Mỹ, Nhật, Ấn và Úc hội đàm tìm chiến lược đối phó với Trung Quốc
Hôm 06/10/2020, ngoại trưởng Mỹ cùng đồng nhiệm ba quốc gia đồng minh trong nhóm Bộ Tứ (Quad) có cuộc hội đàm tại Nhật Bản, nhằm thảo luận về mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc và các chiến lược đối phó. Đây là cuộc hội đàm lần thứ hai của các ngoại trưởng Bộ Tứ.
Theo AFP, sáng hôm nay, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có cuộc hội kiến với đồng nhiệm Úc Marise Payne. Theo một thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ, ngoại trưởng hai nước đã « chia sẻ lo ngại về các hoạt động mờ ám » của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Trước chuyến công du Tokyo, ngoại trưởng Mỹ cho biết sẽ có « một số thông báo quan trọng » sau cuộc hội đàm bốn bên, tuy nhiên ông Pompeo cũng nói thêm là các thông báo sẽ chỉ được đưa ra sau khi các ngoại trưởng trở về, và sau khi tham vấn ý kiến của lãnh đạo.
Theo một nhà ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc hội đàm, các ngoại trưởng Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc cũng thảo luận về hợp tác phòng chống đại dịch Covid-19, an ninh trên biển và an ninh mạng.
Trước chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ, tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm qua, 05/10/2020, có phát biểu nhấn mạnh đến vị trí trung tâm của quan hệ Mỹ – Nhật và vai trò quan trọng của Bộ Tứ, nhưng đồng thời cũng lưu ý đến tầm quan trọng của việc xây dựng « các quan hệ ổn định với các láng giềng, bao gồm Nga và Trung Quốc ».
Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ đến Tokyo vẫn được duy trì, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm rung chuyển Nhà Trắng, với việc tổng thống Donald Trump và một loạt cộng sự bị nhiễm virus. Đây là lần thứ hai các ngoại trưởng Bộ Tứ nhóm họp. Nhóm Bộ Tứ tổ chức cuộc hội đàm cấp ngoại trưởng lần đầu tiên vào tháng 9/2019 tại New York.
Cơ chế Bộ Tứ (tên gọi đầy đủ là Đối thoại An ninh Bốn bên – Quadrilateral Security Dialogue), với chủ trương xây dựng một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương « mở và tự do », cũng mở rộng cho sự tham gia của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Mới đây, một số quốc gia như Pháp và Đức khẳng định ủng hộ quan điểm một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do, dựa trên luật pháp quốc tế. (RFI)