Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Mỹ: Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp

Mỹ chính thức bác bỏ hầu hết các yêu sách của chính quyền Trung Quốc đối với các tài nguyên ở Biển Đông.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đi thẳng vào một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ – Trung, trong đó bác bỏ hầu như mọi tuyên bố chủ quyền đáng kể nhất của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 13/7, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các tuyên bố của Trung Quốc đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp”.

Ngoại trưởng Mike Pompeo viết trong thông cáo báo chí đăng trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ như sau:

“Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay chúng tôi tăng cường chính sách của Mỹ trong một phần quan trọng và gây tranh cãi của khu vực – đó là Biển Đông.

Chúng tôi khẳng định rõ: các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông”.

Đồng thời, Ngoại trưởng Pompeo nói rõ, Mỹ tìm cách bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng tự do trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại và phản đối bất kỳ nỗ lực nào về việc sử dụng cách thức cưỡng ép hay vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp.

Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao, ở Washington, vào ngày 1/7/2020. (Manuel Balce / Pool / AFP qua Getty Images)

“Chúng tôi chia sẻ những lợi ích sâu sắc và trường tồn này với các đồng minh và đối tác, những người lâu nay đã ủng hộ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế”, thông cáo viết.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình trong khu vực. Thông cáo viết tiếp:

“Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố vào năm 2009. Trong quyết định đồng thuận ngày 12/7/2016, một tòa trọng tài thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 – mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên – đã bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc, cho đây là yêu sách không có cơ sở luật pháp quốc tế”.

Đây là lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thắn bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời tố cáo Bắc Kinh đe dọa và bắt nạt các nước Đông Nam Á, ngăn không cho khai thác tài nguyên ở Biển Đông.

Thông cáo kết luận: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của họ. Nước Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác ở khu vực Đông Nam Á trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền của họ với các tài nguyên ở đây, tuân theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sát cánh cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do hàng hải và phản đối bất cứ hành động áp đặt “sức mạnh” ở Biển Đông hoặc các khu vực khác”.

Thông cáo trên được công bố vào dịp kỉ niệm 4 năm ngày Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Philippines đầu năm 2013 nộp hồ sơ kiện “đường 9 đoạn” Trung Quốc đơn phương vẽ ra để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ngày 12/7/2016, PCA ra phán quyết khẳng định “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.

Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của trọng tài

Trong khi đó, tối 13/7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines khẳng định phán quyết nêu trên là “bất hợp pháp”. Chính quyền Trung Quốc luôn bác bỏ và không thi hành phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. (Ảnh: Chinanews.com)

Hồi tháng 4/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Quan điểm của Trung Quốc về trọng tài như vậy đã rõ ràng và nhất quán. Chính phủ Trung Quốc không chấp nhận hoặc tham gia vào trọng tài và sẽ không bao giờ công nhận hoặc chấp nhận các phán quyết liên quan và sẽ không chấp nhận bất kỳ khiếu nại hoặc hành động nào dựa trên các phán quyết đó”, theo CGTN.

Trong vài tháng qua, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông bằng cách thành lập 2 quận tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Quân giải Trung Quốc còn tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông và Hoàng Hải, đồng thời Trung Quốc cấm các tàu dân sự đến gần khu vực quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1 đến 5/7. (NTD)