Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Mỹ có thể không cần vắc-xin AstraZeneca

Các chuyên gia y tế công tại Mỹ đang tranh cãi việc có nên bổ sung vắc-xin AstraZeneca vào kho dự trữ, hay là chuyển cho các nước khác.

Ngày 22/3, AstraZeneca thông báo vắc-xin hãng có hiệu quả 79% trong ngăn ngừa COVID-19 trong thử nghiệm giai đoạn 3 ở Mỹ mà không phát hiện mối lo ngại nào về vấn đề an toàn. AstraZeneca dự kiến sẽ trình kết quả này lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Tuy nhiên, từ nay đến khi được FDA cấp phép sử dụng sẽ phải mất hơn một tháng nữa. Đó cũng là thời điểm mà cung-cầu vắc-xin tại Mỹ đến điểm bão hòa, trong khi đa phần thế giới vẫn có nhu cầu rất lớn với vắc-xin này. “Khoảng cách giữa cung và cầu đang được thu hẹp đáng kể và tôi cho rằng tới đầu tháng 5, khoảng cách này sẽ được san phẳng”, Tiến sĩ Authony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) nhìn nhận.

Cùng chung nhận định trên, ông Ashish Jha, Hiệu trưởng trường Y tế cộng đồng tại Đại học Brown (Mỹ) cho biết, gần như sẽ chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ công dân Mỹ được tiêm AstraZeneca và vắc-xin này cũng không giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, bởi vào tháng 5, nguồn cung vắc-xin tại Mỹ là dồi dào.

Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng không nên loại bỏ AstraZeneca. Theo Angela Rasmussen, chuyên gia về virus học tại Trung tâm An ninh và Khoa học sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Georgetown, vắc-xin AstraZeneca sẽ vẫn rất hữu ích ở các vùng nông thôn tại Mỹ, nơi mà việc bảo quản vắc-xin dưới nền nhiệt lạnh sau – điều kiện ràng buộc với hai mẫu Pfizer và Moderna, gặp thách thức. 

Thử nghiệm lâm sàng với vắc-xin AstraZeneca tại Mỹ có kết quả chậm hơn các khu vực khác do từng bị tạm dừng trong 7 tuần hồi mùa Thu năm 2020. Các nhà khoa học nghi ngờ vắc-xin gây tác dụng phụ nghiêm trọng về thần kinh ở các tình nguyện viên, nhưng giới chuyên gia đã chứng minh điều này là không đúng.

Nhưng “lận đận” dường như vẫn chưa buông tha AstraZeneca. Ngày 23/3, NIAID ra thông báo bày tỏ quan ngại rằng, kết luận về tính hiệu quả của vắc-xin AstraZeneca trong thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ có thể được dựa trên các dữ liệu đã lỗi thời, cung cấp cái nhìn không đầy đủ về tác dụng của vacicne. NIAID kêu gọi AstraZeneca làm việc với Ban Giám sát Dữ liệu và An toàn (DSMB) để xem xét về độ hiệu quả, đảm bảo phân tích chính xác, có tính cập nhật và công khai nhanh nhất có thể. (TinTuc)