Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Một thuyền nhân tranh đấu để không bị trục xuất về Việt Nam sau 30 năm ở tù tại Hồng Kông

Ba thập niên trước đây, ông Võ Văn Hùng là một thiếu niên đến Hồng Kông theo những người tỵ nạn cộng sản. Giờ đây, sau khi mãn hạn tù từng bắt đầu 30 năm trước, ông Hùng đang tranh đấu để không bị chính quyền Hồng Kông trục xuất về Việt Nam.

Tin của AFP cho biết Võ Văn Hùng là một trong hàng ngàn thuyền nhân phải rời bỏ quê hương để tìm tự do. Nay ông đã được 41 tuổi và là một trong số ít người tỵ nạn chưa biết số phận mình sẽ ra sao, vì họ có thể bị trục xuất về nước cộng sản.

Sự tranh đấu của ông đã mở ra lại một chương sử ảm đạm của Hồng Kông trong thời cận đại.

Vào năm 1991, ông Hùng là một em trai 12 tuổi đến Hồng Kông một mình. Sau một thời gian bị giam đằng sau hàng rào kẽm gai của trại tỵ nạn, ông bị nhốt trong tù vì tội sát nhân.

Vào năm 1991, ông bị giam trong một khu trại tỵ nạn mà lúc bấy giờ nổi tiếng là rất bạo động. Số người bị nhốt ở đó đã lên tới hơn chục ngàn người. Những người này đã bị kẹt trong trại tỵ nạn trong lúc hồ sơ của họ chưa được một quốc gia thứ ba cho phép tái định cư. Cuối cùng thì hầu hết được rời trại để đến một quốc gia Tây Phương.

Thế nhưng khi còn ở tuổi niên thiếu, ông Hùng bị kết tội giết người vì đã đâm chết một người tỵ nạn khác trong lúc họ cãi nhau trong trại tạm trú. Ông bị án 22 năm tù.

Thư viết tay của ông Võ Văn Hùng xin được ở lại Hồng Kông. (Anthony Wallace/ AFP via Getty Images)

Ông mãn hạn tù bốn năm trước đây và tiếp tục bị giam trong một trại khác của Sở Di Trú, nơi mà các di dân bất hợp pháp đang chờ ngày bị trục xuất về cố quốc. Ông Hùng đã nộp đơn khiếu nại và xin được ở lại Hồng Kông.

Ông nói với phóng viên hãng thông tấn AFP qua lớp kiếng tách biệt khách viếng thăm và người bị giam trong tuần qua, “Nếu họ trục xuất tôi về Việt Nam thì tôi thà bị nhốt trong tù tại Hồng Kông suốt đời còn hơn.
“Tôi không có gia đình hay bạn bè ở Việt Nam.”

Trong những năm sau khi cuộc chiến kết thúc tại Việt Nam, khoảng 200,000 thuyền nhân Việt Nam đã đến Hồng Kông để tránh sự đàn áp và nghèo đói dưới chế độ cộng sản.

Nhiều người đã vượt biển trên những chiếc thuyền mong manh, trôi nổi trên Biển Đông, đưa đến từ ngữ “thuyền nhân” từ ngày đó.

Đến khi trại tỵ nạn cuối cùng được đóng lại vào năm 2000, khoảng 144,000 thuyền nhân đã được tái định cư tại một quốc gia thứ ba, có tới 58,000 người khác bị cưỡng bách hồi hương, và chỉ còn chừng 1,400 người được ở lại chung sống với người Hồng Kông, kể cả vài chục người trong nhà tù.

Vào năm 2003, nhà chức trách từng cho biết 15 tù nhân Việt Nam sẽ được ở lại Hồng Kông sau khi mãn hạn tù, còn 18 người khác sẽ bị trục xuất.

Võ Văn Hùng cho biết lúc này ông nói tiếng Quảng Đông rành hơn tiếng Việt. Ông đã không biết mình sẽ bị trục xuất sau khi hết án tù. Thế nên vào năm 2016, khi hết hạn tù, ông tưởng mình sẽ được tự do.

Thế nhưng ông chỉ đi đến cổng nhà tù. Ông kể, “Nhiều viên chức di trú đã đứng đợi ở cổng với còng khóa để bắt tôi. Họ nói họ cần đưa tôi đến tại tạm giam.”

Trong nỗ lực tranh đấu để được ở lại, hai năm trước đây ông được một tòa án cho phép xét lại lệnh trục xuất. Một tòa khác sắp xem xét thêm về lệnh này thì xảy ra đại dịch coronavirus.

Hồng Kông hiện đang có 18 người Việt bị xem là không được phép ở lại vì một số lý do, kể cả vì phạm tội.
Ông Hùng nói rằng ông có thể bị đàn áp chính trị khi về nước, vì cha ruột của ông từng là lính Việt Nam Cộng Hòa. Người cha này đã mất tích ở hải ngoại. Còn cha mẹ nuôi của ông đã cho ông lên thuyền vượt biên một mình. Giờ ông cũng không biết họ ở đâu.

Về án mạng xảy ra ba thập niên trước, Hùng nói, “Tôi rất hối tiếc. Tôi đã không biết cách đối phó. Lúc đó bạo động là cách duy nhất để tôi tự bảo vệ mình và những người khác.”

Tại tỵ nạn “Whitehead” nằm ở cuối một bán đảo đã nổi tiếng là nơi thường xảy ra những vụ đánh chết người và hãm hiếp. Ông Hùng nhớ lại, “Mọi người lúc nào cũng đánh nhau cho mọi thứ.”

Ngày đó Hồng Kông còn năm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Anh. Những cuộc nổi loạn và tuyệt thực xảy ra trong những năm 1994 và 1996 chỉ kết thúc khi lực lượng cảnh sát dùng lựu đạn khói cay, trực thăng và quân xa.

Những người bệnh vực Võ Văn Hùng nói rằng ông xứng đáng được ở lại Hồng Kông, vì ông đã hoàn lương trong thời gian ở tù. Ông đã học những nghề để có thể tự nuôi mình như cắt tóc, giữ sổ sách, và may quần áo. (V/Đ)