đường bộ (tính cả người Campuchia) Theo số liệu của Indonesia, trong khoảng thời gian 1975-1996 đã có 250,000 người từ Việt Nam và Campuchia tới tá túc trên đảo Galang. Tuy tới từ Việt Nam, nhưng theo thống kê thì 2/3 số người vượt biên là người gốc Hoa.”

Tất cả những chuyện đau lòng này liệu có xẩy ra nếu không có ngày 30/04/1975?

Phạm Trần

(Kỷ niệm 30/04/1975-30/04/2022)