Mỹ hành động để chặn ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc
Khi Maldives đang vật lộn với núi nợ vay mượn từ Trung Quốc thì Mỹ đã ký hợp tác với quốc đảo này.
Ngày 13/9, tờ Hindustan Times cho biết, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á, ông Reed Werner và Bộ trưởng Quốc phòng Maldives, bà Mariya Didi hôm 10/9 đã ký kết thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng và an ninh tại thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania).
Trong một thông báo, Lầu Năm Góc cho biết: “Thỏa thuận khung nêu rõ ý định của cả hai nước về việc tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình và đảm bảo an ninh ở Ấn Độ Dương, đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác quốc phòng”.
Về phía Maldives, Bộ trưởng Quốc phòng Didi cho biết thỏa thuận giữa hai bên là nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh. Bà Mariya lưu ý hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gắn liền với lợi ích tốt của cả hai nước.
Bà Didi đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác song phương trong bối cảnh các mối đe dọa xuyên quốc gia ngày càng gia tăng như cướp biển, chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và buôn lậu và đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, bà Didi và ông Werner nhất trí về việc chuẩn bị cho Đối thoại Quốc phòng và An ninh đầu tiên giữa Maldives và Mỹ, theo Lầu Năm Góc.
Động thái hợp tác giữa Mỹ và Maldives diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang cố tăng cường sức ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trung Quốc đẩy mạnh cho vay và đầu tư vào những dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn vào các quốc gia trong khu vực.
Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào Maldives kể từ năm 2014.
Cựu Tổng thống Maldives Abdulla Yameen “tính lũy” món nợ Trung Quốc cho chính quyền người kế nhiệm với số tiền lên tới 3 tỷ USD, trong khi đất nước 400.000 dân này có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 là khoảng 5 tỷ USD.
Là nhà lãnh đạo cứng rắn thân Trung Quốc, ông Yameen đã bạo tay vay mượn Bắc Kinh để rồi cuối cùng có vị quan chức cấp bộ của Maldvies phải cay đắng thừa nhận “chúng tôi đã chuốc họa vào thân”.
Đối với Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, phản ứng của nước này đối với Vành đai và Con đường nhất quán hơn và toàn diện hơn, họ cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích sáng kiến của Trung Quốc là “bẫy nợ”.
Thậm chí, mới đây nhất, vào ngày 11/9, tờ SCMP còn dẫn báo cáo của Viện Chính sách Xã hội châu Á (Mỹ) cho biết Trung Quốc có thể sẽ “vũ khí hóa” một số dự án trong sáng kiến Vành đai và Con đường.
Mỹ đã đưa ra những “khuyến cáo nghiêm khắc” đối với nhiều quốc gia khi muốn hợp tác với Trung Quốc thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trước áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ, cộng với việc mất kiên nhẫn về những lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh hứa hẹn khiến nhiều nước Trung và Đông Âu xem xét lại chiến lược của họ.
Vào tháng 6/2020, Rumani đã đình chỉ việc hợp tác với đối tác Trung Quốc trong dự án xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân của công ty Nuclearelectrica. Đây là một phần nằm trong sáng kiến “Vành đai và con đường” đầy tham vọng của Bắc Kinh, với Rumani đóng vai trò như bàn đạp để thâm nhập vào Đông Âu.
Trước đó, vào năm 2019, Tổng thống Rumani và Mỹ ký một tuyên bố chung vào năm ngoái, kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước về năng lượng hạt nhân, khiến triển vọng hợp tác với Bắc Kinh đã trở nên không còn chắc chắn.
Vài ngày trước đó, Israel, đồng minh lớn khác của Mỹ, quyết định trao dự án khử mặn trị giá 1,5 tỷ đôla cho một công ty Israel sau khi Mỹ cảnh báo sự hiện diện ngày càng nhiều của đầu tư có liên quan tới Trung Quốc tại đất nước này.
Cùng với đó, Mỹ ban hành một loạt chính sách để xử lý vấn đề của sáng kiến Vành đai và Con đường. Chẳng hạn, từ tháng 10/2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Tối ưu Tốt hơn Các khoản Đầu tư Dẫn tới Phát triển, gọi tắt là Đạo luật BUILD với sự ủng hộ của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đạo luật này đã được ông Trump ký ban hành.
Đạo luật BUILD thiết lập nên cơ quan Hợp tác Quốc tế Phát triển Tài chính (IDFC) và tăng gấp đôi khả năng tài trợ phát triển của Mỹ lên tới 60 tỷ USD. IDFC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực đầu tư tư nhân của Mỹ trong các thị trường mới nổi “nhằm bổ sung việc hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Cũng trong năm 2018, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Sáng kiến Trấn an Châu Á – Asia Reassurance Initiative, gọi tắt là ARIA, cho phép chi 1,5 tỷ USD hàng năm trong năm năm cho chi tiêu quốc phòng nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung quốc trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Theo Viện Chính sách Xã hội châu Á, Washington cần hợp tác với “các nền dân chủ láng giềng” như Ấn Độ, Australia và Nhật Bản và các nước trong khu vực như khối ASEAN để cung cấp các giải pháp thay thế thương mại và quân sự.
“Vẫn còn nhiều cơ hội để Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc để có được ảnh hưởng và uy tín ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, báo cáo của Viện nhấn mạnh. (BDV)